Trong thông báo ngày 23-1, Phòng thí nghiệm thiên văn học Mặt trời thuộc Viện Nghiên cứu vũ trụ của Viện hàn lâm Khoa học Nga nêu rõ một hiện tượng "rất hiếm, đẹp và thậm chí hơi kỳ lạ" đã xảy ra trên Mặt trời.
Ngay tại trung tâm của đĩa Mặt trời mà mắt thường có thể quan sát được, một cấu trúc mờ ảo có màu đen đặc trưng đã hình thành. Sau đó cấu trúc này bị đẩy một phần vào không gian và một phần tan biến trong vành nhật hoa, lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt trời.
Theo các nhà khoa học, màu đen thường do hydro trung tính tạo ra, vì nó có khả năng hấp thụ gần như hoàn toàn bức xạ có bước sóng ngắn từ phía sau. Họ giải thích vụ phun trào đã giải phóng và phân tán một khối vật chất lạnh giàu hydro trung tính khắp vành nhật hoa. Sau đó, khối này bị phá hủy hoàn toàn và biến mất.
Tuy nhiên, trong khoảng 3 giờ, đám mây plasma ở vành nhật hoa vẫn có thể quan sát được, di chuyển dọc theo các đường sức từ sau đó tan biến.
Mặt trời là ngôi sao trong trung tâm Thái dương hệ, nằm cách Trái đất 150 triệu km. Hơn 4,5 tỉ năm qua, quả cầu plasma rực rỡ này là nguồn cung cấp năng lượng, ánh sáng tự nhiên cho Trái đất.
Đường kính của Mặt trời là khoảng 1,39 triệu km, lớn gấp 109 lần so với Trái đất. Nhiệt độ tại lõi của nó là khoảng 15 triệu ° C (27 triệu ° F). Nhiệt độ tại bề mặt của Mặt trời là khoảng 5.500 ° C (10.000 ° F).
Vào ngày 24-12-2024, tàu thăm dò Mặt trời Parker của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã lập kỳ tích khi tiếp cận thành công Mặt trời ở khoảng cách gần nhất từ trước đến nay.
Theo NASA, con tàu này đã bay vào bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt trời, còn được gọi là vành nhật hoa, có thể nhìn thấy trong những lần nhật thực toàn phần.
Tại thời điểm gần Mặt trời nhất, tàu cách bề mặt Mặt trời chỉ 6,1 triệu km, với nhiệt độ thiêu đốt khoảng 982 độ C, và đã di chuyển với vận tốc khoảng 690.000 km/h, tốc độ nhanh nhất của các tàu vũ trụ từng được chế tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận