![]() |
Có đến hơn 120.000 công nhân trong các khu công nghiệp thuộc hai huyện Thuận An và Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nhu cầu cưới xin rất lớn, vì thế mới hình thành nên khu "phố cưới công nhân" này - bà chủ nhà hàng Ngọc Thanh Quang vừa lúi húi làm tóc cho cô dâu vừa vui vẻ giải thích.
Chiều Chủ nhật, trong phòng trang điểm của nhà hàng Ngọc Thanh Quang vẫn còn bốn cô dâu đang chờ tới lượt mình. Không biết do cái nóng oi nồng hay hồi hộp mà cô nào cô nấy mồ hôi đều chảy dài trên khuôn mặt. Bên ngoài, mấy chú rể ngượng nghịu trong veston, giày tây đen bóng, lúng túng siết lại cà vạt, hết nhìn đồng hồ rồi nhìn vào phòng trang điểm...
Cưới không có hoa tươi, cô dâu chỉ ôm một bó hoa giả đã từng qua tay rất nhiều cô dâu trước, không cần những ông quay phim chạy lăng xăng hay xe đón xe đưa như những đám cưới khá giả. Đám cưới công nhân có một chút rình rang của phố thị, một chút lặng lẽ của thân phận nghèo.
Cỗ cưới cũng có dăm bảy kiểu. Một bàn tùy loại chỉ có giá 350.000 đồng, trên 8 bàn được tặng một cặp sâm banh, khăn ký tên, khuyến mãi một tay đàn organ và một MC nghiệp dư. Dưới 8 bàn thì phải thanh toán hết các khoản chi phí trên, các đôi sẽ chỉ phải đặt cọc từ 200.000 đồng.
Gần bốn năm kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, bà Thanh cho biết, bà ấn tượng nhất là những tiệc cưới ở đây ăn nhanh "kinh khủng", họ đến rất đúng giờ, không bao giờ rề rà, rồi cặm cụi ăn như gió cuốn, 30 đến 45 phút là tàn tiệc, người trở về nhà, người vội vàng đi cho kịp giờ vào ca. Nhiều cô dâu chú rể sau lễ thành hôn là ôm thùng tiền mừng vào phòng thay đồ "khui nóng" để có tiền trả cho nhà hàng. Những người công nhân xa xứ phải đổ bao mồ hôi và nước mắt mới có được những đồng lương còm cõi. Không trông chờ vào tiền mừng thì đào đâu ra để chi phí cưới xin.
Nhiều đám cưới công nhân vui chẳng tày gang, tiệc cưới vừa tàn cũng là lúc đôi vợ chồng phải lo đi trả nợ tiền tiệc tùng, tiền tổ chức, rồi nhiều chi phí cưới xin nhỏ lẻ khác, tính lên cũng hàng triệu đồng. Hoa, người Bình Định, lấy một anh người miền Bắc. Trước ngày cưới, hai anh chị chạy khắp nơi vay công mượn nợ, ngặt cách mấy cũng không dám ngửa tay mượn tiền gia đình, trót mang tiếng đi làm xa không gửi về giúp nhà được đồng cắc nào, mặt mũi nào làm vậy. Họ đi vay nóng, khui tiền mừng cưới thì chỉ đủ tiền trả nhà hàng, còn tiền phát sinh phí thì đành chịu. Lãi mẹ đẻ lãi con, ba năm sau, đôi vợ chồng công nhân ấy mới trả hết nợ.
"Phố cưới công nhân" đã là nơi đánh dấu cho sự bắt đầu của nhiều gia đình. Bà Thanh không quên được hình ảnh đôi vợ chồng nọ đã khóc khi chia tay bà. Bà cũng chẳng giúp được gì nhiều, họ suy tính mãi không biết nhờ ai làm đại diện cho đàng trai - vì họ nhà trai ở xa xôi quá không vào dự cưới được. Hai người gặp bà năn nỉ, bà gật đầu. Lúc đeo nhẫn cưới vào tay cô dâu, bà thoáng giật mình vì nhận ra đó là nhẫn giả, vậy mà cô dâu vẫn cười tươi rói, nước mắt ướt nhòe lớp phấn mỏng, đọc trong ánh mắt đó bà thấy như bao ánh mắt của những phụ nữ khác, ánh lên niềm hạnh phúc đơn sơ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận