![]() |
Ngôn ngữ nước ngoài ngày càng phổ biến trong cuộc sống của người Việt. Ảnh chụp tại trung tâm điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Những chuyển biến của nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là việc nâng cao tầm quan trọng của ngoại ngữ trong xã hội, đã tạo nên một sự phát triển mới cho tiếng Việt, đồng thời cũng bộc lộ một nguy cơ làm nó bị vẩn đục và hạ thấp giá trị.
Sự cần thiết và hợp lý
Trong quan hệ quốc tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc sử dụng tên viết tắt bằng tiếng Anh của các tổ chức quốc tế như ASEAN, EU, AU, UNESCO, WTO, IMF, FAO, WHO... hay những giá trị phổ biến như GDP, GNP... là cần thiết, tiện lợi và đã trở thành thông dụng.
Để thuận tiện trong giao dịch với nước ngoài, một số doanh nghiệp Việt Nam phải mang tên tắt tiếng Việt theo dạng thức quốc tế: Tocontap, Fahasa, Fafilm, Xunhasaba, Vissan... Nhưng phổ biến nhất là tên những tổ chức hay doanh nghiệp Việt Nam được dịch sang tiếng Anh để có tên bằng chữ tắt: VFF, TFS, ACB, BIDV, VAB... hoặc những tên tắt tiếng Anh theo dạng thức quốc tế: Co.opMart, Vinasun, Vinamilk, Agribank, Sacombank, Vietcombank, Techcombank... và cả tên tiếng Anh đầy đủ: Vietnam Airlines, Indochina Airlines...
Một tên gọi độc đáo V-League cũng là tên nước ngoài để gọi giải bóng đá của Việt Nam, nay đã trở thành tên gọi giải trên hạng nhất của nước ta - “hạng V-League”, làm tên tiếng Việt của hạng này dường như đã biến mất. Được ghép thêm tên giao dịch quốc tế của hãng tài trợ, giải đấu của hạng này trở thành ”Petro Vietnam Gas V-League”. Trên thế giới, giải đấu của mỗi nước chỉ mang tên gọi bằng ngôn ngữ của chính nước mình. Vì thế, tên gọi nước ngoài đầy ấn tượng của giải này đã trở nên hoàn toàn độc đáo! |
Chẳng hạn, trong khoa học máy tính, việc dùng thuật ngữ website sẽ chính xác và tiện lợi hơn khi dịch thành “trang oép”. Trong ngành y dược, việc dùng thuật ngữ gốc ngoại lại càng cần thiết, kể cả tên những bệnh đặc biệt (như Alzheimer, Down, Parkinson...), tên thuốc và tên các thực phẩm chức năng. Đối với văn hóa, nghệ thuật hay thể thao, đó là các từ: nhạc jazz, pop, rock... vũ điệu valse, tango, rumba, jive... võ judo, karatedo, taekwondo...
Việc dùng tên nguyên gốc nước ngoài của các hãng sản xuất hay dịch vụ, tên các sản phẩm hay nhãn hiệu hàng hóa đã trở nên rất bình thường. Các địa danh hay tên người nước ngoài cũng vậy: Washington (thay vì Hoa Thịnh Đốn hay Oa-sinh-tơn), Paris (thay vì Ba Lê hay Pa-ri), Berlin (thay vì Bá Linh hay Bec-lin)...
Thêm vào đó là cả một số từ thông thường nữa: vụ scandal, máy fax, đèn flash, thịt jambon, quần jeans, áo vest, album, stress, taxi... Tùy bối cảnh cụ thể của sự giao tiếp, một số từ có thể được dùng bằng tiếng Anh hay tiếng Việt: festival (liên hoan), Olympic (thế vận hội), game (trò chơi)...
Nói chung, việc tạo nên các từ Việt theo dạng thức quốc tế cũng như việc mượn các từ nước ngoài cần thiết và hợp lý như trên đã cho thấy sự phát triển của tiếng Việt so với trước.
Một số người kiêng tiếng mẹ đẻ
Tuy nhiên, hiện nay việc du nhập ngôn từ nước ngoài vào tiếng Việt không dừng lại ở giới hạn của sự cần thiết và hợp lý mà đã bị lạm dụng. Trong đời thường, nhiều người Việt đã quen giao tiếp với nhau bằng “hello!”, “yes” hoặc “no”, “OK!”, “goodbye!” hoặc “bye!”.
Trong tiếng Việt thông dụng, những từ tiếng Anh đơn giản và dễ đọc đã được dùng rất nhiều. Đứng đầu trong số đó là “top” (giống chữ “tốp” của ta cả về tự dạng và ý nghĩa): top 3, top 4, top 20, top 100... và nhất là “top ten”! Tiếp theo là “hot”: hot boy, hot girl, phim hot, kịch hot, trận đấu hot...
Tiếng Việt không thiếu từ để chỉ lứa tuổi mới lớn, nhưng nhiều người vẫn thích nhập khẩu chữ “teen” của tiếng Anh: tuổi teen, ngôn ngữ teen; phim cho teen, kịch cho teen, giáo dục kỹ năng sống cho teen... Từ “shop” tiếng Anh đã được đặt cho hàng loạt cửa hàng của người Việt; nhờ đó phụ nữ nước ta không còn đi mua sắm như các bà các chị trước kia, mà thường xuyên “shopping” như các quý bà người Mỹ!
Khi các từ tiếng Anh “dễ” đã trở nên nhàm, người ta bắt đầu dùng những từ khó hơn để chứng tỏ trình độ ngoại ngữ của mình. Những người dẫn chương trình trong các cuộc họp mặt nay chính thức được gọi bằng chức danh MC (em xi). Giáo sư âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê cũng phải ngạc nhiên thốt lên: hóa ra mình đã làm “em xi” từ lâu mà không biết!
Theo xu hướng này, những người chuyên pha chế đồ uống tại các quán giải khát đã có chức danh là “bartender”, ngay cái bình lắc rượu của họ cũng được gọi là “shaker”; còn những buổi nghỉ làm của nhân viên trong tháng thì là “buổi off”! Một số cây bút Việt Nam bỗng dưng kiêng dùng từ “đồ lót” của tiếng mẹ đẻ, lại bắt các nhân vật của mình (cũng là người Việt) phải mặc (hoặc cởi) cái “underwear”; còn chiếc bật lửa thông dụng thì phải gọi là “zippo” mới được!
Tiếng Việt có cả một kho thán từ vô cùng phong phú; nhưng trong các chương trình quảng cáo được truyền hình và một số trường hợp khác, các nhân vật người Việt luôn reo hò bằng tiếng Anh: “Yeah!” hoặc “Wow!”. Người ta còn cố ý dùng tiếng Anh để thay cho những từ Việt rất đỗi thông thường: “comment” thay cho “bình luận”, “slogan” thay cho “khẩu hiệu”...
Tiếng Anh giờ đây còn hiện diện ngay trong tên gọi chính thức của các cơ quan, doanh nghiệp, các giải thi đấu, các chương trình văn hóa hoặc thể thao.
VFF là tên tắt bằng tiếng Anh để giao dịch quốc tế của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nay nghiễm nhiên trở thành tên chính thức cho dân ta giao dịch trong nước: báo cáo lên VFF, VFF chỉ đạo, VFF bất lực... Một đài truyền hình tổ chức thi để trao”giải Awards”, một đài khác có chương trình “Thế giới X-men” và đài thứ ba phát chương trình ca nhạc “Yeah1 TV” cùng nhiều chương trình khác mang tên tiếng Anh.
Một nhà đài phát chương trình “Billboard thể thao” thì nhà đài khác có “Thể thao Number One”! Trong công nghệ giải trí, nhiều nghệ sĩ nước ta có vẻ đã tin rằng họ sẽ đạt được “tầm cỡ quốc tế” khi tự đặt cho hãng, nhóm hoặc sản phẩm của mình những tên gọi bằng tiếng Anh...
Thật rõ ràng, sự lạm dụng tiếng Anh một cách bất hợp lý và không cần thiết như vậy đã làm vẩn đục và hạ thấp giá trị tiếng Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận