09/08/2012 05:57 GMT+7

Phim trường trong nhà dân

TTC
TTC

TTC - Tới nay, dù việc sản xuất phim truyền hình Việt Nam phát như triển vũ bão, rất nhiều hãng phim ra đời nhưng cơ sở vật chất, phim trường lại chưa được đầu tư. Vì vậy, muốn có phim - nhứt là phim xã hội - hầu hết các hãng đều phải mướn nhà dân để quay và đóng... phin!

Trước đây, mỗi khi có đoàn phim đến, người dân nơi ấy vui mừng chào đón, tay bắt mặt mừng, mời trà nước đon đả vì xóm mình, nhà mình được lên phim; được gặp mặt, bắt tay, nói chuyện với các diễn viên nổi tiếng. Nay thì tình thế đã thay đổi. Nơi nào đoàn phim đến là dân chúng “thất kinh hồn vía”. Cuộc sống thường ngày của họ bị xáo trộn tung cả lên. Nào là tiếng ồn tra tấn từ sáng đến tối, thậm chí suốt đêm. Đi lại khó khăn vì đoàn phim chặn từ đầu này sang đầu kia…

Tuy nhiên, có cung ắt có cầu; hiện cũng có một số nhà dân thường xuyên cho các đoàn phim mướn quay. Tiền mướn khoảng trên dưới 2,5 triệu đồng/ngày, tùy theo chất lượng. Những ngôi nhà có hồ bơi, sân vườn luôn được ưu tiên lựa chọn (chả trách trong phim Việt nhà nào cũng giàu có, biệt thự nhà lầu… to vật vã).

Có nhà ở quận 2 đắt đoàn phim thuê đến nỗi mang tên... nhà “thúi”, vô một lần nhớ mãi bởi nhà chỉ dành một nhà vệ sinh cho đoàn phim đông người sử dụng. Có nhiều chủ nhà lúc cho đoàn phim mướn rất vui, nhưng chỉ một ngày là “nước mắt lưng tròng”. Không khóc sao được khi đoàn phim là một xã hội thu nhỏ với trung bình khoảng 30-40 người, đi đến mơi đâu “càn quét” nơi ấy. Chủ nhà chạy theo giữ đồ đạc trong nhà không bị hư hỏng cũng đủ mệt. Sau khi đoàn phim Không chùn bước quay tại nhà xong, một đoàn khác tới xin quay, chủ nhà lớn tiếng: “Cảm ơn các chú chứ cho vàng tôi cũng không dám nữa!”.

Chủ nhân của một ngôi nhà thường xuyên cho đoàn phim mướn, nói: “Chúng tôi luôn phải nhắc nhở mọi người phải có ý thức giữ gìn vệ sinh và các vật dụng trong nhà. Nhưng không phải lúc nào họ cũng giữ gìn đâu. Hồi trước nhà có hồ cá. Không hiểu sao cá trong hồ cứ biến đi đâu mất dần dần. Ban đầu chúng tôi cũng cho mượn đàn piano để quay. Sau thấy các em quậy quá, làm sai dây hoài nên cuối cùng phải khóa đàn cho an tâm. Nói chung số tiền thuê nhà có vẻ nhiều nhưng cũng phải chi nhiều khoản tu bổ nhà lại vì mau xuống cấp lắm. Nhưng bù lại, cho đoàn phim mướn nhà cũng có nhiều điều vui như được tiếp xúc với nhiều người, gặp gỡ với các diễn viên, đạo diễn nổi tiếng…”.

Còn phía các nhà sản xuất cũng đau đầu không kém. Một đạo diễn cho biết: để có thể mượn được nhà dân, có khi giống như đi lừa gạt người ta vậy. “Khi giới thiệu với chủ nhà về nội dung phim, chúng tôi luôn phải khen phim hay, hấp dẫn mang tính giáo dục cao chứ đâu dám nói phim này có cảnh đại gia dại gái, hút chích… trong nhà của anh đó nghen!”. Trong phim Những nẻo đường phù sa có chi tiết cán bộ Việt Minh chạy vào nhà dân làm nghề bán hòm, chui vào hòm núp. Tranh thủ lúc chủ nhà đi vắng, đoàn phim lật đật mướn hòm và đem vào nhà quay. Không hiểu ai méc mà chủ nhà đùng đùng trở về và thế là ngôi nhà “dậy sóng”!

Trong phim Cá rô em yêu anh đoàn phim phải xuống tận Vĩnh Long để tìm bối cảnh là một ngôi nhà kiểu Nam bộ. Ngày đầu tiên, mướn 300.000đ/ngày. Qua ngày sau, chủ nhà đòi lên 500.000đ/ngày. Đến tuần sau chủ nhà tăng lên 800.000đ/ngày. Vì lỡ quay nên đoàn phim bấm bụng thuê tiếp. Vì phim thu tiếng trực tiếp nên đòi hỏi yên tĩnh tuyệt đối, nhưng bạn trẻ ở nông thôn có xe máy chạy nẹt pô ầm ĩ. Rồi hàng xóm thỉnh thoảng mở karaoke hát um sùm, báo hại đoàn phim cứ phải chạy qua năn nỉ họ... nghỉ giải lao 15 phút!

Đạo diễn Phương Điền kể: đôi khi có những chủ nhà tiền không phải là quan trọng nhất, quan trọng là thái độ và cách làm việc của mỗi đoàn phim. Anh kể có một chủ nhà khi gặp Phương Điền đã nhận ra anh từng đóng phim nên khoái chí, mời đi nhậu với điều kiện chỉ khi nào thấy thích mới cho mượn nhà. Mặc dù vợ mới sanh nhưng Phương Điền phải bấm bụng đi nhậu để lấy lòng gia chủ. “Bữa đó tui phải uống cho người ta thấy được sự chân thành của mình, mới cho mình mượn nhà!”.

Còn đạo diễn Hùng Phương nhớ những cảnh quay của bộ phim Dốc sương mù tại một chung cư trong những ngày giáp tết. Do bất cẩn, không biết ai trong đoàn phim làm rớt rổ củ kiệu của bà chủ nhà phơi trên lan can xuống đường. Đích thân đạo diễn phải làm kiệu trả lại. Khi nhận rổ củ kiệu, bà chủ nhà ngạc nhiên: “Ủa, tưởng đạo diễn chỉ biết làm phim thôi chứ, làm kiệu trông cũng hấp dẫn nhỉ!”.

0hBxbLF6.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 457 ra ngày 01/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên