![]() |
Hai bộ biên chung và biên khánh hiện còn tại Huế đang không hoàn chỉnh về mặt âm thanh |
Dự án mẫu của UNESCO
"Chúng ta (từng) vấp phải thói quen hết sức xấu trong việc đối xử với di sản văn hóa là đem di sản ra để cải biên, cải tiến, nâng cao cho nó "hiện đại và khoa học" mà cụ thể là ý tưởng "giao hưởng hóa" nhã nhạc" - GS.TS Tô Ngọc Thanh nhận xét như thế về những lệch lạc từng xảy ra trong việc phục hồi và biểu diễn nhã nhạc - âm nhạc cung đình trong giai đoạn trước đây.
Ðiều này, GS.TS Trần Văn Khê chỉ rõ thêm: "Chúng ta không có quyền thay đổi hình thức và nội dung của nhạc cung đình Huế, vì vậy việc cho thêm đàn tranh, đàn bầu, gõ chén vào trong dàn nhã nhạc là không nên làm, cũng tránh dùng nữ nhạc công... Quan điểm đúng đắn của các bậc tiền bối là đặt trọng tâm vào chất lượng chứ không phải số lượng. Người xưa không cần sự ồn ào hoành tráng mà đặt trọng tâm vào sự tinh tế của cách trộn màu âm"...
Bà Françoise Rivière, phó tổng giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO: “Dự án nhã nhạc rất quan trọng đối với UNESCO vì nó kết hợp được cả di sản vật thể và phi vật thể, hai hoạt động trụ cột của chúng ta trong việc thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới... Các bạn có thể tin tưởng rằng những kinh nghiệm của các bạn không chỉ mang lại những bài học bổ ích cho VN, mà còn cho cả thế giới”. |
Chính lẽ đó, dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị nhã nhạc - âm nhạc cung đình VN" ra đời với sự tài trợ một phần kinh phí của Quỹ Ủy thác Nhật Bản 154.900 USD (trong tổng số 344.900 USD), thực hiện từ năm 2005 đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả.
Ðó là: hoàn thành hồ sơ khoa học về nhạc cụ nhã nhạc; tư liệu hóa hệ thống thư tịch, hình ảnh và âm thanh về nhã nhạc; hoàn thành công trình chuyển biên bài bản nhã nhạc; xây dựng hồ sơ mười nghệ nhân nhã nhạc đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận là nghệ nhân tiêu biểu trong hệ thống nhân văn quốc gia... Một đội ngũ nhạc công nhã nhạc lành nghề đã được đào tạo. Ðặc biệt là việc phục chế thành công trang phục múa bát dật văn - võ và hoàn thành nghiên cứu trang phục đại nhạc, tiểu nhạc và một số vũ phục cung đình Huế...
Ông Hồ Minh Tuấn - phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO VN, cho biết: "Dự án (nhã nhạc) đã được UNESCO đánh giá rất cao, coi đây là một trong những dự án thí điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể thành công nhất mà UNESCO đã triển khai trên các châu lục khác trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các định hướng hợp tác quốc tế thực hiện Công ước 2003 về bảo vệ di sản phi vật thể đang được triển khai hiện nay".
![]() |
Còn đó những gian nan
Theo đánh giá của cục trưởng Cục Di sản văn hóa Ðặng Văn Bài, dự án nhã nhạc đến thời điểm này đã đi khoảng 2/3 chặng đường, và sẽ được phía VN tiếp tục đầu tư để hoàn thành phần còn lại. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, cho dù chỉ 1/3 chặng đường nhưng lại là phần vô cùng cam go, rất khó hoàn thành.
Nhạc sĩ Ðặng Hoành Loan - nguyên phó viện trưởng Viện Âm nhạc VN - đặt ra câu hỏi: "Âm nhạc nhã nhạc hiện được phục hồi bằng trí nhớ nghệ nhân có tin tưởng được không?". Và ông trả lời: "Mặc dù có tổ chức chặt chẽ về mọi mặt nhưng nhã nhạc vẫn duy trì bằng cách thức truyền khẩu. Âm nhạc truyền khẩu luôn là những bản nhạc "dị bản của dị bản", dị bản ngay trong từng lần trình diễn của dàn nhạc".
Trong khi việc phục hồi nhã nhạc phần lớn dựa vào các nghệ nhân, con em nghệ nhân - những người gìn giữ, kế thừa tiếp thu âm nhạc cung đình nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung thì chính sách hiện nay đối với đội ngũ này chưa hề thích đáng. Những người nắm các ngón nghề, bí quyết thì chưa đảm bảo "sống được bằng nghề". Ðó cũng chính là hệ quả mà theo ông Phùng Phu - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: "Quá trình thực tế triển khai dự án và tổ chức điều tra đã nảy sinh một số vấn đề như: thiếu sự hợp tác tích cực của một số ít nghệ nhân được mời phỏng vấn...".
Về phần trang phục, nhà nghiên cứu Trịnh Bách, người đã phục chế thành công nhiều bộ trang phục và nhạc phục cung đình, cho biết hiện rất khó khăn trong việc tìm kiếm các loại vải dệt nguyên bản như ngày xưa, theo đúng yêu cầu một cách khắt khe của các loại trang phục. Bởi cách dệt các loại vải này hoặc không còn được giữ theo lối ngày xưa, hoặc giá thành sẽ vô cùng cao và thời gian khó có thể đảm bảo theo tiến độ yêu cầu của các dự án…
Riêng phần được xem "đau đầu" nhất là việc phục chế hai bộ nhạc cụ biên chung và biên khánh. Ðó là tình trạng bị thay đổi âm thanh do biến chất sau thời gian dài, thêm vào đó là tình trạng bị tẩu tán, hủy hoại phần lớn, kỹ thuật trình tấu hoàn toàn bị thất truyền.
Hiện tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cũng chỉ còn hai bộ biên chung, biên khánh nhưng trong tình trạng chắp nối, vừa thiếu vừa thừa. Ngay cả thạc sĩ Phan Thuận Thảo - người trực tiếp thực hiện hồ sơ khoa học về biên chung, biên khánh - cũng kết luận: "Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, người ta vẫn còn nhìn thấy các nhạc cụ này được sử dụng trong các cuộc lễ quan trọng của triều đình. (Vậy mà) ngày nay biên chung, biên khánh chỉ còn tồn tại như những mảnh vỡ của quá khứ!"...
PGS.TS Vũ Nhật Thăng (Học viện Âm nhạc quốc gia VN), đặt câu hỏi: "Chúng ta có thể phục chế hay sẽ phải sáng chế ra bộ biên chung, biên khánh? Cả hai việc làm đó về mặt âm thanh sẽ phải như thế nào? Tôi tự nhận thấy mình chưa đủ tư cách, và hiện nay chưa đủ lý lẽ để trả lời thẳng vào những câu hỏi vừa nêu, chưa thấy hé lộ một dấu hiệu nào một hệ thống âm được tổ chức chặt chẽ theo một luật lệ rõ ràng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận