19/11/2004 20:48 GMT+7

Phút nói thật trước vành móng ngựa

Bài, ảnh: CHI MAI
Bài, ảnh: CHI MAI

TT - Ngày 16-11-2004, xếp hàng trước vành móng ngựa là 10 bị cáo đều có khuôn mặt non choẹt vì đang trong độ tuổi trung học. Phân nửa họ (được tại ngoại) vẫn còn mặc chiếc áo trắng học sinh. Đứa lớn nhất cũng chỉ vừa chớm qua tuổi thành niên.

SYrBStn9.jpgPhóng to
Nói lời sau cùng, các bị cáo này chỉ xin được nhận sự khoan hồng để sớm đoàn tụ gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời
TT - Ngày 16-11-2004, xếp hàng trước vành móng ngựa là 10 bị cáo đều có khuôn mặt non choẹt vì đang trong độ tuổi trung học. Phân nửa họ (được tại ngoại) vẫn còn mặc chiếc áo trắng học sinh. Đứa lớn nhất cũng chỉ vừa chớm qua tuổi thành niên.

Nỗi ân hận muộn màng

Chỉ vì một phút bồng bột, hiếu thắng, a dua theo chúng bạn để chứng tỏ “bản lĩnh” của những thằng con trai mới lớn, đi đánh dằn mặt đối thủ giùm bạn mà họ phải có mặt tại đây, trong phiên tòa phúc thẩm này để xin giảm án. Bản án sơ thẩm trước đó đã tuyên phạt các bị cáo với mức án khá nặng, người nhẹ nhất cũng 3 năm tù, nặng nhất 13 năm (thương tích mà các bị cáo gây cho người bị hại tới 55%). Lần lượt Bảo, Thắng, Anh, Long, Nam... được chủ tọa cho phép nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử vào nghị án.

Mỗi người mỗi cách, có bị cáo nói được sự ân hận muộn màng của mình, có người chỉ ấp úng như cậu học trò chưa thật sự thuộc lòng khi trả bài, nhưng tựu trung đều có nguyện vọng tha thiết: mong được mức án nhẹ, mong sớm được tự do để tiếp tục việc học hành còn dang dở. Ngồi bên dưới, những ông bố, bà mẹ (tham dự tòa với tư cách giám hộ cho bị cáo chưa thành niên) lặng lẽ thở dài. Tại phiên tòa, lời nói sau cùng của bị cáo không chỉ đơn thuần mang tính thủ tục mà nó phản ánh thái độ cuối cùng của bị cáo sau khi hội đồng xét xử đã hỏi và nghe xét hỏi. Đồng thời đó cũng chính là tâm nguyện, mong muốn của người phạm tội. Hầu hết bị cáo đều nhắc tới cha mẹ, người thân với những niềm ân hận, xót xa, những lời xin lỗi muộn màng, ước mong được làm lại cuộc đời.

Lời nói sau cùng của bị cáo là cơ hội để họ nói được tất cả những gì mà phần thẩm vấn, tranh luận trước đó họ không có điều kiện nói ra. Có người nói rõ hơn về nguyên nhân phạm tội của mình, có người xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhưng đôi khi chỉ là lúc để bị cáo giải tỏa nỗi ân hận, cắn rứt lương tâm của mình. Những ai tham dự phiên tòa xét xử 11 bị cáo có trách nhiệm trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) hẳn chưa quên thái độ chân thành, nỗi ân hận khôn nguôi của bị cáo Lâm Nghĩa Hòa - chủ cửa hàng sắt Nam Thông - khi nói lời sau cùng trước hội đồng xét xử.

Bị cáo chính là người đã điều ba thợ hàn đến làm việc tại tòa nhà, trong khi trước đó họ chưa từng được chủ hướng dẫn, trang bị kiến thức, phương tiện phòng chống cháy nổ theo qui định. Sự bất cẩn của những thợ hàn đã làm bùng phát ngọn lửa, gây ra thảm họa - cái chết của 60 người và nhiều người khác bị thương.

Lời nói sau cùng ông chủ cửa hàng sắt không cầu xin giảm án hay khoan hồng gì cho mình mà chỉ xin được các thân nhân, hương hồn nạn nhân tha thứ. Điều ấy, theo ông, chính là để lương tâm mình thanh thản, bớt ray rứt. Bị cáo cũng nhận trách nhiệm chính về mình mà xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo liên quan khác.Một thẩm phán đã hơn mười năm xét xử các vụ án hình sự cho biết: “Lời khai trước đó có thể là thật, cũng có thể là giả vì đôi khi bị cáo muốn che đậy, bào chữa hành vi phạm tội của mình. Nhưng những lời nói sau cùng của họ thường là những gì chân thật nhất mà hội đồng xét xử không thể bỏ qua.

y6JjfmtO.jpgPhóng to
Lời nói sau cùng, bị cáo Lâm Nghĩa Hòa: "Tôi xin chịu mọi hình phạt của pháp luật, chỉ xin thân nhân, các nạn nhân tha lỗi cho tôi"
Có nhiều trường hợp suốt từ khi thẩm vấn đến bào chữa, tranh luận bị cáo không thừa nhận tội phạm nhưng bất ngờ khi được nói lời sau cùng họ lại nhận tội”. Đôi khi lời sau cùng của bị cáo cũng hé lộ những tình tiết quan trọng mà họ cố che đậy, giấu giếm suốt từ đầu vụ án. Những lúc đó tòa cần phải quay trở lại phần thẩm vấn và nhiều lần đã phát hiện thêm những người, những hành vi liên quan khác.

Đặc biệt, qua thái độ của các bị cáo khi nói lời sau cùng, hội đồng xét xử có cơ sở quyết định có nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ “ăn năn hối cải” của bị cáo, động cơ quan trọng giúp họ trở thành người tốt sau quá trình cải tạo. Trong một vụ án giao thông xét xử tháng 7-2004, bị cáo T. là người có lỗi gây ra vụ tai nạn làm chết bốn người đi đường, bị thương một số người khác mà theo khung hình phạt hội đồng xét xử có thể bị áp mức cao nhất (10 năm tù).

Tuy nhiên, khi được tòa cho phép nói lời sau cùng, T. chẳng xin giảm nhẹ cho mình mà chỉ quì lạy từng thân nhân nạn nhân để xin được họ tha thứ tội. Việc ấy, theo một thành viên hội đồng xét xử, đã khiến hội đồng không thể tuyên án ở mức cao nhất của khung hình phạt bởi sự thành tâm, ăn năn hối cải của bị cáo.

Sự hướng thiện từ những bản án tử hình

Những lời nói sau cùng của các bị cáo trước khi nghị án cũng thường chính là những ước mơ, sự hướng thiện của người phạm tội. Cho dù bị cáo là kẻ giết người, có thể bị coi là mất hết nhân tính, đáng phải kết án tử hình nhưng trong lời nói sau cùng họ vẫn có mong muốn được sống, được đoàn tụ với gia đình, người thân.

Tháng 9-2004, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Ánh M., một Việt kiều bị Viện Kiểm sát truy tố và đề nghị hình phạt tử hình vì đã giấu 700 gam heroin trong đôi dép mang theo người để vận chuyển sang Đài Loan, giọng chùng xuống khi M. nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Giọng M. nghẹn ngào, cô nói về sự ngờ nghệch, nông cạn của mình. Sau quá trình hợp tác lao động, M. lấy chồng và ở lại Đài Loan.

Cuộc sống nơi xứ người của M. với bao vất vả, cực nhọc. Lần phạm tội này cũng là lần đầu, cô không bao giờ có thể ngờ hậu quả lại quá lớn như vậy. M. khóc, chỉ mong sao bản án của tòa còn cho cô cơ hội để gặp lại hai đứa con nhỏ hiện vẫn ở xứ người mà M. không hề được tin tức gì kể từ khi bị bắt...Bị cáo L.T.T. trong cơn hoảng loạn đã từng giết vợ, giết con và tự giết chính mình như một cách giải quyết bi kịch của cuộc sống, nhưng vẫn lại xin tòa cho được sống. Việc T. xin được giảm án, xin được sống dù sau khi đã gây ra cái chết cho vợ và đứa con bé bỏng của mình có thể khiến nhiều người không đồng tình: “Ở vị trí của T. đáng ra bị cáo phải tự xin được lãnh án tử hình, được chết theo vợ con mới đúng là người biết ăn năn hối cải”.

Thế nhưng, sau một lần tìm đến cái chết không thành, có lẽ chính T. là người hiểu rõ nhất giá trị của cuộc sống. Chính vì thế, lời nói sau cùng của T. đã nói lên cái mong muốn thật sự của bị cáo: xin được sống! Đó cũng chính là một khát khao rất thực của con người...

Bài, ảnh: CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên