Ngày nay, trước tình trạng nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét… nhiều quốc gia đã chọn kinh tế xanh làm mô hình phát triển mới.
Đó là thay thế việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tài nguyên không tái tạo bằng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
Một số doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các biện pháp hướng tới phát triển kinh tế xanh như: áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện thí điểm cơ chế sản xuất sạch, cơ chế năng suất xanh trong doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng hệ thống Biogas ở nông thôn…
Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo.
Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau” - “kinh tế nâu”.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đều cho rằng, thách thức lớn nhất, tổng quát nhất chính là việc doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. Chính những vấn đề như: sản xuất dựa khai thác tài nguyên với công nghệ thấp; chưa chuyển đổi mô hình sản xuất theo tư duy mới phù hợp với các hiệp định, các cam kết mà Việt Nam đã tham gia; bản thân phát triển tăng trưởng xanh chưa trở thành động lực cho các doanh nghiệp; hầu hết các doanh nghiệp tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, chưa mạnh dạn “đầu tư mạo hiểm” để tạo ra bước đột phá trong sản xuất và kinh doanh… đã khiến quá trình phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam chưa được như mong muốn.
Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để xanh hóa nền sản xuất, Việt Nam cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh.
Trước hết, với Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp nắm bắt được xu thế này. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp phải hiểu kinh tế xanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới.
“Giải pháp quan trọng là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh, sạch. Tăng cường nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ. Hình thành các cơ chế, chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ thuật công nghệ, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển chuyển giao khoa học kỹ thuật” - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận