Xử lý vết thương đúng cách để phòng bệnh uốn ván. Ảnh: livestrong.com
Bệnh uốn ván xảy ra nhiều ở vùng nông thôn, thường gặp ở người lao động chân tay. Bệnh uốn ván xuất hiện sau một tổn thương cấp tính như vết tiêm ở da, vết rách da, vết trầy xước ở da, bỏng, viêm tai giữa, sau phẫu thuật, sau sảy thai, đẻ non,... và vết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng,... Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào vết thương và phát triển thành ổ nhiễm trùng; tại đây, trực khuẩn uốn ván tiếp tục phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các cơ quan vận động thần kinh - cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.
Thời gian ủ bệnh khoảng từ 4-21 ngày, trung bình là 14 ngày. Bệnh khởi phát sau chấn thương, tổn thương trung bình là 7 ngày. Bệnh uốn ván toàn thân là thể bệnh thường gặp nhất. Dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu, tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, làm cho người bệnh nuốt khó, cứng hàm hay đau các cơ vùng cổ, vai, lưng. Kế tiếp, các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở tay, chân. Do co cứng liên tục, các cơ mặt tạo ra một vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười khẩy, cười nhăn; co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong như đòn gánh. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ. Ở một số bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở, đe dọa đến tính mạng do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Bệnh gây ra biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm lâu.
Trường hợp uốn ván ở trẻ sơ sinh cũng hay gặp, thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu: Trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng; thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa uốn ván, ngoài chương trình tiêm chủng cho trẻ em sau sinh, do uốn ván không tạo miễn dịch bền vững suốt đời nên cần được tiêm nhắc lại sau 5-10 năm để bảo vệ cơ thể. Khi chẳng may vết thương bị dính đất, bụi bẩn có nguy cơ bị uốn ván thì người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương đúng cách và được chủng ngừa theo lịch để phòng ngừa bệnh uốn ván.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận