Phóng to |
Thức ăn nhanh dễ gây ung thư - Ảnh minh họa từ www.pbhfoundation.org |
Thức ăn nhanh dễ gây ung thư
Ở mỗi vùng miền, xuất hiện các loại bệnh ung thư khác nhau. Điều đó chứng tỏ chế độ, thói quen ăn uống mỗi một nơi cũng góp phần gây bệnh ung thư. Tại VN, ung thư vú ngày càng gia tăng do chế độ ăn dư thừa chất béo, ít rau xanh và trái cây, ít vận động và tình trạng béo phì...
Chế độ ăn uống kiểu công nghiệp với những thức ăn nhanh (fast food), ít rau, nhiều chất béo cũng là nguy cơ gây nên ung thư đại trực tràng. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý là biện pháp hy vọng làm giảm tỉ lệ ung thư này. Theo dự đoán của các nhà chuyên môn, bệnh ung thư đại trực tràng sẽ tăng nhanh ở VN do lối ăn fast food ngày một thịnh hành.
Ung thư dạ dày cũng được ghi nhận là một trong mười loại ung thư thường gặp nhất ở nước ta. Khu vực phát bệnh ung thư dạ dày cao có đặc điểm là người dân thường ăn ít rau tươi nhưng lại ăn quá nhiều thực phẩm chế biến bằng ướp muối (lượng muối cao), ăn nhiều loại tinh bột; ăn những thức ăn dễ sinh độc và nhiễm khuẩn...
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết ung thư dạ dày liên hệ nhiều đến thói quen ăn các loại thức ăn dự trữ lâu như khô cá muối, thức ăn hun khói, các loại dưa muối, mắm... vì trong thức ăn ướp muối lâu ngày có tác nhân sinh ung thư nitrosamin. Để giảm nguy cơ bị bệnh ung thư loại này, nên dự trữ thức ăn bằng cách trữ lạnh thay vì ướp muối như trước đây.
Liên quan đến thói quen ăn uống không tốt còn có các trường hợp như ăn uống không điều độ (bữa đói, bữa no), thích ăn các thức ăn chiên rán, nướng hoặc ăn quá nhanh...
Nguy cơ từ thực phẩm màu, rượu nặng...
Tỉ lệ mắc các chứng ung thư ngày càng tăng cao, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi những thói quen hằng ngày.
Thức ăn nhuộm màu bằng hóa chất không chỉ gây ngộ độc mà có thể gây ung thư. Để tạo màu thực phẩm, ở các nước người ta quy định rất chặt chẽ, chỉ được dùng những phẩm màu thực phẩm cho phép. Nhưng ở nước ta hiện nay, việc nhuộm màu thực phẩm rất tùy tiện. Nhiều người sản xuất, nhà hàng dùng cả phẩm nhuộm, phẩm vẽ hoặc những hóa chất tạo màu để ướp thực phẩm mà chính họ cũng không ý thức được mức độ độc hại.
Những người uống nhiều rượu có độ cồn cao cũng dễ gây ung thư khoang miệng, thực quản, gan và xơ gan. Vì vậy, không nên lạm dụng rượu bia. Hãy dùng đồ uống có độ cồn thấp, hoặc pha loãng rượu với nước đá, nước hoa quả. Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy rượu, cà phê... sẽ “đốt cháy” những chất dinh dưỡng cần thiết để phòng chống các tế bào ung thư.
Việc uống nhiều nước được khuyến cáo vì có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang do lượng nước lớn được đưa vào cơ thể sẽ pha loãng hoặc rửa trôi các chất gây ung thư ở bàng quang, khiến chúng ít có cơ hội tiếp xúc với thành của cơ quan này. Tại châu Âu, người ta khuyến cáo sử dụng mỗi ngày 500 gam rau xanh và trái cây có thể làm giảm 20% xuất độ ung thư.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng: Phòng ngừa bằng dinh dưỡng Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học đã biết thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc phòng chống ung thư. Năm 2005, ung thư tại Mỹ đã giảm do tác động của chiến lược phòng chống ung thư trên toàn đất nước. Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra kết quả rất lạc quan rằng 1/3 số trường hợp mắc bệnh ung thư cũng có thể phòng ngừa được nếu tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư như không ăn đồ béo, thịt đỏ, đồ chiên xào, dầu mỡ, uống rượu ít, vận động nhiều, tránh ánh sáng mặt trời, không hút thuốc lá... Lối sống và thói quen ăn uống này không chỉ ngăn ngừa ung thư mà còn làm giảm những bệnh tiểu đường, huyết áp... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận