![]() |
Đạo diễn Philippines Brillante Mendoza với giải đạo diễn xuất sắc nhất - Ảnh: Getty Images |
Tạo tiếng vang ngay từ những ngày đầu của LHP với sáu bộ phim tranh giải, châu Á đã để lại dấu ấn đậm nét với ba phim được xướng danh trong đêm trao giải.
Nhà làm phim người Philippines Brillante Mendoza đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất với tác phẩm Kinatay (Thảm sát) bất chấp những chỉ trích dữ dội nhắm vào các cảnh bạo lực đẫm máu trong phim. Sau thành công của Old boy năm 2004, lần này đạo diễn người Hàn Quốc Park Chan Wook đoạt giải của ban giám khảo với bộ phim ma cà rồng Thirst (Cơn khát), cùng chia sẻ giải này với phim Fish tank của Anh. Trong khi đó, nhà biên kịch Trung Quốc Mai Phong được vinh danh với giải kịch bản hay nhất với tác phẩm mang đề tài đồng tính Spring fever (Xuân phong) của đạo diễn Lâu Diệp.
Hãng tin AP dẫn lời giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux nhận định vị thế của các bộ phim châu Á tại LHP lần này phản ánh những thay đổi lớn lao của bộ mặt điện ảnh thế giới. Trước đây chỉ có một vài đạo diễn châu Á đoạt giải ở Cannes, phần lớn đều là người Nhật. “Khoảng 30-40 năm trước sự hiện diện của phim châu Á hầu như không hề quan trọng - ông Fremaux nhận định - Dần dần, trong những năm gần đây, chúng tôi đã mở rộng cửa LHP với châu Á, không chỉ Nhật mà cả Trung Quốc, Thái Lan, Philippines...”.
Các tác phẩm đoạt giải tại Cannes lần này đều tràn đầy “năng lượng điện ảnh”. Kinatay cuốn khán giả vào một cuộc phiêu lưu căng thẳng, rùng rợn với cảnh cảnh sát biến chất sát hại dã man một cô gái điếm. “Đây không chỉ là giải trí mà còn là thực tế” - đạo diễn Mendoza khẳng định. Spring fever phản ánh khát vọng và cảm xúc cá nhân nóng bỏng, còn Thirst - bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được Hollywood chống lưng - miêu tả sự dằn vặt giữa thiện và ác của một cha xứ lương thiện bị biến thành ma cà rồng.
“Thế giới đang phát hiện cộng đồng điện ảnh châu Á đang sản xuất những bộ phim hay, và phản ứng của khán giả là rất tích cực - AP dẫn lời đạo diễn Park Chan Wook khẳng định - Ngược lại, những phản ứng tích cực này giúp các nhà làm phim châu Á tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn”.
Các nhà phát hành phim châu Á cũng tỏ ra lạc quan bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. “Tôi nghĩ thị trường đang mở cửa - AP dẫn lời nhà phát hành Rattikorn Prichavongwaikul của Hãng phim Thái Lan Righ Beyond - Chúng tôi từng đến đây chỉ để mua phim. Giờ chúng tôi ở vị thế quảng bá phim của chính mình, khi làm phim chúng tôi không chỉ nghĩ đến thị trường nội địa mà cả quốc tế nữa”.
Giải thưởng Cannes * Cành cọ vàng:The white ribbon (Dải ruybăng trắng) - đạo diễn: Michael Haneke (Áo). * Giải thưởng lớn:A prophet (Nhà tiên tri) - đạo diễn: Jacques Audiard (Pháp). * Giải ban giám khảo: Thirst (Cơn khát) - đạo diễn: Park Chan Wook (Hàn Quốc), Fish tank (Bể cá) - đạo diễn: Andrea Arnold (Anh). * Đạo diễn xuất sắc nhất: Brillante Mendoza (Philippines), phim Kinatay (Thảm sát). * Nam diễn viên chính: Christoph Waltz (Áo), phim Inglourious basterds (Những gã con hoang khốn nạn). * Nữ diễn viên chính: Charlotte Gainsbourg (Pháp), phim Antichrist (Kẻ chống Chúa). * Kịch bản: Mai Phong (Trung Quốc), phim Spring fever (Xuân phong). * Giải triển vọng: Kynodontas (Răng chó) - đạo diễn: Yorgos Lanthimos (Hi Lạp). * Giải phim ngắn: Arena - đạo diễn: Joao Salaviza (Bồ Đào Nha). * Giải camera vàng (phim đầu tay): Samson and Delilah (Samson và Delilah) - đạo diễn: Warwick Thornton (Áo). * Giải thành tựu:Alain Resnais (Pháp).
“Phải xem trọng khán giả” Trong vai trò chủ tịch hội đồng giám khảo, nữ diễn viên Isabelle Huppert đã hạnh phúc ôm hôn đạo diễn người Áo Michael Haneke, người đã từng giúp cô nhận được giải Cành cọ vàng nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim La pianiste (2001), khi bộ phim mới nhất của ông - The white ribbon - được xướng tên lên cho giải thưởng danh giá nhất trong đêm: Cành cọ vàng. Được quay đen trắng để khán giả cảm nhận rõ hơn không khí những năm trước Thế chiến thứ nhất, The white ribbon (Dải ruybăng trắng) đặt bối cảnh ở một ngôi trường làng miền bắc nước Đức, nơi những sự kiện bí ẩn và đầy bạo lực diễn ra. Những đứa trẻ bị mất tích, bị tra tấn. Ai là hung thủ? Và vì sao? Câu trả lời cũng chính là chủ đề của bộ phim: nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố. “Đây là khoảnh khắc trong đời mà tôi cảm thấy thật sự rất hạnh phúc” - Haneke nói bằng tiếng Pháp khi lên nhận giải thưởng danh giá này rồi hướng về vợ, ông nói tiếp: “Và có lẽ em cũng vậy, anh tin là thế”. Michael Haneke cũng phát biểu rằng khán giả không nên “diễn dịch bộ phim của tôi chỉ nói về chủ nghĩa phát xít. Nó có thể tìm thấy ở bất kỳ chủ nghĩa cuồng tín nào”. Không đưa ra bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào cho những câu hỏi về chủ đề phim, Michael cho rằng trong xã hội hiện đại, khi mà truyền hình làm ra những bộ phim cho người xem những câu trả lời dễ dàng cũng là thời “điện ảnh càng phải có nhiệm vụ xem trọng khán giả một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết”. PHAN XI NÊ (Theo Reuters, Chicago Tribune) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận