26/04/2011 01:03 GMT+7

Phạt các đại gia thông đồng tăng giá

TRẦN PHƯƠNG (Theo Independent, Reuters, Bloomberg, WSJ)
TRẦN PHƯƠNG (Theo Independent, Reuters, Bloomberg, WSJ)

TT - Liên minh châu Âu (EU) vừa phạt hai tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G)và Unilever tổng cộng hơn 312,5 triệu euro (450 triệu USD) vì đã thông đồng tăng giá các sản phẩm giặt tẩy được bán tại tám quốc gia EU.

1w8dsMHQ.jpgPhóng to

Phó chủ tịch phụ trách cạnh tranh của EC Joaquin Almunia trong buổi họp báo sau khi EC tuyên bố phạt Unilever và P&G ngày 13-4 - Ảnh: Reuters

P&G (trụ sở ở Mỹ), sở hữu các nhãn hiệu bột giặt Tide, Gain, Era, Ariel, sẽ chịu mức phạt tương đương 211,2 triệu euro (304 triệu USD); còn Unilever (Anh - Hà Lan), nhà sản xuất các thương hiệu như Omo, Radiant và Surf, gánh khoản phạt 104 triệu euro (khoảng 149,6 triệu USD). Mức phạt này dựa trên quy mô của các tập đoàn tại các quốc gia nơi vi phạm. Tập đoàn Henkel của Đức cũng có liên quan song được “chiếu cố” nhờ đã có công giúp cơ quan chức năng phanh phui vụ việc.

Khối lượng giảm nhưng giá không giảm

Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc thông đồng tăng giá bắt đầu từ đầu năm 2002 khi ba tập đoàn này cùng tham gia một sáng kiến nhằm giảm tác động lên môi trường của các sản phẩm giặt tẩy do Hiệp hội Quốc tế các sản phẩm xà phòng, giặt tẩy (AISE) dẫn đầu. Theo sáng kiến này, các doanh nghiệp sẽ hướng người tiêu dùng chuyển từ sản phẩm bột giặt có bao bì lớn sang các loại có bao bì gọn nhẹ hơn.

P&G và Unilever cùng tăng giá ở Trung Quốc

Với lý do tăng giá nguyên liệu sản xuất, P&G và Unilever vừa ra thông báo sẽ tăng giá các sản phẩm giặt tẩy tại thị trường Trung Quốc lên 15% từ tháng 4-2011. Thông tin này khiến người tiêu dùng đổ xô đi mua gom hàng và các đài truyền hình địa phương phát đi hình ảnh những quầy hàng trống trơn tại các cửa hàng ở nhiều thành phố. Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là những người nghèo, rất nhạy cảm với giá cả hàng hóa trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Thế nhưng P&G, Henkel và Unilever đã “tranh thủ cơ hội” để cùng thỏa thuận thao túng giá cả đối với mặt hàng giặt tẩy. Ba tập đoàn này cùng nhau áp giá các mặt hàng tại tám nước bao gồm Bỉ, Pháp, Đức, Hi Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan trong giai đoạn tháng 1-2002 đến 3-2005. Trong tuyên bố gần đây, Henkel một mực cho rằng họ phát hiện thỏa thuận trên trong một cuộc kiểm toán năm 2008 và đã “cho điều tra nội bộ và nhanh chóng thông báo cho chính quyền”.

EU mở cuộc điều tra vào tháng 6-2008. “Họ muốn đảm bảo rằng không ai có thể lợi dụng sáng kiến này để giành lợi thế cạnh tranh lẫn nhau, vì thế họ đi đến thống nhất bảo vệ thị phần của mình - ông Joaquin Almunia, phó chủ tịch EC phụ trách chính sách cạnh tranh, nói - Họ nhất trí với nhau rằng dù kích thước đóng gói có giảm song giá sản phẩm sẽ không giảm, thậm chí họ còn đồng tình cùng tăng giá”.

Mức phạt hơn 450 triệu USD thật ra đã được giảm nhiều nhờ sự hợp tác của các tập đoàn trong quá trình điều tra: P&G được giảm 50%, Unilever được giảm 25%. Ngoài ra, cả hai còn được giảm thêm 10% vì đã chấp nhận chi tiền để dàn xếp vụ việc.

5 năm phạt hơn 12 tỉ euro

Ông Almunia cảnh báo EC sẽ không bỏ qua bất cứ vụ thông đồng nào nhằm “thu giá cao hơn từ người tiêu dùng so với việc cạnh tranh công bằng và đúng luật”. Bằng chứng là trong giai đoạn năm năm từ 2006-2010, cơ quan này đã phạt hơn 12 tỉ euro đối với các sai phạm tương tự.

Năm 2009, EC cũng phạt hai trong số những công ty cung cấp khí đốt lớn nhất tại EU là E.ON (Anh) và GDF Suez (Pháp) 553 triệu euro mỗi công ty do đã thông đồng chia sẻ thị trường tại Pháp và Đức. Đây là một trong những trường hợp xử phạt vi phạm chống độc quyền đầu tiên của EC đối với ngành công nghiệp năng lượng.

Năm 2008, EC đã phạt Công ty sản xuất kính xe hơi Saint Gobain của Pháp cùng các công ty Asahi, Pilkington và Soliver số tiền lên đến 1,4 tỉ euro với cáo buộc các công ty này đã chia sẻ thị trường bất hợp pháp, trao đổi các thông tin nhạy cảm liên quan đến việc phân phối xe..., trong đó riêng Saint Gobain là 869 triệu euro. Saint Gobain, Asahi, Pilkington là ba công ty cung cấp kính xe hơi hàng đầu tại EU.

Trước đó năm 2007, một nhóm tập đoàn liên quan đến vụ thao túng thị trường lắp đặt, bảo dưỡng thang máy ở Bỉ, Đức, Luxembourg và Hà Lan bị phạt tổng cộng 992 triệu USD, trong đó gần một nửa là dành cho Tập đoàn ThyssenKrupp của Đức. Hãng Siemens của Đức bị phạt đến 396 triệu USD vì tham gia một thỏa thuận cố định giá các sản phẩm trên thị trường điện tử cùng 10 công ty khác. Trong tuyên bố phạt, EC nêu rõ các thành viên của thỏa thuận này đã áp dụng “nhiều biện pháp tinh vi để giữ bí mật liên lạc”, như đặt biệt danh cho các công ty và cá nhân.

TRẦN PHƯƠNG (Theo Independent, Reuters, Bloomberg, WSJ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên