14/09/2010 07:59 GMT+7

Phim Đường tới thành Thăng Long sẽ được chỉnh sửa

CHÂU TÂM
CHÂU TÂM

TT - "Chúng tôi chưa có quyết định cuối cùng về việc cấp phép phổ biến bộ phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long. Hiện bộ phim vẫn đang trong quá trình xét duyệt" - cục phó Cục Ðiện ảnh Lê Ngọc Minh xác nhận như thế trước thông tin cho rằng bộ phim này không phù hợp chiếu ở VN.

6KTydqIr.jpgPhóng to
Tạo hình của Lê Thị Thanh Liên (Thụy Vân thủ vai) - hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn - Ảnh: đoàn phim cung cấp

Thực hiện hoàn toàn bằng vốn tư nhân, Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long là bộ phim truyền hình về đề tài lịch sử gồm 19 tập, có thời lượng 45 phút/tập do Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành thực hiện.

Ða số các cảnh quay trong phim được thực hiện ở Trung Quốc (TQ). Không chỉ vậy, biên kịch và đạo diễn phần lớn cũng là người TQ, chỉ có hai người VN. Trong đó, biên kịch gồm Kha Chương Hòa và Trịnh Văn Sơn (VN), tổng đạo diễn Cận Ðức Mậu, đạo diễn: Triệu Lôi, Tạ Huy Cường (VN). Các diễn viên tham gia: Phạm Tiến Lộc (vai Lý Công Uẩn), Nguyễn Thụy Vân (vai Thanh Liên), Hoàng Thanh Hải (vai Lê Hoàn), Phạm Anh Dũng (vai quốc sư Vạn Hạnh), Nguyễn Khôi Nguyên (vai Lý Khánh Văn), Trung Hiếu (Ðinh Bộ Lĩnh), Phan Hòa (Dương Vân Nga)...

Một số hình ảnh của bộ phim được tung lên mạng gần đây đã khiến nhiều người cho rằng phim mang quá nhiều dáng dấp phim truyền hình TQ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khuất Duy Tân - trưởng phòng phổ biến phim Cục Ðiện ảnh VN - cho biết vì đa số các cảnh quay thực hiện ở TQ nên có thể khiến người xem dễ có cảm nhận bộ phim mang dáng dấp phim TQ.

Ông Tân cũng cho biết nhiều thông tin nhận xét xung quanh bộ phim khác thực tế là do nhiều người chưa xem bộ phim này. Nhưng để tôn trọng dư luận, bộ phim được kiểm duyệt rất chặt chẽ. Thành phần duyệt phim không phải hội đồng riêng của Bộ VH-TT&DL. Sau khi có ý kiến của Ban Tuyên giáo T.Ư và Văn phòng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã thành lập hội đồng kiểm duyệt bộ phim này.

Việc cấp phép phổ biến bộ phim phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Sau ngày thẩm định vào 28 và 29-8, hội đồng kiểm duyệt đã gửi văn bản yêu cầu công ty chỉnh sửa một số lỗi. Trong đó có một số nội dung như:

- Cắt bỏ một số cảnh quá quen thuộc của TQ dễ gây sự hiểu lầm cho khán giả như cảnh vua đi lại ở cầu dích dắc trên một mặt hồ, một số đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người TQ, trang phục TQ...; sửa lại những lời thoại dùng ngôn ngữ chưa phù hợp.

- Một số vấn đề liên quan đến lịch sử cần sửa lại, bám vào chính sử để thể hiện như: việc Lê Hoàn lên ngôi và cuộc kháng chiến chống Tống, sự kiện Lê Hoàn đánh Tống được ghi trong sử như một trong những trận đánh oai hùng tại sông Bạch Ðằng, Tây Kết...

- Chỉnh sửa lại phần kết, quyết định dời đô của Lý Công Uẩn để thể hiện được đây là nhu cầu phát triển của nhà nước Ðại Cồ Việt cần có một kinh đô xứng tầm mà Lý Công Uẩn sáng suốt nhận ra và quyết định.

Theo ông Trịnh Văn Sơn - tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành, trong hoàn cảnh VN chưa có trường quay, rất khó khăn để hoàn toàn Việt hóa bộ phim. Hiện nay bộ phim đã hoàn thành việc chỉnh sửa theo yêu cầu và trình lại bản sửa cho hội đồng thẩm định.

* Tiến sĩ ĐOÀN THỊ TÌNH (ban cố vấn thiết kế trang phục phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long):

VN có một lịch sử trang phục phong kiến

Toàn bộ trang phục của bộ phim dựa trên những cơ sở có thực của lịch sử VN, sách chính sử, thư tịch, tư liệu của kiến trúc, hội họa, tượng, đình, đền chùa (chùa Dâu, chùa Kiến Sơ, chùa Long Đọi...). VN có cả một lịch sử trang phục, không phải đi mượn của ai. Sở dĩ có nhiều ý kiến cho rằng “giống TQ quá” là vì trang phục của chúng ta có kết cấu tương đồng với họ, hệ thống trang phục của các triều đại phong kiến có sự tham khảo của TQ nhưng họa tiết rất khác.

Khi Lê Long Đĩnh lên ngôi, ông vua này cũng đã đổi toàn bộ phần trang phục triều đình theo nhà Tống. Lịch triều hiến chương loại chí đã đề cập về mũ miện, long bào cho vua. Trong khi mũ miện của nhà Tống TQ cánh chuồn rất dài, cong ở phía mép thì ván trên mũ miện của chúng ta nhỏ, hẹp. Long bào của TQ có màu vàng hoặc màu đen, long bào của chúng ta có màu đỏ. Có thể phân biệt ở chính những họa tiết trên long bào, VN chúng ta sử dụng họa tiết rồng, hoa sen, sóng nước, hoa mai. Giáp phục của chúng ta có vảy, có cả họa tiết hoa mai. Hoặc chiếc mũ thất phật cánh hoa sen của sư Vạn Hạnh, họa tiết hoa văn là chữ Phạn hoặc bông sen, ở TQ họa tiết này đều được đảo ngược lại.

* Ông ĐINH XUÂN DŨNG (ủy viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thụât T.Ư, cố vấn hội đồng thẩm định kịch bản Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long):

Tất cả những gì là của VN phải giữ

Tôi xem phim có những cảnh rất cảm động như Lý Công Uẩn tâm sự với người dân: người phu kéo gỗ, người chủ quán trọ, trẻ em... để hiểu được tình hình xã hội cũng như nỗi khổ của người dân. Lý Công Uẩn thật sự là người có tâm huyết, biết lắng nghe và hành động vì dân, vì nước. Bộ phim đã cố gắng để giải thích được điều này. Ngoài ra, bộ phim còn khắc họa những nhân vật lịch sử khác như Lý Khánh Văn, sư Vạn Hạnh, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn... Và chủ đề tư tưởng của bộ phim cơ bản đã thể hiện được.

Tôi cũng đã đóng góp ý kiến: tất cả những gì là của VN phải giữ. Tính cách nhân vật, âm nhạc, lịch sử phải của VN. Được biết về trang phục, tiến sĩ, họa sĩ Đoàn Thị Tình đã có cả một công trình nghiên cứu nhiều năm cho bộ phim này. Về bối cảnh, đạo cụ cũng như một số nghi lễ sinh hoạt, văn hóa trong phim có nhà phê bình Phan Cẩm Thượng là cố vấn và trực tiếp có mặt tại trường quay. Về âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Đồng cũng đã dành rất nhiều tâm huyết để viết nhạc cho bộ phim.

* Họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật PHAN CẨM THƯỢNG (tư vấn văn hóa lịch sử cho phim):

Khó giữ được nét văn hóa Việt trong phim

Theo tôi, về nội dung lịch sử trong phim không có vấn đề gì. Nhưng đúng là khó giữ được nét văn hóa Việt Nam trong phim vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Ví dụ, tôi đi chọn cảnh cùng họa sĩ bối cảnh (người TQ), nhưng chọn ở bên đó thì chỉ có những cái gần giống ta chứ không giống hoàn toàn. Cho nên phần lớn đành chọn bối cảnh Tần - Hán; nó thô, giản dị nhưng vẫn quy mô lắm, mà ở ta thì không có gì giống thế.

Về thiết kế trang phục, theo tôi cũng rất khó. Ví dụ áo giáp, ta thiết kế hầu như không mặc được hoặc rất xộc xệch, rất khó diễn, có thể làm bị thương. Do vậy, nếu tự làm thì rất dễ giống phim sân khấu. Nói chung là có nhiều khó khăn về làm phim lịch sử mà ở ta chưa thể làm được.

Muốn tự làm được ta phải có viện nghiên cứu làm sách công cụ về nhiều mặt cho đoàn phim (ở TQ các chuyên gia đều có sách công cụ tra cứu), có trường quay chuyên nghiệp, có xưởng đạo cụ, sản xuất cái cần dùng cho phim, có xưởng may và thợ may am hiểu trang phục truyền thống, có trại nuôi ngựa chiến và có đạo diễn vũ thuật, vũ đạo... Tóm lại, trong phim này chúng ta nhờ người TQ, vấn đề rút ra để cùng suy nghĩ là: “Khi ta nhờ họ thì nên nhờ tới đâu”.

CHÂU TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên