![]() |
Nông dân ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bơm thuốc sát trùng vào móng bò để phòng chống dịch long móng - Ảnh: T.T.D. |
28 tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát một lần nữa khẳng định bệnh LMLM rất dễ lây lan, thực tế dịch bệnh này đã và đang lan nhanh, lan rộng ở khắp cả nước. Đến chiều 16-5, có ít nhất 28 tỉnh, thành phố đang phải đối phó với dịch.
Dịch đang có ở 221 xã, phường (của 89 quận, huyện) làm ít nhất gần 9.500 trâu, bò và 12.467 heo mắc bệnh.
Lý giải vì sao dịch bệnh lan nhanh mà Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền các địa phương vẫn rất chậm trễ, Bộ trưởng Phát ngập ngừng: “Vì nhiều lý do, tác hại của dịch bệnh đối với không chỉ ngành chăn nuôi mà ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa... Do vậy chúng tôi cân nhắc và chỉ thông báo tới các địa phương nên cẩn trọng với dịch bệnh này”.
Ông Hoàng Ngọc Đường, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn, trách móc: “Chúng tôi có dịch, nhưng chỉ đạo ở trên không cho phép công bố nên việc phòng chống rất khó khăn”. Ngày 6-3, Bắc Cạn xuất hiện 16 con bò ở 16 xã mắc bệnh.
Sau khi xét nghiệm chính xác bò bị LMLM type O, được sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Cục Thú y, ngày 16-3 UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch mà vẫn ghi rõ “không được thông tin, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Trên thực tế có nhiều địa phương giấu giếm chuyện gia súc bệnh. Chính vì sự “ngập ngừng” này mà người dân đã không có thông tin chính xác, rõ ràng về dịch bệnh khiến dịch bệnh vẫn tiếp tục tồn tại, lây lan.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định virus LMLM tồn tại rất lâu trong gia súc, từ 1-3 năm. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị, chỉ có văcxin phòng bệnh. Việc người dân chữa được bệnh “thực chất chỉ chữa được biểu hiện bên ngoài của bệnh”. Chính vì thế công tác phòng chống dịch sẽ rất khó khăn...
Dự kiến hỗ trợ 10.000 đồng/kg heo hơi, 15.000 đồng/kg trâu, bò
Theo Bộ trưởng Phát, Bộ Tài chính đã xây dựng và đề nghị hỗ trợ gia súc bệnh phải tiêu hủy với mức bình quân 10.000 đồng/kg thịt heo hơi, 15.000 đồng/kg thịt trâu, bò hơi. Tuy nhiên mức này vẫn chưa được quyết.
Ông Ma Văn Yên, chi cục trưởng Chi cục Thú y Yên Bái, cho rằng mức hỗ trợ như vậy là “quá được”. Bởi ở Yên Bái 160 con gia súc bị chết, phải tiêu hủy vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.
Chưa có chính sách hỗ trợ gia súc bệnh bị tiêu hủy, chưa có kinh phí cho công tác phòng chống dịch... nên việc chống dịch của Yên Bái đang gặp nhiều khó khăn, trong khi dịch mỗi ngày một lan rộng toàn tỉnh.
Các cán bộ thú y, lực lượng phòng chống dịch vẫn “vác tù và hàng tổng” đi phun thuốc tiêu độc, khử trùng, người dân thiếu thông tin nên việc phòng chống dịch vẫn “theo cách dân gian: xát vỏ chanh, lá khế”.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cũng tỏ vẻ sốt ruột: “Cho đến lúc này mà Chính phủ chưa ban hành được chính sách hỗ trợ gia súc bị bệnh tiêu hủy là quá chậm”.
Khi Chính phủ chậm thì ở dưới, mỗi tỉnh có một chính sách hỗ trợ khác nhau làm tình hình thêm lộn xộn, người dân hoang mang, dịch càng lây lan, phòng chống càng khó khăn.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến nhấn mạnh: dịch xuất hiện ở một thôn trở lên thì công bố xã có dịch, ở hai xã thì công bố huyện có dịch, ở hai huyện thì công bố tỉnh có dịch. Tất cả gia súc mắc bệnh trong ổ dịch xuất hiện lần đầu tại địa bàn (thôn, xóm), hoặc mắc bệnh thuộc type mới, type cũ nhưng đã lâu không xuất hiện tại địa bàn thì bắt buộc phải tiêu hủy.
* Hôm qua 16-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố dịch LMLM trên gia súc ở hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn. Theo đó, cấm mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc và các động vật dễ nhiễm bệnh LMLM ở vùng có dịch. Đồng thời áp dụng các biện pháp hành chính bắt buộc cách ly gia súc có bệnh và cách ly vùng dịch theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. ở huyện Bình Sơn có 10 xã với trên 800 gia súc bị dịch bệnh LMLM; huyện Sơn Tịnh có 11 xã với 741 gia súc bị bệnh LMLM. * Tính đến sáng 16-5, dịch bệnh LMLM trên gia súc đã bùng phát và lây lan trên diện rộng tại địa bàn 12 huyện thị của Quảng Nam (tăng thêm ba huyện). Thống kê ban đầu đã có 1.257 con gia súc mắc bệnh. Ngành thú y đang tăng cường công tác phòng chống, nhưng gặp nhiều khó khăn do người dân giấu dịch không cung cấp thông tin cũng như hợp tác để dập dịch. * Ngày 15-5, tại lò mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh), Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện ba con heo bị LMLM. Số heo bệnh này có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai và được chuyển chung với trên 30 con heo khác. Ông Hoàng Phương Nam - chánh thanh tra chi cục thú y - cho biết lò mổ Nam Phong có giấy tờ chứng minh tất cả số heo này đều có giấy kiểm dịch của thú y tỉnh Đồng Nai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận