04/10/2018 14:39 GMT+7

Phạt nặng để bảo vệ trẻ em

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Buộc trẻ em đi ăn xin, tiết lộ thông tin về trẻ em, đặt cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nơi học hành của trẻ, xúi giục trẻ em tảo hôn, bắt trẻ làm việc quá sức, xâm hại và bạo hành trẻ em... sẽ bị phạt nặng với các mức cụ thể.

Phạt nặng để bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

Nhóm người bồng ẵm trẻ em đi xin tiền tại khu vực ngã tư Gò Mây, Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Đó là những quy định tại dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, đưa lên cổng thông tin của bộ này để lấy ý kiến rộng rãi.

Phạt 50 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin riêng tư về trẻ em

Đây là mức phạt cao nhất trong dự thảo nghị định, quy định tại mục 2, chương II về vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo đó sẽ phạt từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ hay người giám hộ của trẻ em.

Đưa thông tin cá nhân của trẻ lên mạng mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thì cũng bị phạt tới 10 triệu đồng.

Hành vi sản xuất, sao chép, lưu hành... kinh doanh sản xuất đồ chơi, trò chơi và các sản phẩm khác phục vụ trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 5 - 50 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm như đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ gây cháy nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi của trẻ cũng sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng và bị buộc phải chuyển cơ sở dịch vụ, sản xuất, kho bãi này đi nơi khác...

Các hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, ép buộc trẻ em đi ăn xin hoặc cho thuê, cho mượn trẻ, bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, dụ dỗ trẻ em bỏ học... cũng bị xử phạt.

Phạt nặng để bảo vệ trẻ em - Ảnh 2.

Hai đứa trẻ bị người lớn (ngồi từ xa cách đó 30m) lợi dụng bắt xin ăn tại góc đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Quy định sẽ sớm vào thực tế

Ông Hà Đình Bốn - vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan chủ trì soạn thảo - cho biết dự thảo nghị định đang khẩn trương lấy ý kiến để sớm hoàn tất trình Chính phủ ngay trong tháng 10-2018.

Ông Nguyễn Công Hiệu - phó giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH (phụ trách tổng đài quốc gia về trẻ em 111) - cho biết hiện bình quân mỗi tháng tổng đài nhận được 13.000 cuộc gọi liên quan đến trẻ em, trong đó khoảng 5.000 cuộc gọi có trả lời.

Trong số các cuộc gọi có trả lời thì bình quân mỗi tháng có 130-150 cuộc gọi liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em được tổng đài 111 liên hệ lại với chính quyền địa phương để can thiệp, giải quyết.

"Xâm hại, bạo hành trẻ không có xu hướng giảm, một phần vì tuyên truyền, một phần vì các quy định hiện hành chưa chặt chẽ, xử phạt còn chưa nghiêm. Việc có nghị định mới, với những mức xử phạt thỏa đáng sẽ góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em" - ông Hiệu mong muốn.

Tờ trình gửi Chính phủ (dự thảo) về nghị định mới này cũng nêu rõ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có từ năm 2013 nhưng hiện đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc.

Sau vài năm triển khai, qua rà soát thì thấy vẫn chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nào trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo ban soạn thảo, việc ban hành nghị định mới này là "thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo trợ xã hội, đảm bảo tốt nhất các quyền của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".

Phạt nặng để bảo vệ trẻ em - Ảnh 3.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Đảm bảo khả năng thi hành

Với dự thảo nghị định mới, đại diện Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng chế tài xử phạt sẽ có sức răn đe nhưng cái khó ở đây là không dễ gì xử lý được các đối tượng có các hành vi ép buộc, cho mượn, cho thuê trẻ em đi ăn xin... 

Bởi vì các đối tượng này hoạt động rất kín kẽ. Nên cần tính kỹ, kể cả việc cơ quan nào sẽ tiến hành xử phạt.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đánh giá cao dự thảo nghị định mới đã quy định mức phạt với hành vi không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Quy định này góp phần thúc đẩy đưa những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ra ánh sáng.

Nhưng xét một số trường hợp mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tiếp nhận, bà Ngọc Nữ cho hay rất nhiều gia đình của trẻ bị xâm hại tình dục nghèo khó và không hiểu biết pháp luật. Khi bên xâm hại đền một khoản tiền, vì tình thân thích, họ thường "cho qua".

Trong trường hợp này, họ có con bị xâm hại rồi còn bị phạt mức tiền 10-15 triệu đồng, với hoàn cảnh khó khăn thì gần như là không có tiền để đóng phạt.

"Tôi nghĩ cần có quy định rõ hơn, mức phạt nào là phù hợp. Việc tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến từng gia đình là cần thiết" - bà Ngọc Nữ nói.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh trẻ em là đối tượng đặc biệt, cần được bảo vệ.

Với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin chỉ bị phạt từ 10-15 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 24 của dự thảo nghị định là chưa đủ sức răn đe. Dự thảo cũng chưa quy định về việc tái phạm.

Quy định rõ đã bị xử phạt mà vi phạm có chế tài nặng hơn, có bị xử lý hình sự hay không sẽ giúp giảm thiểu việc chăn dắt ăn xin.

Dự thảo nghị định cũng quy định các hành vi phân biệt đối xử đối với người khuyết tật; không miễn giảm học phí hay vé tàu, xe... cho người khuyết tật, người già; các hành vi vi phạm về quản lý tiền, hàng cứu trợ... cũng sẽ bị phạt từ 1 triệu cho đến cao nhất 50 triệu đồng.

Lê Trung Phát

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)

Chúng ta đang xử lý quá nhẹ

Hiện nay, đối với hành vi chăn dắt, ép buộc người khác đi ăn xin, chúng ta đang còn xử lý quá nhẹ làm cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, tạo ra một thực trạng không tốt trong xã hội.

Nếu đấu tranh tốt với các đối tượng xấu này, pháp luật vẫn có đủ cơ sở để khởi tố.

Nghị định 144/2013 quy định "Tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để ăn xin" thì bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Bên cạnh đó người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Nếu chứng minh được những kẻ chăn dắt có hành vi đánh đập, bắt người già, trẻ em nhịn ăn, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Cơ quan chức năng cần tăng mức xử phạt hành chính, sớm có một điều luật riêng trong Bộ luật hình sự với tội danh "lợi dụng người già và trẻ em để trục lợi", có như vậy mới đủ sức răn đe và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giúp xã hội văn minh hơn.

LÊ PHAN

luật sư ngọc thanh 3(read-only)

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM)

Quy định còn chồng chéo

Việc xử phạt hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn liên quan các luật khác như Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự.

Theo Bộ luật lao động 2012 thì người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên. Nhưng trong Luật trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, quy định còn chồng chéo với nhau.

Hay quy định mức phạt về công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em từ 40-50 triệu đồng cũng chồng chéo với Bộ luật dân sự 2015 ở điều 592 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ bản của Nhà nước quy định.

Với mức lương cơ bản hiện nay thì không quá 10 lần tầm khoảng 13 triệu, thấp hơn nhiều so với mức phạt vi phạm hành chính mà dự thảo này quy định (40-50 triệu)...

UYÊN TRINH ghi

Chăn dắt trẻ em vẫn phức tạp Chăn dắt trẻ em vẫn phức tạp

TTO - Tình trạng chăn dắt, xâm hại trẻ em nhiều nơi vẫn phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn để tăng hiệu quả các chế tài...

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên