30/07/2014 00:01 GMT+7

Phòng chống tiêu chảy cấp trong cộng đồng

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Tại Việt Nam, thống kê số người mắc và chết do tiêu chảy cấp có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tại các bệnh viện, bệnh tiêu chảy cấp vẫn được xếp thứ 4 trong 10 nguyên nhân dẫn đầu khiến bệnh nhân nhập viện.

Tiêu chảy cấp là hội chứng bệnh lý với biểu hiện đi phân lỏng (không thành khuôn) ít nhất 3 lần/ngày và thời gian kéo dài trên 1 ngày (24 giờ), ngoài ra tùy theo đặc tính gây bệnh của tác nhân và cơ địa của người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi... Diễn biến của bệnh phức tạp, nếu được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ khỏi bệnh, thường không để lại di chứng; nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tuần hoàn… có thể tử vong (đối với người già, mắc bệnh mạn tính, trẻ em…).

Nguy cơ tiêu chảy cấp trong cộng đồng liên quan rất chặt chẽ và tăng cao trong điều kiện khí hậu, thời tiết nóng ẩm, ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước ăn uống không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh chế biến thực phẩm không bảo đảm, thói quen tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh (dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm không an toàn theo quy định; thói quen ăn sống, ăn tái, ăn gỏi…).

4JKe6shB.jpg

Tiêu chảy cấp trong cộng đồng là bệnh có thể phòng ngừa nếu mỗi người dân tự giác, chủ động thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:

(1) Lựa chọn rau, củ quả, thịt, cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn.

(2) Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu; nếu thức ăn chín đã quá 4 giờ mà không được bảo quản (giữ liên tục nóng trên 60oC hoặc lạnh dưới 10oC) thì phải nấu kỹ lại trước khi ăn.

(3) Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn.

(4) Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Đối với thức ăn sau khi chế biến cần che đậy, phòng tránh ruồi, côn trùng và động vật gây ô nhiễm thực phẩm.

(5) Nguyên liệu thực phẩm cần phải bảo quản, che đậy theo yêu cầu của từng loại: thịt, cá tươi sống bảo quản nhiệt độ lạnh (đông đá); rau củ quả bảo quản nhiệt độ mát; bao bọc kín thực phẩm trước khi bảo quản kể cả trong tủ lạnh; thực phẩm bao gói bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất.

(6) Thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn tái, ăn sống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn như tiết canh, gỏi cá, nước lã…

(7) Không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm an toàn, các loại sản phẩm được khuyến cáo có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, măng lạ, ốc ma…) để chế biến thành thực phẩm.

(8) Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

(9) Xử lý phân, chất thải, rác thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để tưới rau và nuôi cá.

(10) Khi có những biểu hiện tiêu chảy cấp nghi do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên