PGS. TS. Phan Thu Hiền giới thiệu loạt sách văn chương Hàn Quốc với công chúng tại Đường sách - Ảnh: L.Điền |
Cô bảo chỉ là đại diện lên tiếng thôi, vì kết quả của loạt sách nêu trên là có sự tham gia của 26 tác giả, dịch giả ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và từ nhiều địa phương Việt Nam (Hà Nội, Huế, Tp HCM, Đà Lạt)....
* Công chúng Việt Nam đến nay biết đến văn chương Hàn Quốc ít hơn rất nhiều những người yêu thích phim ảnh, nhạc, thời trang, ẩm thực... từ xứ sở này.
Cô có lời khuyên nào dành cho bạn đọc Việt Nam khi tiếp cận các tác phẩm văn học Hàn Quốc?
Và việc am hiểu và yêu thích các loại hình văn hóa, giải trí của Hàn Quốc có giúp công chúng Việt Nam yêu văn chương Hàn Quốc?
- Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu ở châu Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Hàn lưu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) với K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc), K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc)…
Trong khi đó, văn học Hàn Quốc ở Việt Nam còn khá xa lạ.
Năm 2010, chúng tôi khảo sát và thấy tổng cộng chưa tới 30 đầu sách văn học Hàn được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Người Hàn đang phấn đấu đem K-literature đến với thế giới, và thế là đề án Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc tại Việt Nam của chúng tôi chính thức được Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc tài trợ (cho ba năm 2012-2015).
Nhiều công ty phát hành sách, nhiều nhà sách, nhiều café sách chú trọng xây dựng và quảng bá tủ sách/ góc sách văn học Hàn.
Cho đến nay đã có gần 150 đầu sách văn học Hàn Quốc được viết, dịch và xuất bản (số lượng tăng 5 lần trong chưa đầy 7 năm có thể xem là “ngoạn mục” chứ gì nữa?).
Về thị hiếu, nhiều khán giả Việt Nam yêu thích điện ảnh Hàn Quốc - kể cả phim truyện truyền hình có tính thương mại lẫn những tác phẩm thuộc dòng phim nghệ thuật/ phim kinh điển.
Cho nên việc độc giả Việt Nam cũng yêu thích văn học Hàn Quốc, cả những tác phẩm “ăn khách” (best seller) lẫn những tác phẩm nghệ thuật/ kinh điển, là rất có khả năng.
Nhiều độc giả vốn yêu mến tác phẩm văn học dịch sẽ đón xem tác phẩm điện ảnh chuyển thể, và ngược lại, cũng nhiều khán giả thích thú với kịch hay phim chuyển thể sẽ tìm đọc tác phẩm văn học nguồn.
Các bộ phim Truyền thuyết Jumong, Hoa kiếm Hoa lang, Nàng Hwang Jin Yi, Hãy chăm sóc Mẹ, The Vegetarian (Người ăn chay)… cho thấy Hàn Quốc rất giỏi về “hội tụ” sức mạnh Hàn lưu với K-literature.
Một số đầu sách Văn học Hàn Quốc vừa ấn hành - Ảnh: L.Điền |
* Trong cái nhìn tương chiếu với văn học Việt Nam, văn chương Hàn Quốc có thể quyến rũ bạn đọc Việt Nam ở những điểm chính nào?
- Chúng tôi chú trọng hướng tiếp cận so sánh.
Bộ sách Văn chương Đông Á tương chiếu (với Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á, Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á, Huyền thoại lập quốc của các nước Đông Á, Thi tăng Đông Á, Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á, Thượng Hải - Tokyo - Hà Nội - Seoul trong văn chương đầu thế kỷ XX…) đã ra đời trong hướng tiếp cận này.
Và thật thú vị khi văn học hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng gần gũi với nhau.
Huyền thoại Dangun lập quốc Go Joseon và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, thơ của thiền sư Hye Sim và thơ của thiền sư Huệ Quang, kỳ nữ Hwang Jin Yi và nàng “thi tiên” Hồ Xuân Hương, Seoul và Hà Nội trong văn xuôi đầu thế kỷ…
Hàn Quốc và Việt Nam đều có truyền thống văn hóa nông nghiệp, trong lịch sử từng phải đương đầu với giặc ngoại xâm. Tính cách hai dân tộc đều đề cao chủ nghĩa cộng đồng, đều trọng tình, trọng hòa hợp...
* Đề án Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam có còn tiếp tục các việc với cùng mục đích nỗ lực đưa văn chương Hàn Quốc đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam?
- Trong 6 tháng cuối năm 2017, chúng tôi dự định sẽ xuất bản thêm cuốn Hợp tuyển văn học hiện đại Hàn Quốc và 4 cuốn Văn chương Đông Á tương chiếu (bộ sách này sẽ thành 10 cuốn).
Số tác giả, dịch giả của hai bộ sách này sẽ tiếp tục tăng.
Càng dịch thuật, tìm hiểu văn học Hàn, tình yêu, niềm say mê của chúng tôi đối với nền văn học này càng lớn lên.
Quan trọng hơn, theo chúng tôi, văn chương Hàn Quốc sẽ mở rộng nhãn quan của chúng ta, làm giàu có hơn tâm hồn của chúng ta, những điều rất cần thiết trong thời đại giao lưu khu vực và hội nhập toàn cầu.
Với ý nghĩa như vậy, chúng tôi tiếp tục công việc của mình, góp phần Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng gọi một loài hoa của sông nước Nam Bộ bằng hình ảnh “hoa vừa đi vừa nở…”. Chúng tôi hình dung đề án của chúng tôi cũng như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận