Hình ảnh phóng sinh cá hải tượng long được ghi lại - Ảnh cắt từ clip
Liên quan đến clip phóng sinh cá hải tượng long xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 16-8, ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết loài cá được thả phóng sinh là cá hải tượng long (tên khoa học Arapaima gigas), có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cá trưởng thành có khối lượng lớn, tối đa có thể dài tới 3m, nặng đến 200kg, được đánh giá là loài ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài tôm, tép, cua...
Cá hải tượng long là cá nhập khẩu, cá ngoại lai và chưa có khảo nghiệm, đánh giá về nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái cũng như đe dọa đến tính mạng con người.
Cá hải tượng long không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại nghị định 26 của Thủ tướng về hướng dẫn Luật thủy sản và không thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại và danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo quy định tại thông tư số 35-2018 của Bộ Tài nguyên và môi trường.
"Trong quy định chưa có nhưng nhìn hình ảnh phóng sinh cá hải tượng long thấy rất phản cảm bởi không thể hiện được câu chuyện phục hồi, tái tạo, nâng cao nhận thức, tôn trọng về môi trường" - ông Hùng nói.
* Sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã vào cuộc kiểm tra, xác minh chưa, thưa ông?
- Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đã có trao đổi, đề nghị Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM) vào cuộc kiểm tra, xác minh. Chúng tôi cũng sẽ có công văn chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là TP.HCM phải báo cáo, xác minh làm rõ người thả, địa điểm thả, loài thả, nguồn gốc loài. Đồng thời, khuyến cáo người dân không thả những thủy vật như cá hải tượng long.
* Cá hải tượng long có được nuôi, thả tại Việt Nam không?
- Cá hải tượng long không nằm trong danh mục nuôi theo nghị định 26 của Thủ tướng về hướng dẫn Luật thủy sản.
Cá hải tượng long cũng thuộc thẩm quyền quản lý của CITES. Đây là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 - Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II). Do đó việc nhập khẩu, nuôi cá hải tượng long ở Việt Nam phải được CITES Việt Nam cấp phép. Nếu nuôi mà chưa có giấy phép là vi phạm pháp luật, là nhập lậu.
Do đó, thanh tra của địa phương, CITES Việt Nam cần vào cuộc kiểm tra, xác minh nguồn gốc.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản - Ảnh: CHÍ TUỆ
* Việc nuôi, thả cá hải tượng long ra môi trường tự nhiên có khả năng gây nguy hại đến môi trường sinh thái?
- Cá hải tượng long là loài cá dữ, ăn nhiều và ăn tạp. Việc gây nguy hại thế nào và bao nhiêu thì cần phải có sự đánh giá của Bộ Tài nguyên và môi trường.
* Như vậy là cần phải có đánh giá để xem xét đưa cá hải tượng long vào danh mục loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại tại Việt Nam?
- Với những loài ngoại lai như cá hải tượng long, hiện nhiều quốc gia đánh giá là ăn tạp, do đó Bộ Tài nguyên và môi trường cần có đánh giá mức độ xâm hại, nguy cơ mất cân bằng sinh thái để xem xét đưa vào danh mục loài ngoại lai xâm hại hoặc loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
* Từ vụ việc thả cá hải tượng long, hình thức phóng sinh hiện nay đang bị biến tướng?
- Đúng là hiện nay nhiều người dân hiểu về cách phóng sinh chưa đúng. Chính vì vậy, nhiều người nghĩ thả con gì xuống tự nhiên đều tốt. Muốn thả tốt thì những con bị bắt lại chúng ta cứu nó, phóng sinh đi. Hay như mua loài nào thì cũng phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng để khi thả xuống thì loài đó phải sống. Đồng thời, phải thả những loài bản địa, những loài đang bị suy giảm và tuyệt đối không thả các loài ngoại lai.
Người dân, tăng ni Phật tử cần phải hiểu được ý nghĩa của phóng sinh và nắm rõ các khuyến cáo của Tổng cục thủy sản, Giáo hội Phật giáo, địa phương. Không phải đổ cả tấn cá, tấn ốc xuống thì sẽ tạo ra giá trị. Hơn nữa, khi thả xong thì người dân không nên đánh bắt, làm như vậy sẽ không có giá trị phục hồi nguồn lợi thủy sản. Những việc làm như vậy làm mất đi hình ảnh, ý nghĩa của việc phóng sinh.
* Đơn vị đã và sẽ làm gì để không tái hiện những hình ảnh phóng sinh thủy vật, phóng sinh phản cảm?
- Tổng cục Thủy sản đã có hướng dẫn khuyến cáo các loài thả, trong đó tập trung vào các loài nguy cấp quý hiểm, loài bản địa, đặc hữu ở địa phương để phục hồi.
Đồng thời, hướng dẫn cách thả sao cho phù hợp. Việc này chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều tới các địa phương và gửi tới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền thông đến các tăng ni Phật tử để làm sao biết được nên thả loài nào và thả như thế nào, chứ không phải thả các thủy vật làm mất cân bằng sinh thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận