07/07/2013 07:30 GMT+7

Pháp luật không can thiệp, tôi biết sống làm sao?

TÂM LỤA (ghi theo lời kể của ông Phạm Bá Hanh và bà Trần Thị Vui)
TÂM LỤA (ghi theo lời kể của ông Phạm Bá Hanh và bà Trần Thị Vui)

TT - 90 tuổi, độ tuổi gần đất xa trời mà vẫn bị con đánh và vẫn phải nhìn cảnh vợ mình bị con chồng hành hạ đến nỗi người vợ phải bỏ nhà đi. Vậy mà không cơ quan chức năng nào giải quyết.

Đó là câu chuyện đau lòng của ông Phạm Bá Hanh (xóm 3, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

RUaWbmdC.jpgPhóng to
Bà Vui và ông Hanh chỉ vết sẹo trên tay trái do con đánh - Ảnh: T.L

Ông Phạm Bá Hanh:

Bà Vui đã phải bỏ nhà đi

Ngày 2-7, khi chúng tôi hoàn thành bài viết này thì bà Vui gọi điện cho biết bà đã phải bỏ nhà lên Hà Nội phụ quán cơm gần bến xe Giáp Bát. Bà nói trong nước mắt: “Tối 5-5 âm lịch (ngày 12-6), tôi làm thịt con ngan cúng thì nó qua đổ hết xuống ao rồi lấy gạch đá ném vào đầu làm tôi phải nhảy xuống ao trốn. Ngay hôm đó tôi gọi công an xã, công an huyện đến nhưng cũng chỉ lập biên bản rồi về mà chẳng xử lý gì. Tôi bỏ nhà lên Hà Nội từ hôm đó. Ông điện lên gọi về tôi cũng không dám về. Ở trên này ngày đêm tôi rơi nước mắt. Vợ chồng tôi bị đánh như vậy mà sao không ai can thiệp, tôi biết sống làm sao?”.

Tôi năm nay đã 90 tuổi rồi. Cuối năm ngoái tôi bị ốm một trận thập tử nhất sinh, tưởng không qua khỏi. Nhiều khi tôi nghĩ mình chết đi có khi lại khỏe hơn phải sống vì cứ bị con đánh và phải chứng kiến cảnh con đánh vợ mình mà không làm được gì.

Tôi có tám con với người vợ đầu. Cách đây 25 năm, bà ấy qua đời. Con gái đầu của tôi thấy bố cô đơn nên giới thiệu bạn nó là bà Trần Thị Vui về bầu bạn với bố. Tôi và bà Vui nên duyên vợ chồng. Các con tôi không thích bà Vui nên thường sinh chuyện. Nhất là đứa con thứ bảy Phạm Văn Đồng (49 tuổi), nó đánh đập cả tôi và vợ tôi.

Thằng Đồng thường say rượu, nhưng kể cả khi không có rượu nó cũng đánh đập tôi dù không có lý do gì cả. Nhà Đồng sát bên cạnh nhà tôi. Mấy năm trước, ban đêm tôi đang ngủ, nó chạy qua nhà đánh tôi làm tôi không trở tay kịp. Có khi nó đánh tôi giữa đường, lấy dao chém tôi, bây giờ vẫn còn thẹo. Tôi không nhớ thằng Đồng đã đánh chửi tôi bao nhiêu lần. Từ cuối năm ngoái, tôi ốm một trận nặng phải đi bệnh viện, tưởng không qua khỏi nên nó không dám đánh tôi nữa mà đánh vợ tôi ngày càng nhiều hơn.

Gần đây nhất là ngày 27-4 và 7-5, Đồng đánh bà ấy đến ba lần. Lần đầu, nó qua nhà đấm vào tai làm bà chảy máu tai và sưng hết cả mặt. Lần thứ hai nó mang dao qua chém bà ấy, may mà chém bằng sống dao nên bà không bị thương nặng. Lần thứ ba khi tôi và bà đang ở trong nhà thì nó chạy qua đánh vào đầu bà, sau đó lôi bà ra ngõ đánh. Tôi đi theo ra đến ngõ thì đã thấy mặt bà sưng vù, hộc máu miệng, máu tai, phải gọi đứa cháu nội xuống chở bà đi bệnh viện.

Trước đây khi bị con đánh tôi đã báo công an xã nhưng họ không giải quyết. Cả họ tôi kéo lên công an xã nhưng cũng không được gì. Gia đình tôi đã họp nhiều lần rồi, có mời trưởng họ, mời anh em đến dự. Mỗi lần họp thằng Đồng đều ngồi im rồi hôm sau nó lại đánh vợ tôi tiếp. Hội phụ nữ, cán bộ xóm đến nhà không biết bao nhiêu lần nhưng cũng không xử lý được nó. Nhiều lần bị đánh đau quá bà đòi ôm quần áo đi, tôi phải van xin bà ấy mới thương tôi mà ở lại. Tôi buồn lắm! Con cái tôi đã lo cưới vợ, lo nhà cửa cho ở riêng cả. Người ta nói con chăm cha không bằng bà chăm ông. Giờ chỉ còn hai ông bà già thui thủi với nhau sống qua ngày mà con cũng không để yên.

Bà Trần Thị Vui:

Cả một đời làm được gian nhà xong (cuối năm 2011) tôi và ông phấn khởi quá. Nhưng từ khi xây xong thì nó đánh tôi nhiều hơn. Nó sợ ông ốm yếu, đi ngày nào không biết, rồi tôi chiếm đất. Hôm bị thằng Đồng đánh, tôi để cả mặt đầy máu chạy lên gặp công an xã thì họ nói tôi phải đi chữa vết thương trước rồi về viết đơn công an mới giải quyết. Tôi nằm viện cả tuần, về nhờ cháu nội của ông đưa đơn lên công an xã và công an huyện nhưng chờ mãi không có kết quả. Khổ quá, tôi già rồi, chữ thì không biết nên phải nhờ cháu nội của ông ấy làm đơn. Nhiều lần bị đánh đau quá tôi tính bỏ đi nhưng ông khóc lóc bảo tôi có tội tình gì mà bà bỏ tôi đi. Thế là thương ông quá mà ở lại. Chúng tôi già rồi, chỉ biết trông vào pháp luật, nhưng pháp luật không can thiệp thì tôi không biết phải nhờ ai?

Xã chờ huyện, huyện chuyển xã

Sau khi nhận được đơn cầu cứu của bà Trần Thị Vui, ngày 17-5 ông Đinh Văn Thiện (chánh văn phòng Công an huyện Giao Thủy) đã ký công văn chuyển đơn về cho Công an xã Bình Hòa giải quyết, nếu có chuyện phức tạp thì báo cáo lại công an huyện. Chiều 21-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên của đội hình sự Công an huyện Giao Thủy cho biết: “Chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ. Việc này chưa thấy xã báo lên. Hướng giải quyết là sẽ chuyển đơn về cho công an xã giải quyết, có gì thì công an xã báo cáo lại”. Và cho đến nay khi bà Vui đã phải bỏ nhà ra đi, công an cũng chưa giải quyết.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hóa (trưởng Công an xã Bình Hòa) cho biết: “Ông Đồng giống như Chí Phèo của xã này. Có lần chúng tôi đi tuần, vào nhà ông Đồng thấy ông ngồi uống rượu từ 7g-21g30 mà bắt vợ phải ngồi bên cạnh phục vụ, nếu vợ đứng dậy ông ấy úp cả mâm lên đầu. Về đơn tố cáo của bà Vui, chúng tôi cũng muốn giải quyết nhưng không giải quyết được. Chúng tôi đã ba lần triệu tập ông Đồng lên lấy lời khai nhưng lần nào ông cũng say rượu, ngồi ở đồn năm phút đã phả ra hơi rượu nên chúng tôi phải đuổi về. Chúng tôi đã bảo với vợ con ông Đồng là hôm nào lên lấy lời khai thì không cho ông uống rượu nhưng không được. Chúng tôi không lấy được lời khai nên không giải quyết được. Công an xã lại không có nhà tạm giữ để giam ông Đồng. Bây giờ chỉ chờ bà Vui gửi đơn lên huyện rồi chúng tôi chờ huyện chỉ đạo”.

“Có đánh nhau chết cũng không ai đến”

Ông Phạm Văn Đồng nói: “Tôi không đánh bố tôi. Bố tôi cưới bà ấy về nhưng bà ấy láo quá. Bà ấy là người không ra gì. Bà ấy còn láo thì tôi đánh cho gãy răng, đánh chết thì thôi”.

Anh Phạm Văn Tưởng (32 tuổi, cháu nội của ông Hanh) nói: “Hôm trước nghe tin bà bị đánh, tôi chạy xuống thì thấy bà máu me đầy mặt, mặt sưng vù, răng sắp rơi ra, đau quá không nói được tiếng nào. Tôi chở bà trong tình trạng như vậy lên công an xã nhưng công an xã bảo phải có đơn mới giải quyết”.

Ông Trần Thế Toa (xóm trưởng xóm 3, xã Bình Hòa) cho biết: “Tôi làm công tác xóm từ năm 1984 đến giờ nên việc nhà ông Hanh tôi biết rất rõ. Đồng đánh bố ác lắm! Khi thì đánh, khi thì gõ cửa sổ ầm ầm làm bố không ngủ được. Có khi chúng tôi đến, ông Đồng bỏ trốn không dám gặp, có khi lại tuột quần thách thức và chửi cả chính quyền. Ngoài ra, ông Đồng còn đánh vợ như cơm bữa. Chúng tôi làm ở xóm nên chỉ có trách nhiệm hòa giải chứ không có biện pháp nào hơn được. Giờ nhà ông Hanh có đánh nhau đến chết thì cũng không ai đến vì đến nhiều quá rồi, không giải quyết được”.

TÂM LỤA (ghi theo lời kể của ông Phạm Bá Hanh và bà Trần Thị Vui)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên