Phim Sút của Việt Max khai thác đề tài mới - Ảnh: ĐPCC |
Trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều 2016, toạ đàm Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2016 được tổ chức sáng 9-4 đã đặt ra nhiều thách thức cho người làm phim Việt hiện nay.
Phim điện ảnh: kịch bản còn yếu
Trưởng ban giám khảo phim điện ảnh năm nay, PGS.TS Trần Luân Kim, người cùng hội đồng phim điện ảnh cầm cân nảy mực cho 19 bộ phim tranh giải Cánh diều đã có những nhận xét thẳng thắn vào thực trạng phim chiếu rạp hiện nay rằng: “Vừa phấn khởi vừa không!”.
Đa phần các phim hiện nay chọn đề tài về tâm lý xã hội, xen một ít hành động, kinh dị, hài…khai thác tập trung vào đời sống thành thị. Nông thôn, nếu có cũng chỉ chiếm một phần tương đối ít ỏi.
“Một điều đáng khen là trong số những bộ phim tâm lý xã hội, dù vẫn dựa trên nền tảng về tình yêu nhưng các đạo diễn đã đa dạng hóa ở nhiều khía cạnh. Phim võ thuật đánh đấm cũng rất đã mắt, nhưng lại ít võ cổ truyền mà tôi cảm giác như nó đang là kiểu võ Kim Dung.
Đặc biệt, không hiểu là những nhân vật đồng tính có sức hấp dẫn gì mà ở đâu cũng thấy dạng nhân vật này. Ít thì không sao, nhưng quá nhiều nó lại gây nhàm chán”, ông Trần Luân Kim nói.
Khâu yếu nhất của các phim điện ảnh trong năm 2016 theo ban tổ chức Cánh diều đó chính là kịch bản phim. Rất thiếu và hiếm kịch bản phim thu hút, hấp dẫn. Điều này được “minh hoạ” bằng việc nhiều nhà sản xuất phải bỏ tiền mua kịch bản nước ngoài về làm lại hoặc Việt hóa.
Cảnh phim Cha cõng con |
Tuy nhiên, trong nhiều cái “chưa phấn khởi” thì theo ông Kim, điều phấn khởi là chúng ta đang có một lớp diễn viên trẻ năng động và nhiệt huyết với nghề.
“Họ sẵn sàng dấn thân để làm nghề thực sự. Cho nên, tôi đề nghị chúng ta cần phải có những chính sách hỗ trợ để bồi dưỡng lớp trẻ này. Nếu có một thị trường làm phim tốt thì những người trẻ sẽ còn phát triển hơn nữa”.
Giới trẻ lười đọc sách, thậm chí không đọc gì cả. Giới trẻ còn lười sống. Lười sống thì lấy đâu trải nghiệm. Không có trải nghiệm thì sẽ không có sáng tạo. |
Thế nhưng, một thực tế khác cũng được đưa ra bàn luận, đó là tình trạng các nhà làm phim bóc lột sức lao động các bạn trẻ đam mê viết kịch bản. Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương bày tỏ:
“Có một em 16 tuổi khoe với tôi rằng em viết kịch bản nhiều phim. Ban đầu em viết không công để học hỏi kinh nghiệm. Kịch bản của em được gửi cho nhóm biên kịch phim, họ lấy vài ý tưởng rồi trả em hai trăm nghìn đồng thù lao.
Tôi biết đây không là chuyện mới của các nhà làm phim bây giờ. Họ bóc lột những bạn trẻ đam mê nghề thay vì đào tạo mài giũa những viên ngọc thô chớm sáng"!
Diễn viên Minh Trang trong phim Chiều ngang qua phố cũ - Ảnh: VTV |
Phim truyền hình: Thiếu vắng đề tài chính luận
Năm nay để chấm giải ở hạng mục Cánh diều dành cho giải thưởng phim truyền hình, Ban giám khảo của hạng mục này đã xem hơn 550 tập phim truyền hình của các hãng phim gửi về dự thi.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, trưởng ban giám khảo giải phim truyền hình cho rằng ngoài những gương mặt thân quen như VFC, phim truyền hình có “hương vị lạ” từ Đài truyền hình Vĩnh Long với văn hoá sông nước miền Tây chân chất, hồn hậu rất đặc trưng.
Tuy vậy, dòng phim chính luận đang có xu hướng ít hơn so với những năm trước, thay vào đó phim tâm lý xã hội, phim về tình yêu lớp trẻ và phim điều tra, vụ án, xã hội đen lại tăng đột biến.
Phim Dòng nhớ mang màu sắc Nam bộ mới mẻ - Ảnh: ĐPCC |
Riêng phim điều tra vụ án thì trước đây chúng ta gọi vui là dòng phim cảnh sát hình sự, nhưng giờ không phải nữa, các nhà làm phim đã trực tiếp phản ánh về giới xã hội đen, chịu ảnh hưởng của phim nước ngoài.
"Công an, cảnh sát nếu có xuất hiện cũng chỉ là khâu giảu quyết vấn đề, kết thúc bộ phim chứ không có vai trò gì nhiều trong phim. Và điều này lặp đi lặp lại trong rất nhiều phim truyền hình hiện nay nên đã bắt đầu gây nhàm chán cho người xem”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhìn nhận.
Phục vụ thị trường và thị hiếu của khán giả theo Ban giám khảo phim truyền hình là rất tốt, nhưng nếu tất cả các nhà làm phim, nhà sản xuất đều chạy theo đề tài thị trường thì lại gây tác dụng ngược.
“Ngày nay khán giả truyền hình có nhiều chọn lựa. Cho nên nếu chọn những đề tài, thoạt nghĩ thì có vẻ không hút khách, nhưng nếu làm tốt thì có rất nhiều chuyện thú vị”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhấn mạnh.
Lễ trao giải Giải thưởng Cánh Diều 2016 sẽ bắt đầu từ 18h ngày 9-4 tại Nhà hát Quân Đội khu vực phía Nam với chương trình thảm đỏ, có sự xuất hiện của các nghệ sĩ, diễn viên, đoàn làm phim tranh giải năm nay. Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h cùng ngày trên sóng VTV1. Tuổi Trẻ online cũng sẽ cập nhật sự kiện này. |
Thiếu phim nhà nước, có đáng buồn? Có mặt trong hội thảo đạo diễn Việt Linh đưa ra 5 đánh giá về phim Việt: “Thứ nhất thiếu kịch bản: Chúng ta đang đi trên con đường văn minh, phương tiện hiện đại nhưng không có bản đồ, nên chúng ta cứ đi lạc hướng, đi lẩn quẩn. Thứ hai, không có phim nhà nước tôi không buồn. Tôi nghiên cứu điện ảnh ở các nước trên thế giới, thấy rằng vai trò nhà nước ở Pháp và Hàn Quốc mang tính chất tác động, hỗ trợ, quan sát chứ không phải chỉ đạo điều hành như ở ta. Thứ ba, điểm yếu của chúng ta là thiếu sợi dây kết nối giữa các thế hệ với nhau. Tôi không thấy được sự bắt tay của những người đi trước với lớp trẻ bây giờ. Thiếu sự kết nối đó là bi kịch của phim ảnh nước nhà. Hội Điện ảnh cũng nên tự mình đổi mới, tự mình sáng tạo hơn, tự mình chủ động bắt tay với giới trẻ để nền phim ảnh nước nhà phát triển. Thứ tư, có 2 tín hiệu vui: phim không chỉ chiếu tết mà trong năm lúc nào cũng có phim ra rạp. Khán giả đã hình thành thói quen đến rạp xem phim. 10 năm nữa 20 năm nữa chúng ta có một thế hệ khán giả biết xem phim. Khi người ta biết xem phim họ sẽ biết cách làm phim hay dần. Thứ năm, Hội Điện ảnh TP.HCM có tổ chức chiếu phim hàng tháng, một vài trung tâm, câu lạc bộ trên địa bàn cũng chiếu phim và tham gia trao đổi về phim ảnh là ý tưởng rất hay, đáng được khuyến khích…”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận