Kinh dị là thể loại được nhiều nhà làm phim yêu thích ở Việt Nam.
Đây là dòng phim không cần đầu tư kinh phí quá lớn nhưng dễ thu hút khán giả khi khuấy động sự tò mò bên trong con người về những điều tâm linh huyền bí, vừa bí ẩn, đáng sợ, nhưng cũng vừa thách thức và đầy thu hút.
Khoảng 10 năm trước, nhiều phim kinh dị Việt gây tiếng vang như Lời nguyền huyết ngải (2012), Quả tim máu (2014), Yêu đi đừng sợ (2017)...
Những phim trên được đầu tư chỉn chu nhưng nhìn chung vẫn mang màu sắc ngoại lai, chịu ảnh hưởng nhiều từ phim kinh dị nước ngoài.
Những năm gần đây, dòng phim kinh dị chuyển dịch đáng kể khi nhiều nhà làm phim lựa chọn "phủ" lên lớp áo kinh dị những câu chuyện dân gian, những điển tích đậm văn hóa Việt.
Hướng đi này khả quan khi Bắc Kim Thang, Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu... đạt doanh thu cao, khán giả đón nhận. Sắp tới, nhiều dự án kinh dị với màu sắc văn hóa dân gian cũng sẽ trình làng là Con Cám, Linh Miêu, Đèn âm hồn...
Văn hóa bản địa giúp phim kinh dị thành công
Theo nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng (phim Đảo độc đắc, Thất Sơn tâm linh...), một trong những nguyên tắc chính giúp phim thành công là phải xuất phát từ tính văn hóa bản địa để người xem dễ dàng có được sự đồng cảm với câu chuyện và nhân vật.
Việc tạo ra câu chuyện kinh dị mang ngôn ngữ toàn cầu sẽ khó hơn, cũng như có mức độ cạnh tranh cao với các phim tương tự của Hollywood. Tuy nhiên, việc đi quá sâu vào văn hóa bản địa cũng là trở ngại không nhỏ khi phim ra quốc tế.
Vì vậy, nhà sản xuất phải khéo léo vận dụng cách kể chuyện hiện đại, nhịp phim, thoại và tạo hình nhân vật... cho phù hợp với thị hiếu của khán giả, ít nhất là của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới khi hầu hết các nền điện ảnh đều đầu tư sản xuất nhiều phim thể loại này.
Ngoài ra, khán giả quốc tế cũng thích tìm hiểu về các câu chuyện mang tính dân gian, bản địa, những truyền thuyết đặc sắc và khác biệt ở từng quốc gia nên việc chúng ta có các bộ phim như Kẻ ăn hồn, Ma Dai, Quỷ cẩu... được chú ý.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp (phim Trái tim quái vật) cũng đánh giá đây là một tín hiệu tốt, nhất là khi điện ảnh đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nền tảng xem phim trực tuyến. Những phim có dấu ấn văn hóa dân gian sẽ khác biệt và mới mẻ.
Liệu có phải con dao hai lưỡi?
Đánh giá tích cực về sự thay đổi của phim kinh dị Việt hiện tại, nhưng theo nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng, "món nào ăn nhiều quá một lúc cũng ngán, và chắc chắn thị trường sẽ bão hòa nhanh chóng bởi khán giả không thể coi liên tiếp một dòng phim trong vòng một năm.
Các nhà sản xuất cần cẩn thận khi tiếp thị và phát hành dòng phim này để tránh bị thất thoát về doanh thu".
Ông Tùng gợi ý có thể cân nhắc về việc dời lịch phát hành giãn ra và dũng cảm tìm hiểu để đưa phim thể loại mới phù hợp thị hiếu khán giả xem phim hằng năm.
Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp nhận định: "Khi các nhà làm phim nội địa bị đặt vào bài toán sinh tồn của thị trường khắc nghiệt, họ buộc phải vận động không ngừng để nắm bắt xu hướng, thị hiếu khán giả và học hỏi lẫn nhau.
Việc nhiều nhà làm phim cùng khai thác thể loại kinh dị mang dấu ấn văn hóa Việt giúp tạo ra những chuẩn mực mới cao hơn, thị trường được duy trì bởi những tác phẩm an toàn, ít rủi ro.
Nhưng ở khía cạnh không tốt, ta có thể dự đoán được sự bão hòa của thể loại này. Nếu các tác phẩm không có sự đầu tư và khác biệt, khán giả sẽ nhanh chóng mất niềm tin, đồng thời gây lãng phí cho một mảnh đất màu mỡ mà chúng ta mới vừa khai phá được".
Nhà sản xuất Hằng Trịnh cũng "hy vọng rằng các nhà làm phim sẽ xử lý thật tốt dòng phim này, cùng với việc khai thác các câu chuyện thật thú vị để xu hướng này ngày càng phát triển và tạo điều kiện cho nhiều đạo diễn trẻ xuất hiện trong tương lai".
Trailer phim Ma da
Với nhà sản xuất Hằng Trịnh (phim Mười: Lời nguyền trở lại), phim kinh dị là dòng phim an toàn để sản xuất, ngôn ngữ kể chuyện mang tính đại chúng và có thể "chạm" đến nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, yếu tố kinh doanh của phim cũng ổn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận