![]() |
Ở Thái Nguyên, chuyện tìm mua hung khí dễ như mua rau ở chợ - Ảnh: Trần Huỳnh |
Lập băng, nhóm cho oai!?
Theo một số cán bộ cảnh sát điều tra, khu vực Gang Thép (thành phố Thái Nguyên) là một địa bàn phức tạp. Hai năm trước, băng Kiến vàng vừa bị triệt phá thì giờ đây xuất hiện nhiều băng nhóm khác.
Trung tá Lao Văn Hưng, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Sau khi vụ án Mùa lá rụng xảy ra, chúng tôi đã cho người xuống điều tra, xác minh hoạt động của nhóm này. Khi thẩm vấn T. “sói”, một chú bé mới 15 tuổi liên quan đến vụ án mạng của băng Mùa lá rụng, nó khóc hu hu khai: “Cứ tối tối bọn cháu ra đường tròn ngồi chơi, uống nước chè, nếu có ai bắt nạt thì bảo vệ nhau, chứ có băng đảng gì đâu”.
Phải qua nhiều đầu mối phức tạp, chúng tôi mới tìm gặp được H.T. -người được xem là “đại ca” của băng Mùa lá rụng. H.T. đang là SV Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên. Nhìn gương mặt thư sinh, cách nói chuyện kín kẽ của H.T., ít ai có thể ngờ dưới trướng cậu SV này là cả trăm thành viên lứa tuổi học trò.
Không cần giấu giếm, H.T. thừa nhận sự tồn tại của Mùa lá rụng, nhưng đó là chuyện tình cờ trong một dịp cùng bạn bè ngồi uống nước mía tại đường tròn Gang Thép vào một ngày lá rụng (!?). Từ đó cứ tối thứ bảy Mùa lá rụng lại tụ tập ở mấy quán nước mía, vỉa hè đường tròn Gang Thép để họp mặt điểm danh.
Thủ tục gia nhập băng Mùa lá rụng rất đơn giản: một bữa rượu nhạt. Nội qui cũng hết sức ngắn gọn: “Sẵn sàng xả thân cứu đồng đội khi bị tấn công!”. Tham gia nhóm mỗi thành viên phải đóng 5.000-10.000 đồng gây quĩ. Theo H.T., thành viên của nhóm hiện nay lên tới hơn 100 người, chủ yếu là học sinh THCS, THPT trong khu vực Gang Thép. Sự việc gây án là do “tự phát” của một số thành viên chứ không phải “chủ trương” của Mùa lá rụng!
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng băng nhóm tuổi học trò nổi lên trên địa bàn thời gian qua, trung tá Lao Văn Hưng phân tích: “Theo đánh giá của chúng tôi, đây là những nhóm đối tượng thanh thiếu niên thuộc dạng học đòi mà phát sinh việc quậy phá, xưng hùng xưng bá với nhau, gây rối trật tự. Nó mang những cái tên như Mùa lá rụng, Sóng ngầm... là do ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh bạo lực kích động. Tụ tập nhau lại thì phải có cái tên cho oai, chứ thật ra không phải là những ổ nhóm tội phạm nguy hiểm có kết cấu bền chặt”.
Một cán bộ điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên nhận định: “Một vấn đề khá bức xúc là phần lớn học sinh tham gia băng nhóm đều ít được sự quan tâm của gia đình. Nhiều gia đình bố mẹ bận mải làm ăn chả hề quan tâm đến con cái, không biết con đi đâu, làm gì. Như nhóm Sóng ngầm đa phần đều nằm trong những gia đình hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau không quan tâm gì đến con cái, phần lớn đã bỏ học, bỏ học hàng năm trời mà gia đình không hay biết gì, vậy là tụ tập lại với nhau đi lang thang...”.
Sự bất ngờ muộn màng
Chúng tôi tìm gặp chị Trần Thị T. ở phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên, mẹ của D. “giáp”, một cựu thành viên của Mùa lá rụng vừa tách ra lập một nhóm không tên. Chị T. nói trong sự thẫn thờ: “Hai vợ chồng tôi suốt ngày làm việc kiếm tiền nuôi con, không còn thời gian để mắt tới bọn chúng. Ba tháng qua thằng D. nhà tôi vác xe máy bỏ nhà đi biền biệt, tôi lo phát ốm.
Hôm rồi nó lấy xe máy nhà đi cắm, tôi đã phải bỏ gần cả chục triệu để chuộc xe. Ban đầu nghe người ta đồn nó theo băng này nhóm nọ, tôi không tin. Nhưng hôm tôi theo nó vào quán nước ở khu đường tròn thì bất ngờ thấy nó và nhóm bạn đang vác một bao tải mà trong đó toàn là dao, phớ, ống tuýp... Tôi như chết đứng. Trước giờ nghe nó bảo đi học suốt ngày, tôi cũng tin vậy, ai ngờ nó sa vào băng nhóm.
Tôi thật sự bất lực vì động tới là nó bỏ nhà đi ngay. Tôi mong nhà trường thông tin cho phụ huynh chúng tôi biết về tình hình học tập của con để dễ bề quản lý, dạy dỗ... Ở Gang Thép này đi đâu cũng nghe phụ huynh than phiền về các băng nhóm, mà toàn học trò con con, đi đập phá, đánh chém loạn cả lên”.
Cô giáo Ngô Thị Quyên, Trường THPT Gang Thép - Thái Nguyên, cho biết: “Tôi đã từng làm chủ nhiệm những lớp có nhiều học sinh cá biệt, ngang bướng và lười học. Gần đây, việc học trò lập băng nhóm, tụ tập đánh nhau, trấn lột... gia đình, nhà trường ai cũng biết, song làm thế nào để giải quyết triệt để thì lại chưa có biện pháp cụ thể.
Có một việc cũng phải nói thẳng thế này: thành phố Thái Nguyên ít điểm vui chơi cho thanh thiếu niên quá, cứ sau giờ học là tụ tập rồi sinh chuyện. Theo tôi, để hạn chế tình trạng băng nhóm trong tuổi học trò cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng (công an, Đoàn TNCS...) trước khi quá muộn. Vụ án học sinh D. ở một khía cạnh nào đó đáng thương hơn là đáng giận. Em là nạn nhân một lối sống không được định hướng, thiếu tình cảm và giáo dục...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận