Vì sao giá tour đua nhau giảm?Khó kéo khách nếu mạnh ai nấy làm
Phóng to |
Công ty du lịch Hải Đăng (đường Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình) chỉ được cấp phép du lịch nội địa nhưng vẫn quảng cáo bán tour du lịch nước ngoài - Ảnh: Thuận Thắng |
Một cán bộ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM cho biết thực tế các công ty có đăng ký lĩnh vực kinh doanh liên quan đến du lịch trên địa bàn phải lên đến vài ngàn, trong khi sở quản lý được chỉ 809 công ty và con số này càng nở rộ vào mùa cao điểm mùa hè, tết.
“Quản không xuể”
Những công ty này sau “mùa gặt” lại biến mất như chưa từng tồn tại. Báo Tuổi Trẻ từng nhận được rất nhiều khiếu nại, phàn nàn của du khách mua tour của những công ty này về chuyện dịch vụ yếu kém, “đem con bỏ chợ”: khi bán tour cam kết ngủ khách sạn 3 sao, nhưng cuối cùng đưa vào nhà nghỉ, ăn nhà hàng không hợp vệ sinh khiến nhiều người bị tiêu chảy... Khi chúng tôi đến địa chỉ cần tìm thì công ty đã dọn đi mất, số điện thoại không liên lạc được.
Các công ty này về nguyên tắc đã được Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động, nhưng khi hoạt động thực tế tại địa bàn không thông báo cho Sở VH-TT&DL. Cả Sở VH-TT&DL TP.HCM hiện chỉ có hai nhân viên mỗi tuần chia nhau đi hậu kiểm trong hai ngày, nhưng chỉ có một buổi phối hợp với thanh tra sở kiểm tra doanh nghiệp lữ hành. “Số lượng công ty lữ hành không phép mọc như nấm, chúng tôi không thể nào kiểm soát hết được” - bà Ngọc Trân, một trong hai thành viên thường đi hậu kiểm của phòng lữ hành Sở VH-TT&DL, thừa nhận. Trong 10 doanh nghiệp có kinh doanh lữ hành mà PV Tuổi Trẻ chọn ngẫu nhiên, sau đó chuyển cho phòng này để kiểm tra ngày 19-6, có đến 50% công ty chưa có tên trong danh sách quản lý của sở.
Đại diện phòng lữ hành cho biết khi đi kiểm tra đã phát hiện rất nhiều công ty du lịch chỉ được cấp phép du lịch nội địa nhưng treo bảng quảng cáo, bán tour du lịch nước ngoài. Các công ty này thậm chí có cả hợp đồng chuyển khách và hóa đơn thanh toán ngược lại từ các công ty lữ hành có phép.
Chế tài quá kém
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN kiêm chủ tịch Hội Lữ hành VN, người có 12 năm làm vụ trưởng Vụ Lữ hành và chấp bút cho các dự thảo chế tài, xử phạt trong lĩnh vực du lịch - thừa nhận các biện pháp chế tài hiện quá yếu. Ngay như trường hợp Công ty Travel Life, mức phạt đề xuất 80 triệu đồng cho những hành vi vi phạm của doanh nghiệp này cũng là quá nhẹ so với hành vi “bỏ rơi” 701 du khách ở Thái Lan những ngày qua. “Phạt vậy chẳng ăn thua gì. Thậm chí luật quy định cấm kinh doanh trong vòng một năm nhưng ngay cả khi đóng phạt xong họ giải tán công ty này, thành lập công ty mới, đóng ngay trụ sở cũ cũng không thể phạt được họ. Ngày trước chúng tôi cho rằng du lịch không có nhiều tiền nên khi dự thảo hình thức xử phạt rất nhẹ, vì làm nặng số công ty này chết hàng loạt thì tội nghiệp. Bây giờ chúng tôi nhận ra điều đó là sai lầm quá lớn, phạt như thế chẳng khác nào gãi ngứa” - ông Bình thừa nhận.
Theo Luật du lịch, để trở thành doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (gồm cả hai hoạt động inbound: đón khách quốc tế vào, outbound: đưa khách VN đi du lịch nước ngoài), người điều hành công ty buộc phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm điều hành, công ty phải có ít nhất ba hướng dẫn viên có thẻ hành nghề hướng dẫn quốc tế, ký quỹ 250 triệu đồng. Nhiều công ty lữ hành cho rằng điều kiện này còn nhiều điều lỏng lẻo. Chẳng hạn, nhiều công ty đã lách quy định về điều kiện hướng dẫn viên bằng cách “thuê” thẻ hướng dẫn viên của người bên ngoài nhằm đối phó với cơ quan chức năng. “Vì vậy mới có tình trạng công ty lữ hành quốc tế mà chỉ có một giám đốc và không có một hướng dẫn viên nào” - ông Vũ Thế Bình nói. Ngoài ra, quy định khoản tiền đặt cọc 250 triệu đồng (chỉ hơn 12.000 USD) theo thời giá hiện nay cũng không đủ để đền bù cho khách hàng nếu công ty không mua bảo hiểm hoặc nếu xảy ra sự cố khi ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng ở một số nước, trong các giấy phép kinh doanh lữ hành: inbound, outbound và nội địa là ba loại giấy phép riêng (trong khi VN inbound và outbound gộp chung), trong đó khó đạt nhất là lấy được giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Công ty lữ hành phải có một mức doanh thu cao thuộc hàng top trong nhiều năm, phải đạt một số lượng khách đã phục vụ cũng thuộc hạng thượng thừa và không vi phạm quy định nào trong thời gian dài... Số lượng công ty được cấp phép này rất hạn chế. Biện pháp này giúp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo được số lượng, chất lượng tour, hạn chế tối đa trường hợp xấu có thể xảy ra cho du khách nước họ khi đi ra nước ngoài.
Làm sao tránh các công ty du lịch “đểu”? Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, để tránh rơi vào bẫy của các công ty du lịch “đểu”, khách nên hỏi rõ tour do ai tổ chức, nếu công ty đứng ra tổ chức phải thông tin rõ có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hay không, có bảo hiểm du lịch, cam kết thực hiện chương trình tour hay không? Khi mua tour phải xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký. Với các công ty có website cần nhìn kỹ thông tin về giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (ở bên dưới trang web) hoặc kiểm tra xem doanh nghiệp mình liên hệ có đủ điều kiện kinh doanh hay không trong phần thông tin doanh nghiệp du lịch (nằm bên phải trên website của Sở VH-TT&DL TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận