18/01/2009 21:46 GMT+7

Phát triển nhiên liệu sinh học

Theo HOÀNG LONGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo HOÀNG LONGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Sản xuất nhiên liệu sinh học là vấn đề còn khá mới mẻ với chúng ta, trong khi ở các nước, ngành công nghệ này phát triển đến mức người ta phải báo động vì một lượng lớn ngũ cốc đã bị đưa vào sản xuất loại nhiên liệu vốn được xem là thân thiện với môi trường.

WU8Sg3aQ.jpgPhóng to
Một nhà máy sản xuất ethanol tại Trường Xuân (Trung Quốc)

Hồi tháng 9-2008 tại Hà Nội đã làm thí điểm xăng pha ethanol dùng cho xe hơi có tên thương mại là Gasohol E5 với hy vọng sẽ phổ biến rộng rãi trên thị trường để giải quyết tình trạng xăng dầu giá cao làm đội giá thành của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Mặc dù được người tiêu dùng đón nhận khá nhiệt tình, nhưng chỉ năm ngày sau việc bán xăng này phải tạm ngưng, lý do đưa ra là chưa kiểm tra đầy đủ về chất lượng và chưa có quy chuẩn cho đúng luật.

Trường hợp thứ hai là cách đây không lâu, dầu diesel làm từ mỡ cá basa được sử dụng để chạy máy nổ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã vấp phải phản ứng của một số người. Sau khi nghiên cứu, các nhà chuyên môn phát hiện các thương nhân thiếu lương tâm đã trộn mỡ cá basa chưa xử lý vào dầu diesel bán trên thị trường khiến cho máy nổ bị hỏng hóc.

Hai trường hợp trên đây cho thấy, đứng trước một sản phẩm mới ra đời, như nhiên liệu sinh học, sự dè dặt của người tiêu dùng là dễ hiểu, trong khi nguồn năng lượng này đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu.

Nhận thức về lợi ích của nhiên liệu sinh học đã có từ hơn mười năm trước đây, nhất là trong điều kiện bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề lớn. Ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện thành công, được sự ủng hộ của nhà nước và các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, nông nghiệp.

Một số doanh nghiệp được nhắc đến như là những nơi đi đầu về nhiên liệu sinh học như Công ty Mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa, Saigon Petro và Công ty Rượu Bình Tây ở TP.HCM đã sản xuất và đưa vào thị trường ethanol chạy máy nổ. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tận dụng nguồn cá phong phú, một số công ty đã sản xuất thử loại dầu biodiesel làm từ mỡ cá tra và cá basa. Có doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư đến 12 tỉ đồng để sản xuất loại nhiêu liệu này.

Tiềm năng thấy rõ…

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, nước ta hiện có khoảng bốn triệu hecta đất đồi núi chưa được khai phá, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn phân nửa diện tích này. Theo tính toán của các chuyên gia thì từ nay đến năm 2020, nếu chúng ta đưa được khoảng một triệu hecta đất bỏ hoang để trồng các loại cây dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học thì sản lượng sẽ rất lớn.

Loại cây được trồng phổ biến trên thế giới và cũng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Việt Nam hiện nay là cây dầu mè hay còn gọi là cây dầu diesel, tên khoa học là jatropha curcas, có đặc điểm chịu hạn từ tám đến chín tháng cho nên rất dễ phát triển trên quy mô lớn. Đây là loại cây cho nhiều hạt, hàm lượng dầu rất cao, một hecta có thể cho từ một đến ba tấn dầu biodiesel, mà dầu thu được lại không cần chế biến phức tạp, có thể sử dụng ngay hoặc pha với dầu diesel khoáng chất. Nếu biết tận dụng thì jatropha curcas sau khi ép lấy dầu có thể dùng làm phân hữu cơ, làm thức ăn gia súc và sản xuất biogas.

Không chỉ có jatropha curcas, chúng ta hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh các cây truyền thống cho mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học như khoai mì, mía và nhiều loại cây có củ khác.

Những năm gần đây, nghề nuôi cá tra và cá basa phát triển rất mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ 250.000 tấn của sáu năm trước, nay đã lên đến cả triệu tấn/năm, chủ yếu là để xuất khẩu. Phế phẩm của cá tra (sau khi lấy phần thân cá để chế biến) chính là một nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiên liệu sinh học. Đã có tính toán cụ thể cho thấy mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long thải ra ít nhất là 30.000 tấn mỡ cá tra và basa, các phế phẩm này đã được nhiều nơi nghiên cứu và đã tìm được sự hợp tác với các công ty để sản xuất diesel sinh học phục vụ đời sống. Đi đầu trong các nỗ lực trên phải kể đến Trường đại học An Giang, Công ty Agifish, Phân viện Khoa học vật liệu tại TP.HCM (Viện Khoa học Việt Nam).

Phụ phẩm thứ hai là hạt cà phê mà quá trình sản xuất chế biến thành phẩm xuất khẩu đã cho rất nhiều vỏ, nếu bỏ đi sẽ gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo tính toán của các chuyên viên, từ khi vươn lên trở thành nước thứ hai sản xuất cà phê trên thế giới (sau Brazil), ngành công nghiệp chế biến loại nông phẩm xuất khẩu có giá trị này đã thải ra khoảng 400.000 tấn vỏ hàng năm. Được biết vỏ cà phê hoàn toàn có thể cho lên men để chuyển hóa thành ethanol. Ngoài hai loại phế phẩm ấy thì vỏ hạt điều, rơm rạ, tre, nứa, trấu cũng có thể tận dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học.

…Nhưng phải khai thác cách nào?

NoTVazgp.jpgPhóng to
Cây jatropha curcas

Hiện nay trên thế giới đang có nhiều tranh luận liên quan đến việc sản xuất nhiên liệu sinh học, mà chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về tình trạng an ninh lương thực bị đe dọa. Nhưng trong điều kiện của nước ta, đây không phải là vấn đề lớn vì sản xuất lúa gạo thừa sức bảo đảm nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu, và chúng ta chỉ tận dụng các vùng đất không thuận lợi cho việc trồng cây lương thực để phát triển các loại cây có dầu. Chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng cân nhắc trong việc quy hoạch rừng để tận dụng trồng các loại cây không phá hoại môi trường.

Được biết, ngày 20-11-2007 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, với mục tiêu sản xuất 250.000 tấn cồn và dầu thực vật để đáp ứng 1% nhu cầu xăng của cả nước. Nhà nước chi khoảng 259 tỉ đồng để triển khai đề án trong chín năm. Một bộ tiêu chuẩn về nhiên liệu sinh học cũng đã được phát hành.

Thế nhưng để thành công trong việc thực hiện thì còn phải cân nhắc nhiều vấn đề liên quan.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, khi đề cập đến việc phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đã nói rằng: “Thật phi lý khi Bộ Công thương lập chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi chỉ đạo và quản lý nhà nước về nền nông nghiệp lại chỉ là cơ quan phối hợp. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa thực sự hiểu hết về nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác, chúng ta vẫn tách nhiên liệu sinh học khỏi nền nông nghiệp. Đây là một sai lầm rất lớn và sẽ phải trả giá, nếu không thay đổi quan điểm”.

Ông cũng nhận định: “Nếu đọc kỹ đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều con số rất ấn tượng. Nhưng các con số này chưa nêu được những biện pháp cụ thể, trong đó, cần chỉ rõ đất ở đâu, vùng nào trồng cây gì… Đất nông nghiệp (tạm xem là đất ở vùng có khả năng cải tạo để sử dụng cho mục đích sản xuất lương thực, thực phẩm) đang dần biến thành khu công nghiệp, sân golf, du lịch sinh thái…

Vậy lấy đâu ra đất để quy hoạch vùng nhiên liệu sinh học? Điều các nhà khoa học, các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học, các doanh nghiệp trồng nguyên liệu quan tâm là khi nào thì nhiên liệu sinh học sẽ được chính thức hóa ở Việt Nam, cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng, cơ quan nào có trách nhiệm cung ứng? Nếu không có những căn cứ cụ thể đó, thử hỏi ai dám xây dựng một nhà máy vài trăm tỉ đồng rồi ngồi chờ đến lúc được phép sử dụng!”.

Theo Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm thì: “Sản xuất nhiên liệu sinh học nên dựa trên các nguyên tắc: (1) Tất cả các cơ sở sản xuất phải được xây dựng trên nguyên lý công nghệ không bã thải, (2) Vùng nguyên liệu mới chỉ nên phát triển ở vùng đất kém hiệu quả kinh tế, đồng thời, phải bố trí đan xen các loại nguyên liệu khác nhau, không độc canh. Trồng để cải tạo và phát triển chứ không trồng để bóc lột đất, (3) Hãy tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt nhân dân vùng sâu, vùng xa tham gia sản xuất nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học. Triết lý “góp gió thành bão” chính là cơ sở lý luận của công nghệ không bã thải và (4) Luôn nhớ rằng, nhiên liệu sinh học có tính nhân văn, không phải để làm giàu, mà để bảo vệ trái đất, để xóa đói giảm nghèo, để trái đất xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

Từ những nguyên lý đó, dẫn đến việc bố trí trồng nguyên liệu sao cho phù hợp với từng khu vực và trồng những cây gì để hài hòa sinh thái, để bảo vệ đất. Điều này, các nhà khoa học nông nghiệp hiểu rất rõ. Việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên thực vật và sản phẩm nông nghiệp, sẽ tạo ra một mạng lưới nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học. Chỉ có thể phát triển bền vững, nếu ta kết hợp một cách hài hòa lợi ích của thiên nhiên với lợi ích của con người”.

Những lưu ý của nhà khoa học này là rất bổ ích để việc sản xuất nhiên liệu sinh học được thành công.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu và thông tin của báo chí trong và ngoài nước)

Theo HOÀNG LONGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên