Cô và học trò cùng khởi động trước giờ học thể dục khối lớp 3 Trường Lê Ngọc Hân - Ảnh: Sĩ Huyên |
Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990 - khoảng thời gian điền kinh VN chỉ mới bắt đầu hội nhập với khu vực, Phương Mai là một trong những cái tên đi tiên phong thời ấy. Trong khi Trương Hoàng Mỹ Linh được xưng tụng là “nữ hoàng” của cự ly tốc độ (100m và 200m) thì cô đàn em nhỏ hơn 1 tuổi này lại vô đối trên đường chạy 400m và tiếp sức 4x100m, 4x400m tầm quốc gia.
Nỗi tiếc nuối SEA Games 1995
Những nhân vật kỳ cựu của làng điền kinh VN cho đến giờ vẫn không nguôi nỗi tiếc nuối với Phương Mai ở kỳ SEA Games 1995. Thống trị đường đua 400m trong nước suốt gần 10 năm trời, Phương Mai là một trong những kỳ vọng huy chương hàng đầu của điền kinh VN tại SEA Games 1995, nhưng rồi một biến cố ập đến đã tước đi của chị tất cả. Khoảng một tháng trước khi diễn ra SEA Games, Phương Mai khi ấy đã ra đến sân bay và chuẩn bị lên đường tập huấn thì nhận được tin dữ: cha cô bất ngờ qua đời.
Chuyện đau lòng đến đầy đột ngột đã khiến nhà vô địch chạy 400m của VN bị sốc nặng. Mất khoảng hai tuần lo lắng việc tang gia, khi mọi thứ xong xuôi thì SEA Games kề cận. Phương Mai đã bỏ lỡ điểm rơi phong độ và chị đành từ bỏ đường đua cá nhân 400m, chỉ tham gia vào nội dung đua tiếp sức nhưng đội VN cũng không gặt hái được huy chương. Thế là kỳ vọng vàng bỗng chốc tan tành.
Sau nỗi buồn trên đất Thái Lan năm đó, Phương Mai giã từ luôn sự nghiệp thi đấu ở cái tuổi 25. Chị bước vào một cuộc đua khác, cuộc đua trên ghế giảng đường và đường đời. Khi ấy, chị đã là sinh viên năm 3 của Trường ĐH Thể dục thể thao, Phương Mai lại nỗ lực theo học thêm trường ngành hàng không (nay là Học viện Hàng không Việt Nam) và cả ĐH Tổng hợp (nay được tách thành Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Nỗ lực vô cùng nhưng sức người có hạn, cuối cùng Phương Mai cũng đành phải chọn một, tập trung cho “đường đua” mà chị sở trường nhất: ĐH Thể dục thể thao và chị tốt nghiệp hai năm sau đó.
Khi trò chuyện, chị không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến sự nghiệp thể thao kỳ lạ của mình. “Đời tôi đa mang thật. Thời học sinh, khi mới bắt đầu bước vào nghiệp thể thao tôi theo môn bơi lội. Sau đó được tuyển tiếp vào đội điền kinh. Tôi vẫn nhớ rõ khi đó các thầy cô ở hai đội bơi và điền kinh... giành giật tôi như thế nào. Khi học đại học thì cũng băn khoăn giữa ba trường, cuối cùng phải bỏ bớt hai” - chị kể.
Chưa hết, học xong Phương Mai lại tiếp tục “một thân lo hai ba việc” khi vừa làm cho phòng tổ chức thuộc Sở Thể dục thể thao TP (nay là Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM), vừa cộng tác với VTV. Đến tận năm 2002, cơ duyên mới run rủi đưa chị đến với nghiệp dạy học. Và cô gái vàng ngày nào của điền kinh TP.HCM nay trở thành một cô giáo thể dục ở Trường Lê Ngọc Hân.
Đời vui hơn trong khoảnh sân trường
Những ngày đi dạy đầu tiên của Phương Mai không dễ dàng chút nào. “VĐV chúng tôi vốn quen với tinh thần kỷ luật khi tập luyện nên lần đầu cầm còi, hướng dẫn cho lũ trẻ tôi cực kỳ bỡ ngỡ. Thấy lớp ồn, tôi huýt còi bảo giữ trật tự thì bọn trẻ càng nhao nhao hơn, làm tôi... hoảng quá” - Phương Mai cười kể lại. Rồi sau đó chị cũng dần dần làm quen được khi quan sát, học hỏi kinh nghiệm đứng lớp từ các đồng nghiệp của mình.
Khi đã thôi bỡ ngỡ, Phương Mai lại đau đầu với những chuyện khác trong nghề dạy học. Một thời tung hoành trên các sân vận động có hàng vạn người hâm mộ, cựu ngôi sao điền kinh này dù yêu thích sự thanh thản nhưng cũng không khỏi thấy buồn tẻ với những lớp học thể dục kiểu “dạy cho xong giờ”. Nếu như thời trẻ, chị và các bạn vui vẻ biết bao nhiêu khi được “trầy vi tróc vảy” trên các đường chạy gập ghềnh thì những “cậu ấm cô chiêu” ngày nay lại mè nheo, khóc lóc chỉ vì một vết trầy da nhỏ xíu.
“Dạy thể thao khổ nhất là khi gặp phải các em học sinh quá thụ động, ù lì. Giáo án dạy thể dục lại hạn chế, chỉ có vài ba bài tập tay chân lặp đi lặp lại, rất dễ khiến các em học sinh nhàm chán, trong khi thể thao là phải vui tươi, giải trí” - Phương Mai kể. Thế là chị cùng các đồng nghiệp trong trường cố gắng đầu tư, soạn thảo thêm nhiều trò chơi dựa trên các bài tập căn bản cho học sinh.
Và rồi những giờ học thể dục của Trường Lê Ngọc Hân mỗi lúc một thêm nhộn nhịp những năm gần đây. Quan sát một buổi dạy của chị, chúng tôi nhận thấy niềm vui rõ rệt nơi các học sinh khi được vui đùa cùng cô giáo của mình. Cũng là các động tác đó, cũng chạy bộ, cũng nhảy dây như trong giáo án nhưng các học sinh vui vẻ hơn nhiều khi được tham gia các trò chơi mang tính tranh đua kiểu “vận động trường”.
Sau 35 phút (1 tiết học), lớp học kết thúc và Phương Mai lại sửa soạn dắt một lớp khác sang CLB thể dục thể thao Hồ Xuân Hương học bóng bàn và thể dục nhịp điệu. Chị cho biết đây cũng là một hình thức khuyến khích học sinh chơi thể thao mới của nhà trường: thành lập các CLB (đăng ký tự nguyện) và học sinh sẽ được thầy cô giáo dắt đến các trung tâm thể dục thể thao chơi thêm ngoài giờ. Bận rộn cực kỳ khi quản đến 15 lớp học với gần 500 học sinh trong một niên học nhưng cựu ngôi sao điền kinh vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.
Với Phương Mai, thể dục thể thao luôn là niềm vui với chị, bất kể đó là ở trên những sân vận động hào hùng hay trong một khoảnh sân trường nhỏ bé. “Nếu cho tôi chọn lại giữa công việc HLV chuyên nghiệp và nghề dạy trẻ, tôi vẫn chọn nghề giáo” - Phương Mai nói.
Ăn cướp “chào thua” những bước chạy của Phương Mai Có một kỷ niệm đặc biệt thú vị mà Phương Mai không bao giờ quên được, liên quan đến nghiệp điền kinh của chị nhưng lại không diễn ra trên đường chạy. Đó là khi chị bị giật sợi dây chuyền ngay trước cửa Bệnh viện Phụ sản hồi năm 16 tuổi. Sau khoảnh khắc bàng hoàng, Phương Mai rượt theo gã ăn cướp, đeo bám gần cả cây số qua các con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh thông ra Bùi Thị Xuân rồi trở ra lại Cống Quỳnh. Gần tới Bệnh viện Phụ sản, tên giật đồ đuối sức, dừng chạy rồi trả lại dây chuyền cho Phương Mai. |
Chiếc HCV đáng nhớ Sinh năm 1970, Phương Mai đến với điền kinh thành phố vào năm 15 tuổi và thống trị nội dung chạy 400m, tiếp sức 4x100m ở giải vô địch quốc gia từ năm 1987 - 1994 (chỉ mất danh hiệu vào năm 1988 vì chấn thương). Chiến tích đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chị là ở đợt chạy tiếp sức cuối cùng cự ly 4x400m, dù thua đối thủ gần 100m, Phương Mai làm cú nước rút ngoạn mục ở đích đến để đoạt HCV. Thú vị thay, nhờ chiếc HCV ấy mà đoàn TP.HCM qua mặt Hà Nội đoạt ngôi nhất toàn đoàn trong ngày thi đấu cuối cùng Đại hội TDTT toàn quốc năm 1987. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận