Phần cửa vào ngôi mộ lớn đã bị máy ủi phạt mất, để lộ ra hiện vật bên trong. Thêm một lần nữa, các nhà khảo cổ học đứng trước “sự đã rồi” và đành phải tiến hành khai quật khẩn cấp.
Phóng to |
Hai ngôi mộ cổ sau khi được khai quật - Ảnh: Hà Hương |
Bên trong mộ cổ thứ nhất, các nhà khảo cổ học phát hiện 28 hiện vật, trong đó có các đồ gốm, 1 hạt chuỗi thủy tinh, 9 đinh sắt, hạt thóc cháy. PGS.TS Nguyễn Lân Cường (phó tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN) cho biết: ngay khi được báo, Hội Khảo cổ học đã kết hợp với các cán bộ của Phòng nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) để tiến hành khai quật khẩn cấp đồng thời với việc xin giấy phép khai quật.
Rất may phần hiện vật nằm lẫn trong lớp bùn dày 35cm dưới đáy mộ nên gần như được giữ nguyên. Quan tài và xương người trong cả hai ngôi mộ đều đã tự hủy hết. Tuy nhiên, trước khi các nhà khảo cổ học có mặt tại hiện trường, chiếc lệnh bài có thể giúp xác định thân thế người được an táng ở ngôi mộ này đã bị kẻ gian lấy trộm.
Hai ngôi mộ cổ nằm song song theo hướng tây bắc - đông nam, cùng được kết cấu theo lối cuốn vòm và xếp gạch múi bưởi ở trên. Mộ lớn dài 4,7m, rộng 2,15m, cao 1,9m. Mộ nhỏ dài 3,9m, rộng 1,2m, cao 0,95m. “Điều đặc biệt là phía trên mộ có một hàng gạch khóa vòm mộ, chưa thấy ở bất cứ một mộ cổ nào trước đây” - ông Cường cho biết.
Hạt thóc cháy đã được chuyển về Viện Khảo cổ học. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương: “Một số hạt thóc còn giữ được cuống và một phần vỏ trấu”. Điều kỳ lạ nữa là trên một số viên gạch có khắc một ký tự chữ Hán với bộ thổ bên trái, bộ mộc bên phải. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: các nhà nghiên cứu Hán học cũng chưa thể đưa ra kết luận đây là chữ gì. Có thể đây là họ của người được an táng, hoặc cũng có thể là tên của xưởng gạch.
Trong quá trình khai quật hai ngôi mộ cổ, nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Mạnh cũng phát hiện một giếng cổ cách hai ngôi mộ khoảng 100m. Sáng 19-4, các nhà khảo cổ học vẫn đang tập trung khai quật đáy giếng. Tuy nhiên, dựa vào gạch có thể dự đoán giếng cổ cùng niên đại với mộ cổ. Từ những phát hiện này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định: “Đây có thể là khu dân cư sinh sống gần bến sông Hồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin phép tiến hành thám sát rộng ra”. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải mã ký tự Hán cổ trên viên gạch xây mộ, xác định đồ gốm tùy táng là gốm Việt hay gốm Hán...
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, hiện có ba phương án để bảo tồn hai ngôi mộ cổ này. Cách thứ nhất là quây khu vừa khai quật lại, giữ nguyên hiện trạng để mọi người có thể tham quan. Một cách nữa là trục toàn bộ mộ và giếng để đưa về bảo tàng. Trong tình huống xấu nhất, cách cuối cùng là các nhà khoa học phải lấp lại để dành đất cho chủ đầu tư tiếp tục thi công, chỉ lấy một số hiện vật về để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận