25/07/2017 09:04 GMT+7

'Bức không ảnh 10 năm lên tiếng': Còn ai nữa trong lòng đất mẹ...

MINH LUẬN thực hiện
MINH LUẬN thực hiện

TTO - Câu chuyện ly kỳ về việc phát hiện ra hố chôn 153 liệt sĩ trong trận đánh sân bay Biên Hòa cách đây 49 năm từ “Bức không ảnh 10 năm lên tiếng” có vai trò đặc biệt của cựu chiến binh - thương binh Chế Trung Hiếu.

“Tôi góp phần tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hi sinh tại sân bay Biên Hòa, trong khi hài cốt của anh chị tôi hi sinh trong chiến tranh vẫn chưa tìm được" (ông Chế Trung Hiếu). Ảnh lớn: Hài cốt liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa trong buổi truy điệu ngày 12-7 - Ảnh: HÀ MI

“Gia đình tôi có bốn người hi sinh trong cuộc chiến, trong đó có ba người chưa tìm thấy hài cốt. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn. Tôi góp phần tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hi sinh tại sân bay Biên Hòa, trong khi hài cốt của anh chị tôi hi sinh trong chiến tranh vẫn chưa tìm được

Ông CHẾ TRUNG HIẾU

Ông Hiếu năm nay 70 tuổi, hiện ở TP Hải Phòng. Ông cùng với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, đại tá Mai Xuân Chiến - phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai - và những người bạn đã kết nối để các cựu binh Mỹ giúp đỡ thông tin chính xác, tìm ra hố chôn tập thể các liệt sĩ.

Cơ duyên của những người ở hai đầu chiến tuyến

* Ông từng là một người lính, thưa ông?

- Ông Chế Trung Hiếu: Tôi sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi, tôi tham gia cách mạng. Tôi nguyên là một chiến sĩ đặc công thuộc đại đội C21 tỉnh Quảng Ngãi. Sau 8 năm cầm súng, tôi bị thương trong một trận đánh và mất đi chân trái.

Năm 1972, tôi trở về và đi học đại học ngành điện khí hóa tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về Hải Phòng công tác, lập gia đình và sinh sống cho đến nay.

* Cơ duyên nào đưa ông đến với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ?

- Khi về hưu tôi thích đi đây đi đó, thích sưu tầm, chia sẻ những bức ảnh với bạn bè gần xa. Nhờ vậy tôi quen kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng.

Qua trang mạng chia sẻ ảnh www.panoramio.com, tôi được biết một tấm ảnh do anh Thắng sưu tầm - bức ảnh sân bay Biên Hòa thời chiến tranh, trên đó có dòng bình luận của một cựu chiến binh Hoa Kỳ - là thượng sĩ Bob Connor.

Bob viết: “Tôi đã chiến đấu ở đây năm 1968, từng đụng độ với quân đội Việt Nam trong đêm 30 rạng 31-1-1968 - chiến dịch Mậu Thân, và khi chiến sự chấm dứt, chúng tôi đã chôn 153 xác chiến sĩ quân đội Việt Nam bỏ lại trên trận địa”.

Dòng comment đó khiến anh Thắng và tôi chú ý. Tôi và Thắng tìm cách liên hệ với ông Bob và cơ duyên mở ra từ đó.

Qua ông Bob, tôi liên lạc được với một cựu binh khác là nguyên đại úy Martin E. Strones (sau mang lon đại tá, làm việc trong bộ máy quốc phòng Mỹ), từng là chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa.

* Cảm giác của ông khi đọc được dòng bình luận đó?

- Lòng tôi trào lên một niềm xúc động. Tôi là lính đặc công, nên thấu hiểu nỗi gian nan, nguy hiểm của những người lính đặc công. Tôi nghĩ đây là cơ hội để tìm ra anh em mình đã hi sinh.

Hơn thế, đây cũng là dịp may cho những cựu chiến binh hai bên cộng tác thân thiện với nhau, tiếp tục tìm kiếm những chiến sĩ mất tích trong chiến tranh.

Đúng như suy nghĩ của tôi, không những giúp đỡ qua thư từ, email, các cựu binh Hoa Kỳ còn nhận lời trực tiếp sang Việt Nam, đến tận hiện trường để giúp tìm kiếm liệt sĩ dù họ rất khó khăn mới sắp xếp được chuyến đi này.

Hành động để xoa dịu nỗi đau

* Cảm xúc của ông như thế nào khi lần đầu tiên nhận được thông tin tìm thấy mộ liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa?

- Sau gần một tháng tìm kiếm, đến 9h30 ngày 13-4-2017, những dấu hiệu hài cốt của liệt sĩ được tìm thấy. Không riêng tôi mà hầu hết những người tham gia tìm kiếm đều vỡ òa trong nước mắt, vừa đau thương vừa hạnh phúc.

Hạnh phúc vì các anh sắp được trở về với gia đình, đau thương vì các anh hi sinh khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi, vừa bằng tuổi tôi thời ấy.

Tôi may mắn còn sống, được trở về cho dù trên mình mang nhiều thương tật nhưng được hưởng hòa bình, no ấm, còn các anh thì nằm trong đất lạnh hơn 49 năm trời không ai hay biết.

* Sau 49 năm đất nước thống nhất, đến nay mới tìm thấy mộ liệt sĩ trong một trận đánh cụ thể. Ông giải thích như thế nào với những cựu binh Mỹ giúp ông tìm kiếm?

- Trong bức thư đầu tiên Bob Connor gửi cho tôi có nói đến điều này. Ông tỏ ra ngạc nhiên: Sao chưa tìm thấy những chiến sĩ đã hi sinh, gần 50 năm rồi?

Tôi giải thích rằng: Sau chiến tranh, chúng tôi còn quá nhiều việc phải làm. Chúng tôi phải dọn sạch mìn sát thương do chiến tranh để lại để nông dân có ruộng đất sạch trồng lúa, vượt qua cơn thiếu đói nghiêm trọng do bị cấm vận. Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Và điều quan trọng là chúng tôi thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu và rất cần sự giúp đỡ của những cựu binh Mỹ như ông!

Sau khi hiểu ra, ông ấy đã chia sẻ về những khó khăn của chúng ta, đồng ý giúp đỡ và rất tích cực trong việc kết nối với các cựu binh khác.

* Điều gì đã thôi thúc ông làm công việc này?

- Tôi vốn là một người lính đã từng cùng đồng đội ra trận, cũng từng chịu đựng gian khổ, hi sinh ác liệt nhưng còn được may mắn trở về. Còn các anh quá thiệt thòi nên việc góp một chút công sức để đưa các anh trở về tôi coi như nghĩa vụ mình phải làm.

Cả tôi, anh Thắng và các cựu binh Mỹ đều có chung một suy nghĩ, là phải hành động để góp phần an ủi các anh, làm giảm đi phần nào nỗi đau của gia đình và người thân các anh.

Ngoài ra, gia đình tôi có bốn người hi sinh trong cuộc chiến, trong đó có ba người chưa tìm thấy hài cốt. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn. Tôi góp phần tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hi sinh tại sân bay Biên Hòa, trong khi hài cốt của anh chị tôi hi sinh trong chiến tranh vẫn chưa tìm được.

Việc này không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau của người thân các liệt sĩ vừa được tìm thấy, mà còn phần nào làm nhẹ nhõm sự đau thương của chính gia đình tôi.

Lực lượng tìm kiếm bốc hài cốt liệt sĩ tại hố chôn tập thể ở sân bay Biên Hòa. Người ngồi hàng đầu, bìa phải là đại tá Mai Xuân Chiến - phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI

Tiếp tục tìm kiếm các anh

* Ông sẽ tiếp tục các cuộc tìm kiếm?

- Đúng. Mới rồi, từ thông tin của ông Bob và Martin, trong hai ngày 13 và 14-7, tôi đã đến sân bay Lộc Ninh (Bình Phước) chụp ảnh, lấy thêm số liệu hiện trạng gửi cho các ông ấy so sánh, đối chiếu để tìm ngôi mộ tập thể của chiến sĩ đã ngã xuống trong một trận đánh vào tháng 11-1967, được chôn dọc theo đường băng của sân bay này.

* Là người đã đi qua cuộc chiến, ông gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ hôm nay?

- Không phải chỉ ở nước ta, mà ngay như ở các nước phát triển vẫn có một số ít người thuộc thế hệ trẻ thường có cái nhìn hời hợt về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ông Bob cũng chia sẻ với tôi rằng ở Mỹ cũng có tình trạng này.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng ở lớp trẻ của xã hội ta. Tôi tin các em các cháu, lớp bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh, được sinh sống trong hòa bình sẽ hiểu giá trị của cuộc sống hôm nay. Đó là giá trị của độc lập và tự do của dân tộc chúng ta.

Giá trị này đã phải đánh đổi bằng nhiều máu xương của những người đi trước. Cho nên tôi tin lớp trẻ sẽ sống xứng đáng với sự hi sinh cao cả đó.

Qua nhanh dè dặt ban đầu

Theo ông Chế Trung Hiếu, ban đầu việc kết nối với các cựu binh Mỹ cũng gặp một số dè dặt, bởi họ nghĩ dù sao cũng là đối phương quá khứ. Nhưng ông Hiếu đã thuyết phục họ, rằng “khép lại quá khứ, hướng về tương lai”. Vậy nên những trở ngại ban đầu mau chóng qua đi.

Sau đó, ông Hiếu viết nhiều email cho hai ông Bob và Martin. Dần dần các cuộc nói chuyện trở nên dễ dàng hơn. Từ e dè ban đầu, hai bên đã rất cởi mở và thân thiện như chưa hề có quá khứ đau buồn.

Hội cựu binh Biên Hòa trên đất Mỹ

Sau cuộc tìm kiếm có kết quả ở sân bay Biên Hòa, từ Việt Nam về lại Mỹ, hai ông Bob Connor và Martin Strones đã thành lập “Hội liên lạc cựu binh hoạt động ở Biên Hòa” với số lượng trên 600 người.

Đây chính là các nguồn cung cấp thông tin quý báu về các ngôi mộ liệt sĩ chưa được phát hiện.

Nhóm này bước đầu đã cung cấp thêm thông tin về các ngôi mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở Hố Nai (Biên Hòa), khu vực phía nam căn cứ sư đoàn 101 không vận Mỹ nằm cách phía đông sân bay Biên Hòa khoảng 600m, ở căn cứ sân bay Lộc Ninh (Bình Phước)...

Ông Chế Trung Hiếu, Nguyễn Xuân Thắng và những người bạn lại tiếp tục rong ruổi, đi đến bất cứ nơi đâu có thông tin, để đưa các anh hùng liệt sĩ về với quê hương, với gia đình.

MINH LUẬN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục