![]() |
Để đưa Bến Tre thoát nghèo, “bằng anh bằng chị” trong khu vực ĐBSCL, tỉnh Bến Tre xác định nhiệm vụ số một là “con người”. Trao đổi với Tuổi Trẻ trong giờ giải lao đại hội chiều qua 9-11, phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre CAO TẤN KHỔNG giải thích:
- Tỉnh Bến Tre từ xưa đến nay vốn nghèo, mà muốn thoát nghèo thì chỉ có cách duy nhất là phải xem nguồn nhân lực là mục tiêu sống còn, không còn con đường nào khác.
Những năm qua Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bến Tre đã thấy và đưa ra những chính sách đào tạo, thu hút trí thức trẻ về tỉnh phục vụ phù hợp.
Ngay như ở cấp xã, phường, bốn chức danh: kế toán ngân sách, địa chính, tư pháp và văn phòng UBND hiện nay đều có trình độ trung cấp đến đại học. Năm năm qua đã có khoảng 1.000 cán bộ trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về tỉnh Bến Tre phục vụ.
Chẳng hạn trên lĩnh vực thủy sản có hơn 400 kỹ sư mới đầu quân, hơn 300 trong số đó là người ngoài tỉnh Bến Tre. Các lĩnh vực, ngành nghề khác, kể cả công tác hành chính ở các cơ quan huyện, tỉnh hiện nay đa số có trình độ đại học.
Chính lực lượng trí thức trẻ (tuổi đời từ 22- 30) này đã đóng góp trí tuệ, công sức rất lớn cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre thời gian qua.
* Làm thế nào tỉnh Bến Tre thu hút được nguồn nhân lực như vậy?
- Rút kinh nghiệm ở nhiều nơi, chúng tôi thấy rằng chính sách ưu đãi về phụ cấp, lương bổng không có ý nghĩa lớn đối với lực lượng này. Cái mà họ cần là một môi trường tốt để làm việc, cống hiến và phát triển.
Ngay cả khi tỉnh trải thảm đỏ mời gọi họ về cũng phải thật lòng và phải sát cánh giúp họ rèn luyện để tạo cơ hội cho họ đứng vào hàng ngũ của Đảng. Được tạo điều kiện làm việc phù hợp, được quan tâm phát triển về chính trị như vậy, họ rất phấn khởi cống hiến hết mình.
Và từ nay sắp tới vẫn sẽ tập trung giải cho được bài toán nguồn nhân lực, làm thế nào phát huy có hiệu quả cao nhất nguồn nhân lực đang và sẽ có cho sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận