27/08/2016 13:55 GMT+7

​Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi. Hiện nay, tai biến mạch máu não đang có xu hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi do các yếu tố như điều kiện ăn uống, áp lực công việc lớn, ít vận động…

Tai biến mạch máu não có nguy cơ tử vong cao thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư, đứng hàng đầu về khả năng gây tàn tật và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam.

Tai biến mạch máu não đưa đến những di chứng nặng như yếu liệt tay chân, rối loạn cảm giác, ngôn ngữ…, không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống thể chất và tinh thần của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, quá trình giúp bệnh nhân phục hồi chức năng sau tai biến cũng có ý nghĩa quan trọng không kém việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý này.

Nhận biết sớm dấu hiệu tai biến mạch máu não: 

Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế khi họ đột ngột có một trong những biểu hiện sau đây:

- Tê, mất cảm giác hoặc yếu liệt tay, chân một bên.

- Méo miệng, chảy nước bọt hay nuốt khó, nuốt sặc.

- Nói không rõ lời, không nói được hoặc không hiểu người khác nói.

- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, choáng váng (có thể gây bất tỉnh).

- Nhìn không rõ (một hoặc hai mắt).

- Lơ mơ, ngủ gà hoặc hôn mê.

- Mệt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường.

Phục hồi chức năng cho người bệnh tai biến mạch máu não:

Tai biến mạch máu não thường để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, khiến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngày nay, với sự phát triển của y học, chúng ta có thể bớt lo lắng hơn về vấn đề này. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc còn có liệu pháp vật lý trị liệu góp phần quan trọng không kém trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh. Tập sớm và đúng cách giúp  người bệnh ngăn ngừa được các biến chứng, làm tăng hiệu quả điều trị và sớm hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, tập luyện vật lý trị liệu còn đem lại một số lợi ích như:

- Ngăn ngừa biến chứng hô hấp: Hô hấp luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, nhất là ở giai đoạn sớm. Người bệnh nằm lâu trong môi trường bệnh viện, ít hoạt động, nguy cơ bị viêm phổi xảy ra rất lớn. Vì vậy, người bệnh cần phải được xoay trở thường xuyên, ngồi  dậy,  tập hít thở… qua các bài tập.

- Phòng chống loét: Loét cũng là tình trạng thường gặp trong giai đoạn sớm, do người bệnh ít được xoay trở, vùng tì đè bị ẩm ướt. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu hướng dẫn người nhà cách xoay trở (2 tiếng/lần), xoa bóp các điểm dễ bị loét (nhất là ở vùng mông).

- Phòng chống co cứng cơ, teo cơ, cứng khớp, duy trì tầm vận động khớp: Bằng cách vận động thụ động các cử động của khớp: vai, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay, hông, gối, cổ chân, bàn ngón chân hay chủ động vận động của các khớp trên, tay mạnh có thể hỗ trợ tay yếu hoặc nhờ sự trợ giúp của người nhà.

- Gia tăng điều hợp, thăng bằng khi đứng hoặc ngồi.

- Độc lập trong sinh hoạt:

Người bệnh được hướng dẫn các tư thế cơ bản để có thể độc lập trong sinh hoạt:

+ Thay đổi tư thế: từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng (và ngược lại).

+ Tập đi: hướng dẫn người bệnh đi một cách an toàn.

+ Di chuyển từ ghế (xe lăn) sang giường (và ngược lại).

Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục được luyện tập đúng cách. Việc luyện tập không đúng cách hoặc tự tập không có hướng dẫn có thể dẫn đến các biến chứng như bán trật/trật khớp vai, dáng đi xấu, co rút bao khớp… 

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên