24/02/2005 12:04 GMT+7

Phòng tranh sinh viên

Bài & ảnh: VŨ THANH BÌNH
Bài & ảnh: VŨ THANH BÌNH

TT - Ngôi nhà mặt tiền ở 109 Trần Đình Xu (Q.1, TP.HCM) ấy không dành tầng trệt để kinh doanh buôn bán, mà lại đi làm một việc “lạ đời” là chuyên treo những bức tranh của sinh viên.

UHXovrOa.jpgPhóng to
Bảo Khanh trong phòng tranh sinh viên
TT - Ngôi nhà mặt tiền ở 109 Trần Đình Xu (Q.1, TP.HCM) ấy không dành tầng trệt để kinh doanh buôn bán, mà lại đi làm một việc “lạ đời” là chuyên treo những bức tranh của sinh viên.

Những tác phẩm của sinh viên (vì nhiều lý do khác nhau) rất khó chen chân được vào các gallery quen biết ở thành phố này.

Nguyễn Thị Bảo Khanh - SV năm 3 khoa sơn mài ĐH Mỹ thuật TP.HCM - là chủ của phòng tranh đặc biệt trên. “Những sáng tác tâm huyết của SV sau khi hoàn thành hầu như phải xếp xó vì không biết trưng bày ở đâu, trong khi đa số gallery lớn trong thành phố chưa mặn mà với tranh SV" - Bảo Khanh nói thế. Để kiếm tiền học, nhiều SV phải chạy sô làm thêm đủ "món" để tồn tại: vẽ bảng hiệu, quảng cáo...

Nhưng sợ nhất là khi chạy sô quen rồi, kiếm sống được rồi thì ước mơ trở thành một họa sĩ danh tiếng của ngày đầu bước vào giảng đường ĐH đã phai nhạt. Phòng tranh Bảo Khanh mong góp phần nhỏ để nuôi giữ những cảm hứng, ước mơ đó.

Từ lúc phòng tranh ra đời (tháng 10-2004), Bảo Khanh chạy tới chạy lui, nhờ bạn bè giới thiệu, thầy cô thẩm định, và có được bức tranh nào đẹp của SV là mang về trưng bày. Khanh bảo cũng chưa hiểu tại sao ba mẹ lại đồng ý cho mình mở phòng tranh như vậy, bởi tính đến lợi nhuận là một điều không thể khi mà các gallery lớn trong thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lụn bại vì buôn tranh, huống hồ đây là một phòng tranh SV!

Chưa nói chuyện chất lượng tác phẩm, riêng việc quan hệ quảng bá trong giới chơi hội họa, điêu khắc cũng chỉ mới “vạn sự khởi đầu”. Vậy mà cô nàng vẫn lao vào, cam kết với gia đình sẽ lo các khoản chi phí điện, nước của phòng tranh. Sau đó cố gắng mở những triển lãm nhỏ của cá nhân hoặc từng nhóm họa sĩ SV theo những chủ đề cụ thể để nhiều người biết đến phòng tranh hơn.

***

Trong phòng hiện trưng bày tranh, tượng của 22 tác giả đang là SV hoặc vừa ra trường. Huỳnh Trường Giang, SV mới tốt nghiệp khoa sư phạm của trường, trước đây chưa hề trưng bày tranh ở gallery nào, giờ cảm thấy rất vui vì được giới thiệu tranh ra công chúng.

“Tôi cảm thấy thêm hứng khởi mà làm việc, và cũng đã vẽ thêm được ba bức tranh để trưng bày”. “Cái chính là tinh thần SV trong đó - SV Trần Xuân Hưng (khoa điêu khắc) nhận xét - bởi được treo tranh cho người khác xem thì thật hạnh phúc”.

SV mỹ thuật sợ nhất là khi vẽ xong rồi có người “khen” giống tranh của ai đó. Mà khi có phòng tranh thì dễ hơn để so sánh, “cạnh tranh” nhau, rồi dần tìm được hướng đi riêng của mình...

Đây là phòng tranh SV duy nhất và đầu tiên ở TP.HCM. Một phòng tranh đầy tình cảm và khát khao chứng tỏ khả năng của SV mỹ thuật. Bảo Khanh cũng đã bán được vài bức tranh của họ, giá từ 1 - 3 triệu đồng. Trong đó Huỳnh Trường Giang bán được hai bức. Xem như những tín hiệu vui đầu tiên.

Một nhà chơi tranh giấu tên đang làm một trang web giới thiệu tranh của SV và Bảo Khanh đã được mời cộng tác. Riêng Khanh mới có chuyến thực tế ở Bắc Hà, Lào Cai và vừa “tha” về một số tranh của SV mỹ thuật ngoài Hà Nội để trưng bày cho thêm phần xôm tụ.

Bài & ảnh: VŨ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên