12/04/2008 08:06 GMT+7

Phim tài liệu: "áo gấm đi đêm"

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Phim tài liệu hấp dẫn hơn phim truyện? Đó là điều chắc chắn, nếu căn cứ vào phản ứng của người xem khi Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư công chiếu bốn bộ phim (2 nhựa, 2 video) vừa đoạt Cánh diều vàng và bạc năm qua vào sáng 11-4 tại Hà Nội.

Qzz508nB.jpgPhóng to
Cảnh trong phim tài liệu Cha mẹ xin lỗi con của đạo diễn kiêm biên kịch Phan Huyền Thư - Ảnh tư liệu
TT - Phim tài liệu hấp dẫn hơn phim truyện? Đó là điều chắc chắn, nếu căn cứ vào phản ứng của người xem khi Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư công chiếu bốn bộ phim (2 nhựa, 2 video) vừa đoạt Cánh diều vàng và bạc năm qua vào sáng 11-4 tại Hà Nội.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Không khí khác xa với những buổi chiếu ra mắt phim mới của phim truyện nhựa: nếu là phim nhà nước thì im ắng, lặng tờ và sốt ruột mong cho chóng hết, nếu là phim tư nhân thì khổ sở vì phải tránh sự săn đón của các ông (bà) chủ phim - khen thì ngượng mà chê không đành. Xem xong cả loạt phim tài liệu này, rất nhiều người cùng suy nghĩ: điện ảnh tài liệu gần cuộc sống hơn, thiết thực hơn và cũng... nghệ thuật hơn phim truyện.

Tận tụy với cuộc sống và kỳ công với nghề

Trước tiên phải khẳng định cả loạt phim này không có phim nào được đánh giá là xuất sắc, cũng không có phim nào gây chấn động xã hội kiểu như Chuyện tử tế (Trần Văn Thủy) hay Trở lại Ngư Thủy (Lê Mạnh Thích). Nhưng cũng chính vì thế mà người xem bình thường thấy được lao động nghệ thuật và ý thức công dân của những nghệ sĩ "bình thường".

Chẳng hẹn mà nên, bốn bộ phim tài liệu đoạt giải cao nhất lần này phản ánh bốn khía cạnh hoàn toàn khác nhau của cuộc sống đương đại. Lời nguyện cầu của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng đặc tả nhà thờ Phát Diệm - công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu và độc đáo nhất của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây; Bài ca trên đỉnh Tà Lùng của đạo diễn Trần Phi ca ngợi vẻ đẹp của ba người đàn ông mà chỉ có năm mắt, năm tay và năm chân - vẫn miệt mài ươm sự sống và kiến thức trên cao nguyên đá cực bắc Tổ quốc;

Chất xám của đạo diễn Nguyễn Thước bức xúc về thực trạng sử dụng nhân tài ở VN; Cha mẹ xin lỗi con của đạo diễn Phan Huyền Thư là câu hỏi xoáy vào lòng người về những hài nhi bé nhỏ bị những kẻ sinh ra chúng bỏ lại với đất, và là bài ca tuyệt vời về tình người của những người đã dang rộng vòng tay đón các em vào đời, bất chấp những nghi ngại của người đời, những miệng tiếng thế gian và sự thờ ơ đang ngự trị hằng ngày trong cuộc mưu sinh.

Đạo diễn Nguyễn Thước, người vừa quay vừa làm đạo diễn hơn 30 phim tài liệu, nói: "Tôi không ganh tị, so bì gì với phim truyện, vì từ khi chọn nghề tôi đã biết nghiệp của mình sẽ là như thế. Phim truyện có sự hấp dẫn của kỹ xảo, của ngôi sao, của truyện phim; chúng tôi chỉ có thể hấp dẫn bằng sự chân thực.

Nhưng điều tôi mong ước là một đầu ra cho phim tài liệu. Làm sao để có chỗ chiếu phim tài liệu cho người muốn xem phim tài liệu. Chúng tôi mong có sự hợp tác với truyền hình, ở các nước vẫn là như vậy, truyền hình phát triển sẽ nuôi điện ảnh phát triển, nhưng ở nước ta vẫn chưa có sự thống nhất ở tầm vĩ mô”.

Tất cả những vấn đề đặt ra trong phim đều là những vấn đề của báo chí, hầu như đều đã được nhắc đến và biết đến. Nhưng các nhà làm phim đã không cho phép người xem được thờ ơ và quên vấn đề xã hội ấy - như thói quen đọc rồi quên khi xem nhật trình - một khi đã xem phim của họ.

Những khuôn hình tuyệt đẹp về từng phiến đá, từng nét chạm khắc của nhà thờ chính tòa Phát Diệm cho người xem cái quyền tự hào về những công trình đã mọc lên trên đất nước mình, bằng bàn tay và khối óc của người mình, đẹp không kém những kiệt tác thế giới mà chúng ta vẫn hằng ngày chiêm ngưỡng và xuýt xoa quaDiscovery hay Travel Channel (Lời nguyện cầu).

Những tấm gương thương binh tàn nhưng không phế về làng vẫn dạy trẻ con học, vẫn làm công tác xã hội thường được báo đài phát tấp nập mỗi dịp 27-7. Nhưng ba người đàn ông trên đỉnh Tà Lùng, với gương mặt khắc khổ, nhân hậu và "đàn ông" đến từng cử chỉ, khiến người ta không thể không ứa nước mắt vì cảm phục và thương mến. Những hạt ngô trỉa xuống từng hốc đá, những gùi đất được gùi nặng nhọc lên từng bậc đá rồi phủ xuống từng hạt ngô, những mầm xanh ngập ngừng nhú, những ánh đèn lập lòe le lói trong đêm đuổi nhím đuổi sóc đừng ăn hạt, những giọt nước ri rỉ nhỏ xuống từ mó nước trong sự chờ đợi khắc khoải và kiên nhẫn của con người (Bài ca trên đỉnh Tà Lùng).

Những đóa hoa nhựa bé tí xíu cắm trên mộ của những linh hồn nhỏ nhoi chưa kịp một ngày làm người, bàn tay đàn ông đen đúa gân guốc thành thạo thay tã cho những em bé sơ sinh, giọng hát ru buồn thảm nhưng ấm áp và chan chứa tình thương của người đàn ông dành cho những đứa con không do mình sinh ra, hàng hàng lớp lớp bình đựng tro hài cốt của những em bé mà cha mẹ chúng không muốn cho ra đời trong kho nhà thờ (Cha mẹ xin lỗi con)...

Tất cả tạo nên một chân dung cuộc sống chân thực, sinh động, với tất cả những đẹp đẽ, cao cả, đồng thời với tất cả những cam go, đau buồn và cả tội lỗi. Các nhà làm phim tài liệu đã làm được điều đó, với tình yêu nghề và một quá trình lao động "đổ mồ hôi sôi nước mắt" theo mọi nghĩa.

Chúng tôi cần có chỗ để chiếu phim tài liệu

Sở dĩ phải có cả một buổi công chiếu cho bốn bộ phim này vì phim tài liệu lâu nay luôn ở cảnh "áo gấm đi đêm". Phim nào ra cũng gây tiếng vang, rồi lặng tờ ngay, như đá ném ao bèo, vì người ta đọc báo giới thiệu (hầu hết là khen) xong rồi ngơ ngác hỏi: "Vậy xem phim ở đâu?".

"Cả một liên hoan phim quốc gia, cả một giải Cánh diều vàng, hầu như báo chí chỉ tập trung khai thác chuyện phim truyện nhựa nào "hot", phim nhựa nào đoạt giải vàng, không một dòng nào nhắc đến phim tài liệu, cứ như là chúng tôi không hề tồn tại, như chưa hề có phim tài liệu nào được làm" - đạo diễn kiêm biên kịch Phan Huyền Thư, người được coi là "nàng thơ của điện ảnh tài liệu", ngậm ngùi thốt lên ngay tại lễ trao giải Cánh diều - dù chị đã đoạt Cánh diều vàng đạo diễn cho Cha mẹ xin lỗi con.

Có lẽ vì thế mà nhiều người làm phim tài liệu trẻ bây giờ đã quyết định tự tìm kiếm con đường đưa phim của mình ra công chúng. Nhiều đoạn trích trong Cha mẹ xin lỗi con đã được đưa lên mạng từ lâu và cư dân mạng đã tham gia bình luận từ trước khi phim được chiếu chính thức.

"Tôi không mong đợi quyền lợi vật chất hay tiếng tăm gì từ việc phát hành phim trên mạng như thế, nhưng chúng tôi chờ đợi rất nhiều việc các rạp cho phép chiếu phim tài liệu trước giờ chiếu phim truyện - mà chúng tôi chiếu hoàn toàn miễn phí, nhưng trừ Trung tâm Chiếu phim quốc gia, chả mấy ai mặn mà. Không thể làm phim rồi cất kho - vì chúng tôi biết phim chúng tôi không tồi, sẽ có người xem, cho nên chúng tôi phải tìm đường đi cho mình" - Phan Huyền Thư nói. Chị cho biết những phim tiếp theo của chị sẽ là tự tìm nguồn vốn, tự sản xuất, tự đưa đi bán ở các chợ phim hay liên hoan phim nước ngoài".

Một năm trung bình cả nước sản xuất đến hơn 200 phim tài liệu các thể loại. Phần không nhỏ trong số đó là các phim có chất lượng. Nhu cầu xem phim tài liệu là có thật. Vậy tại sao vẫn không có phim tài liệu chiếu rạp?

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên