25/06/2012 13:32 GMT+7

Phim buôn lậu sừng tê giác tại hội nghị Liên Hiệp Quốc

TÙNG LINH (Theo Reuters, YouTube)
TÙNG LINH (Theo Reuters, YouTube)

TTO - Một bộ phim nói về thực trạng săn bắn và buôn lậu sừng tê giác trái phép ở Nam Phi vừa được trình chiếu lần đầu trước hơn 100 lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Trái đất Rio+20.

“Điểm đen” châu Phi

7ONWshrG.jpgPhóng to
Xác một con tê giác sau khi bị “làm thịt” - Ảnh chụp từ video
Phim Rhino under threat (Tê giác bị đe dọa) - Nguồn: YouTube

Phim do kênh truyền hình Liên Hiệp Quốc (UNTV) phối hợp thực hiện cùng Ban Thư ký Công ước thương mại quốc tế về các loài vật gặp nguy hiểm (CITES) hợp tác sản xuất.

Mở đầu đoạn phim là cảnh đàn ruồi bu kín xác một con thú ở rừng quốc gia Kruger, Nam Phi; từng tảng thịt thối rữa bắt đầu mọc nấm trắng và chảy nước; mắt con vật bị khoét ra, chỗ từng là cái sừng giống như chiếc mã tấu giờ chỉ còn là hốc sâu hoắm…

Chuỗi hình ảnh khủng khiếp về những con tê giác bị giết xuất hiện dồn dập trong bộ phim Rhino under threat (Tê giác bị đe dọa) đưa khán giả đến mức cảm xúc kinh hoàng về nạn săn bắn trái phép đã đến mức báo động này.

Nam Phi được xem như ngôi nhà lớn của tê giác với nhiều chủng loài tê giác nhất hành tinh, do đó cũng là tiêu điểm của thảm kịch.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi được Reuters trích dẫn, tính tới tháng 6-2012 có 245 tê giác bị săn bắn trái phép trên toàn Nam Phi. Với tốc độ này thì tỉ lệ tê giác bị tiêu diệt sẽ vượt mức 448 con của năm ngoái.

Một nhân viên bảo tồn cho biết voi và tê giác là hai loài động vật đang bị đe dọa nhiều nhất, phần lớn số sản vật trái phép sẽ tuồn sang châu Á, nơi ngày càng có nhiều đại gia sẵn sàng móc hầu bao mua những món hàng hiếm này.

Cứu lấy loài tê giác

EvhpK3sR.jpgPhóng to

Nhóm nhân viên bảo tồn cài chip vào một con tê giác - Ảnh chụp từ video

“Thật đau lòng” - Ted Reilly, giám đốc công viên Big Game ở Swaziland, phải thốt lên như thế. Vương quốc nhỏ ở phía nam châu Phi này đã mất con tê giác đầu tiên vào tay bọn săn trộm từ hai thập kỷ trước.

Reilly nói thêm: “Bạn sẽ thấy khi con tê giác mẹ bị bắn ngã xuống, con của nó sẽ chạy ra che chở cho mẹ. Nó không để bọn săn trộm tới gần mẹ và kết quả nó cũng bị bắn chết”.

Sừng và một nửa mặt con tê giác sau đó sẽ bị cắt bằng chiếc cưa máy. Reilly cho biết mọi kiểm lâm viên ở đây đều có thể chỉ vanh vách những “điểm đen” - nơi tê giác bị đánh thuốc mê, khắp vương quốc.

Trong cuộc đấu với thế lực tàn ác, những người bảo vệ chỉ có cách duy nhất: dũng cảm tiến lên phía trước ngăn chặn mọi cuộc giết hại.

“Hiện nay chúng tôi áp dụng cách thu thập ADN của tê giác thành dữ liệu thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi gắn chip có GPS lên sừng và cơ thể con tê giác, từ đó có thể xác định vị trí của chúng dù ở bất cứ đâu. Cùng với dữ liệu ADN, chúng tôi dễ dàng xác định tên, chủng loài và tìm ra tung tích chiếc sừng hay bộ phận cơ thể của con tê giác bị buôn lậu”, một nữ nhân viên của công viên Gruger cho biết.

Các nhóm buôn lậu sừng tê giác Nam Phi nhắm vào thị trường chính là Trung Quốc, mà Việt Nam đóng vai trò "nước trung chuyển" như đoạn clip miêu tả.

Phát biểu trong đoạn phim, đại tá Nguyễn Sỹ - phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an - cho biết vấn nạn này rộ lên từ năm 2003-2008.

Theo một nhân viên Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Bộ Tài chính), các tuyến đường vận chuyển trọng điểm có tuyến đường hàng không qua sân bay Nội Bài, Hà Nội và sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ngoài ra còn có tuyến đường biển từ Hải Phòng đến Móng Cái.

Sau khi đoàn làm phim đến quay thực tế tại Hà Nội, người biên tập viết lời bình rằng: không khó để bắt gặp các hiệu thuốc đông y bày nhan nhản quảng cáo sừng tê giác nhiều công dụng ở các chợ Hà Nội. Tuy nhiên đến nay chưa có kiểm chứng khoa học nào về các công dụng này.

Trong phim, một nhân vật được cho là chủ cửa tiệm y học cổ truyền tại Hà Nội đã hết lời tán dương bài thuốc này.

Trong con ngõ vắng, một người đàn ông đang chăm chú xay một đoạn sừng thành bột. Bằng giọng thều thào, ông nói: “Tôi già rồi nên phải trữ những bài thuốc này phòng khi trái gió trở trời. Nghe nói thuốc trị được cả bệnh ung thư, tôi dành dụm mãi mới mua được một khúc nhỏ sừng tê giác”.

Theo tài liệu từ phim, sừng tê giác còn bị trộm từ các bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân ở 15 nước. Phim nói rằng con tê giác cuối cùng thuộc chủng Java hoang dã ở Việt Nam đã bị giết năm ngoái và số lượng loài này ở châu Phi cũng bị tàn sát không thương tiếc.

TÙNG LINH (Theo Reuters, YouTube)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên