Hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính ở trẻ em, tỷ lệ mắc trung bình từ 5-10%, tỷ lệ tử vong khoảng 2-3%.
Cơn hen đầu tiên xuất hiện thường sau một đợt nhiễm trùng nặng về đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các dị ứng nguyên như: bụi, lông súc vật, khói bụi, phân hoa, thuốc lá hoặc các loại thức ăn tôm, cua, cá… Hen cũng có thể do thay đổi khí hậu, thời tiết, môi trường sống.
Khi cơn hen phế quản xảy ra có sự tham gia các yếu tố: thần kinh, miễn dịch, nhiễm trùng, nội tiết và sinh lý, mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc từng bệnh nhân.
Biểu hiện bệnh
Triệu chứng chính của hen phế quản là cơn hen (cơn khó thở có phục hồi):
- Triệu chứng báo trước: hắt hơi sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, có khi buồn ngủ.
- Cơn khó thở: giai đoạn đầu khó thở chậm, khi thở thì thở ra có tiếng cò cử, sau đó khó thở tăng dần, cảm giác thiếu không khí, người mệt nhọc toát mồ hôi, tiếng nói ngắt quãng, cơn khó thở kéo dài 10-15 phút. Trường hợp nặng khó thở kéo dài hàng giở hoặc cả ngày không dứt.
- Cơn khó thở giảm dần kết thúc là một trận ho và khạc đờm màu trong, dính, đặc quánh, càng khạc nhiều càng dễ chịu. Cơn hen thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
Mức độ bệnh
Hen phế quản được chia ở 4 mức độ sau:
- Mức độ 1: Thỉnh thoảng mới xảy ra cơ hen, triệu chứng xảy ra vào ban ngày dưới 1 lần/tuần, trẻ vẫn hoạt động bình thường.
- Mức độ 2: Xảy ra ở cấp độ nhẹ, triệu chứng hen xuất hiện ban ngày dưới 1 lần/tuần.
- Mức độ 3: Cơn hen xảy ra hàng ngày ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ.
- Mức độ 4: Cơn hen xảy ra thường xuyên và kéo dài, mọi hoạt động của trẻ bị hạn chế, cơn hen thường xảy ra về đêm.
Ảnh hưởng của hen phế quản
Hen phế quản ở trẻ nếu không được điều trị khỏi, kéo dài sẽ gây ra hậu quả xấu là suy giảm chức năng phổi làm cho xoy trong máu giảm, lượng cacbonic tăng gây tình trạng mệt mỏi cho trẻ nếu nặng gây thiếu oxy phải cấp cứu. Ngoài ra cơn hen ảnh hưởng đến giấc ngủ, giảm khả năng học tập, chậm lớn, còi cọc, giảm khả năng phòng bệnh.
Cách xử trí
Khi trẻ bị hen phế quản chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản theo chỉ định của bác sĩ khi có triệu chứng của cơn hen. Khi trẻ lên cơn hen cần để trẻ ở nơi thoáng mát, không khí trong lành, để trẻ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi cho trẻ dễ thở, khi trẻ lên cơn hen nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa
- Không để trẻ tiếp xúc với các tác nhân dị nguyên gây cơn hen như bụi, phấn hoa, lông súc vật, thuốc lá.
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp, tránh nơi môi trường ô nhiễm.
- Vệ sinh mũi họng, răng miệng, mặc ấm vào mùa đông, ăn uống đầy đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận