Phóng to |
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh |
Chờ chiếc xe chở các vị khách đã lăn bánh, Thông mới lại gần Vân, nháy mắt:
- Cà phê chứ?
- Em đang quá chừng việc đây. Đâu rảnh như mấy ông đạo diễn!
- Thì em còn cả đời để bận mà? Đi, xuống căngtin uống ly nước rồi về làm tiếp.
- Không, kề cà là không kịp. Mai phải duyệt kịch bản “Kêu tài trợ” rồi.
- Thì thôi… Làm việc túi bụi vậy coi chừng ế đấy cô em ạ!
Tiếng ạ kéo dài của Thông như học trò tiểu học trước cô giáo cũng không làm Vân chùn bước. Nở một nụ cười xin lỗi, Vân quay lưng, còn kịp buông lời tếu táo:
- Thì ế rồi mà.
Vân về phòng, mở máy ra và phút chốc cô đã nhập tâm vào bài viết đang dang dở. Tương đối yên tĩnh, chỉ có tiếng lách cách phát ra từ bàn phím và mái đầu Vân đang ngửng lên cúi xuống trước màn hình.
Lúc cô dừng tay thì đã gần 12 giờ trưa. Cô tắt máy, đóng cửa phòng lững thững xuống căngtin. Chị Hồng đon đả: “Sao đi ăn muộn thế em? Người ta ăn xong về hết rồi”. Cô cười với chị, uể oải lấy chén đũa.
Món cá kho hôm nay hơi mặn và rau cải xào dai quá. Cô cố nuốt để còn sức chiều phóng xe hai chục cây số xuống xã. Kịch bản viết gần xong nhưng có vài chỗ lấn cấn chưa ổn. Phải xuống kiểm tra lần nữa. Chợt nhớ lời anh Thông lúc sáng: “Làm việc túi bụi vậy là coi chừng ế”.
2. Vân được giao hai chương trình mỗi tuần, Măng non và Muôn mặt cuộc đời. Mỗi chương trình có cái hay, cái khó của riêng nó. Như Măng non, đầu tiên là phải vắt óc nghĩ ra ý tưởng. Điều này không dễ tí nào, vì làm lâu cũng hết vốn. Thiếu nhi quanh đi quẩn lại cũng chuyện học chuyện chơi… Ý tưởng phải không trùng lặp, phải mang tính thời sự, lại phải có tính khả thi trong điều kiện kinh phí có hạn. Rồi xách xe chạy mù mịt, lên huyện xuống xã, có khi mò vào tận những hẻm hóc xa tít. Gặp các bạn nhỏ, cô giáo nhà trường phụ huynh và cả lãnh đạo địa phương hỏi chuyện. Khi có đủ dữ liệu rồi đêm về mới cặm cụi viết kịch bản. Nhiều khi phải hai, ba giờ sáng mới viết xong. Tiếp theo, khi kịch bản được duyệt rồi là tới xin xe, xin quay phim, liên hệ MC… Lại nói về MC, nếu là MC người lớn thì không khó. Còn đây là mấy đứa học trò. Chúng đang đi học nên cực kỳ khó khăn. Phải nhờ chúng lựa thời gian có thể, rồi Vân gọi điện xin phép cô giáo, nhà trường và cha mẹ… Nhiều khi trúng vào lúc chúng mắc kẹt chuyện kiểm tra hết chương hay giữa học kỳ là đành phải hoãn. Nhưng lịch của Đài làm gì có “hoãn”. Vậy nên luôn phải có ý tưởng “dự trữ” và MC dự phòng. Nghĩa là nếu không làm được ở tiểu học thì phải làm ở trung học cơ sở, không làm được lớp bình thường thì phải tới trường bổ túc hoặc lớp tình thương, thậm chí là trường khuyết tật. Làm phóng viên là luôn phải nhớ câu “ứng vạn biến”.
Mỗi chương trình Măng non lên sóng 20 phút tối thiểu cần tới bốn phóng sự, có nghĩa là bốn buổi ghi hình. Khi đã có hết trong máy rồi còn mất gần một ngày để dựng nữa. Nếu có trục trặc gì, buổi dựng kéo dài tới chín mười giờ tối là chuyện thường. Rất nhiều khi, dựng xong là Vân suýt xỉu bởi đã nhịn ăn mà còn quên cả uống nước trong mấy tiếng liền.
Chương trình thứ 2 là Muôn mặt cuộc đời mà Vân thường gọi tắt là “Kêu tài trợ”. Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn xem đài. Vì nội dung nhằm chia sẻ với một số phận khó khăn cụ thể nào đó mà muốn giúp được thì phải kêu gọi sự ủng hộ của vài nhà tài trợ. Phải vận động và liên hệ trước với họ để ngay khi quay hình là đã có. Khi chương trình phát sóng, sẽ có những tấm lòng hảo tâm ủng hộ tiếp theo. Làm chương trình này, Vân còn luôn phải canh số điện thoại đặc biệt của chương trình để giải đáp và trả lời những tấm lòng xa gần quan tâm. Vân hết sức vui mừng với chương trình về bé Đức Phước mang bướu vùng mặt được tài trợ lên tới cả trăm triệu. Nhiều người đủ tiền mổ hoặc được mổ miễn phí… Và hơn cả tiền là những tình cảm ấm áp họ nhận được từ chương trình. Được vậy nghĩa là Vân phải tha hồ tất bật.
Đài truyền hình chưa bao giờ ngưng một ngày không phát sóng, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Cũng có nghĩa công việc của phóng viên như Vân là chẳng nghỉ phép nghỉ lễ bao giờ. Muốn nghỉ thì phải làm chương trình dự trữ sẵn. Mà làm việc gì còn khuất lấp được, đây là chương trình lên sóng, không người này thì người khác xem sẽ nhận ra chất lượng hay dở hằng ngày. Không thể hời hợt, không thể qua loa. Và cũng bởi Vân thực sự cảm xúc, tâm huyết với từng chương trình mình làm. Ngậm ngùi xót xa với những số phận mình muốn xã hội chia sẻ, rung cảm sâu sắc trước những tấm gương vượt khó của các em thiếu nhi vùng sâu vùng xa, hay day dứt trước một thực trạng sai lệch nào đó trong môi trường học đường… Tất cả đã khiến Vân bị cuốn vào cơn lốc có tên là Đam mê, khiến cho chuyện hẹn hò yêu đương trở nên xa xỉ. Những nghề khác, hết giờ là hết việc. Nhưng nghề phóng viên thì không. Còn phải tích cực đọc, tích cực xâm nhập thực tế. Nếu không, Vân lấy đâu ra ý tưởng mà làm dài dài.
Còn chuyện yêu? Không chỉ mình cô, trong đài của Vân nhiều chị lớn hơn mấy tuổi cũng còn y nguyên đó. Chị Minh Anh bên Ban thời sự và chị Thúy Hà Ban văn nghệ đều khá xinh đẹp mà vẫn “mình ên”. Một số khác thì gãy gánh vì nhiều lý do. Các chị ấy thi thoảng gặp Vân trêu: “Hội “Tự do tuyệt đối” chuẩn bị xét kết nạp em đó”.
Bao nhiêu mồ hôi công sức và tâm huyết, nhưng Vân biết với một đài địa phương thì số lượng người coi là hạn chế. Sao người ta không gộp lại thành đài khu vực nhỉ? Bởi Vân biết là sóng của truyền hình rất đắt, số người coi hạn chế là một sự lãng phí. Nhưng thôi. Nếu gộp lại chắc gì Vân còn chỗ mà làm? Thi thoảng gặp nhau trên Facebook, Vân biết, sau bốn năm ra trường vẫn còn non nửa lớp báo chí của Vân chưa xin được việc hoặc phải làm trái nghề. May Vân có ông chú ruột là bạn với ông giám đốc đài này, lại còn may nữa là Ban khoa giáo của cô “không khí” khá dễ chịu.
Bởi vậy, bận, nhưng Vân yên tâm dốc hết tâm huyết với nghề. Chỉ đôi lúc có người “chọc ngoáy” về chuyện yêu đương làm cô phân tâm giây lát. Bởi Vân chẳng có thời gian mà hò hẹn. Bởi những chàng có đầu óc thực tế đều thấy Vân chẳng thể là người của gia đình. Rồi chăm con, chăm chồng, chăm sóc nhà cửa vào lúc nào? Chẳng ai khoái gì có cô vợ suốt ngày lông nhông ngoài đường, “của tư” thì ít, “của công” thì nhiều. Như anh Thông chẳng hạn. Khi mới vào Đài anh ấy cũng hay dành cho Vân những ánh mắt nồng nàn. Bây giờ thì ánh mắt ấy chưa chịu hờ hững nhưng cuối năm rồi anh đã cưới một cô vợ giáo viên “cho chắc ăn”.
3. Có lẽ mình cũng nên bớt “cực đoan” đi. Bữa ăn đã xong, thay vì về phòng ngả lưng vào chiếc ghế dài chút xíu thì cô lấy “dế” ra dò số. Đây rồi, sáng qua Quân mời cô ăn sáng mà cô từ chối vì sợ trễ.
- Anh Quân à, em đây!
- Ờ, có việc gì hả em?
- Không, chỉ là tối nay em mời anh cà phê.
- Cà phê? Mời anh? Anh có nghe nhầm không? Hôm nay trời đi vắng chắc? Hay sắp bão?
- Thôi mà, anh có nhận lời không thì bảo.
- Rất tiếc là anh lại đang ở Hà Nội rồi. Anh bay sáng nay. Ba ngày nữa mới về. Hy vọng lần tới anh rủ em không từ chối nhé.
- Vậy à.
Vân bần thần buông máy. Ba ngày nữa thì chưa thể biết. Toàn lạc nhịp vậy thôi. Vân chẳng sắc nước hương trời gì, lại cũng chẳng có thời gian để làm đẹp như mấy nàng rảnh rỗi. Nên cho đến giờ vẫn “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Chỉ còn Quân, không quá vồ vập, cũng chẳng đến nỗi hững hờ nên còn lại trong một mối liên hệ hết sức lỏng lẻo. Chẳng biết rồi có đi tới đâu?
4. “Alô em nghe đây”. “Vân à, thằng khờ chết ngắc rồi…”. Cú điện vừa nhận là của chị trưởng thôn, hàng xóm “thằng khờ”, nhân vật trong tuần này của Kêu tài trợ. Chương trình vừa quay hôm qua thì trưa nay em đã chết. Chết vì uống cả một lọ thuốc thần kinh. Ngày thường, cái chạn lúc nào cũng khóa, chẳng hiểu sao, lúc quay hình bên trong chạn xong, bà mẹ lại quên. Và ngay sau đó là chuyện xảy ra. Vẫn biết bà mẹ nghèo khổ này nuôi con thần kinh suốt hai lăm năm là một gánh nặng. Nhưng trong tình trạng cô độc, bây giờ con chết, bà sống sao? Vân thấy mắt mũi mình cay xè. Cô mở ví kiểm tiền và phóng xe đi luôn. Với những nhân vật tới làm, cô đều mở ví tặng một vài trăm. Nhưng lần này... Có cảm tưởng như Vân là nguyên nhân cái chết vậy. Có lẽ phải gọi cô Tâm trưởng phòng đi cùng.
Vân đã gặp không ít sự cố. Có một bà già trông dáng nghèo khổ lam lũ với cái sọt rau to đùng sau xe đạp đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Đang định là nhân vật của tuần thì khi mò đến tận nơi thấy nhà bà là cái biệt thự. Anh con trai bà hồ hởi: “Mời cô vào nhà chơi, mẹ tôi đang ở phòng khách”. Có một doanh nhân nào đó, trước thì dặn: Cần tài trợ thì kêu anh nha, đừng quên đó. Rốt cuộc tới khi nhận lời rồi, đến buổi quay hình thì gọi điện: “Anh đang ở xa, em kêu người khác đi”…
Kể cả những trục trặc này cũng là hơi thở cuộc sống. Vân đắm chìm lặn ngụp trong đó và thấy mình ngày một cứng cáp hơn lên. Chỉ là chưa bao giờ ngăn được những giọt nước mắt trong những buổi tiếp cận nhân vật. Chỉ là sự thảng thốt trước mỗi cảnh đời, mỗi số phận là vẫn nguyên như cũ. Nhưng tối nay… Quân về rồi và Vân đã lỡ chủ động hẹn. Đành vậy thôi.
Mưa rồi. Vân mở cốp xe lấy áo mưa. Chiếc xe lao đi. Lúc này thì hình bóng Quân cũng mịt mờ như màn mưa trước mặt vậy...
Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận