Các tuyển thủ Bỉ luyện tập chuẩn bị vòng chung kết Euro 2016 - Ảnh: Reuters |
Ông Vũ Công Lập nói: “Tuy thật khó đánh giá đội nào là mạnh nhất nhưng tôi cho rằng Pháp, Đức, Bỉ và Anh là 4 ứng cử viên hàng đầu. Đầu tiên phải nói đến Pháp. Dù không phải sân nhà lúc nào cũng là lợi thế nhưng với riêng Pháp, họ thường rất mạnh và có nhiều may mắn trên sân nhà. Chẳng hạn như ở World Cup 1998 và Euro 1984, Pháp đều đăng quang khi được chơi trên sân nhà. Lợi thế sân nhà của Pháp thật sự khó giải thích. So với Đức, Anh hay Ý, CĐV Pháp thật sự không cuồng nhiệt bằng nhưng có lẽ chính cảm giác yên bình trên khán đài lại giúp các cầu thủ Pháp tự tin hơn”.
* Nhưng việc mất tiền đạo số một Karim Benzema liệu có khiến Pháp gặp khó khăn?
- Với bóng đá châu Âu bây giờ, có lẽ không đội bóng nào lại chịu ảnh hưởng quá nhiều từ cầu thủ duy nhất. Chẳng hạn, tuyển Đức vắng Marco Reus nhưng vẫn vô địch World Cup 2014. Thiếu Benzema là một tổn thất với hàng công của tuyển Pháp, nhưng tôi nghĩ Pháp bây giờ tương đối giống với tuyển Pháp của Euro 1984. Năm đó, Pháp sở hữu một hàng tiền vệ mạnh đến mức gần như không cần tiền đạo. Đội Pháp hiện tại không có được hàng tiền vệ như vậy nhưng đồng đều hơn ở các tuyến với những cầu thủ hay như Paul Pogba, Anthony Griezmann, Anthony Martial...
Nhà báo Vũ Công Lập - Ảnh: H.Đ. |
* Đức không có được phong độ tốt trước giải, ông vẫn nghĩ họ là ứng viên vô địch hàng đầu?
- Kể từ sau World Cup 2014, tuyển Đức thi đấu rất thiếu thuyết phục. Đức bây giờ dường như đang bối rối trong việc chọn lối chơi. Việc thiếu vắng một trung phong cắm sau khi Miroslav Klose giã từ đội tuyển cũng khiến họ gặp khó. Ở Euro lần này, HLV Joachim Low lại muốn trẻ hóa đội ngũ khi triệu tập đến 7 cầu thủ từ 23 tuổi trở xuống. Nhưng đó cũng là điểm đặc biệt của bóng đá Đức. Ông Low vẫn đặt mục tiêu xây dựng cho tương lai dù sẽ không còn gắn bó lâu nữa với tuyển Đức. Bóng đá Đức không phụ thuộc vào cá nhân một HLV nào, họ luôn trong một quá trình xây dựng lâu dài. Chức vô địch World Cup 2014 cũng chỉ nằm trong quá trình đó. Tuyển Đức vì vậy luôn là một đối thủ mà mọi đội bóng phải nể trọng.
* Vì sao ông đặt niềm tin vào Anh và Bỉ, những đội bóng đã rất lâu không giành được vinh quang nào?
- Tôi cho rằng tuyển Anh lần này sẽ là một tuyển Anh khác hẳn so với nhiều năm qua, khi họ không còn những cá nhân siêu sao trong đội hình. Trong 23 cầu thủ dự Euro lần này dưới tay HLV Roy Hodgson, chỉ có mình Wayne Rooney được gọi là siêu sao, trong khi lại có rất nhiều cầu thủ trẻ. Nhưng điều đó sẽ tạo ra một tập thể tuyển Anh giàu khát khao cống hiến cho đội tuyển hơn và cũng gắn kết hơn.
Trước đây, Anh luôn tràn ngập siêu sao ở mỗi vị trí, nhưng năm này qua tháng nọ chỉ biết tranh cãi xem liệu Lampard và Gerrard có thể đá cạnh nhau không. Tôi thường đùa rằng Anh có những cầu thủ đạt điểm 10 ở mỗi vị trí, nhưng khi kết hợp lại thành một đội thì chỉ được điểm 6. Đó là điều trái ngược với tuyển Đức. Còn bây giờ, đội bóng của HLV Hodgson mang hình ảnh giống như đội tuyển Đức của World Cup 2006 thời dưới tay ông Jurgen Klinsmann, đó là một đội bóng trẻ trung, tràn đầy khí thế tươi mới. Đội tuyển Anh đã thể hiện sức mạnh đáng nể qua chuỗi 10 trận toàn thắng ở vòng loại.
Còn tuyển Bỉ, họ đang có một thế hệ cầu thủ có lẽ là xuất sắc nhất trong lịch sử, mạnh đều trên tất cả các tuyến. De Bruyne, Eden Hazard, Romelu Lukaku đến Divock Origi đều là những cầu thủ đáng xem. Bản thân HLV Marc Wilmots từng thi đấu lẫn hành nghề HLV nhiều năm tại Bundesliga, thừa hưởng được phong cách mạnh mẽ, dữ dội từ người Đức. So với World Cup 2014, Bỉ lúc này cũng nhiều kinh nghiệm hơn.
* Ông đánh giá như thế nào về Tây Ban Nha và Ý cùng các đội bóng lần đầu dự giải như Albania, Iceland...?
- Tôi không nghĩ Tây Ban Nha còn là một đội bóng mạnh vào lúc này. Còn tuyển Ý, mọi người thường đùa rằng trước giải họ phải có một bê bối nào đó, như ở năm 2006 và 2012 (bị phanh phui chuyện dàn xếp tỉ số) mới có thể chơi hay được. Luôn rất khó đánh giá về Ý và nếu Ý bị loại sớm, Đức có lẽ là người vui mừng nhất.
Kỳ Euro năm nay là một kỳ Euro đặc biệt khi mở rộng lên 24 đội và có rất nhiều đội lần đầu tham dự giải. Có lẽ sẽ có một số trận đấu không thật hay khi lực lượng hai đội quá chênh lệch. Nhưng hãy nhớ về hành trình đăng quang World Cup 2014 của Đức. Trận đấu khó khăn nhất với họ lại là trận gặp Algeria, một đội bóng thua sút hoàn toàn. Vì vậy lời khuyên với người hâm mộ là đừng nên bỏ lỡ một trận đấu nào cả. Có thể những trận đấu bị đánh giá là chênh lệch nhất lại trở thành đáng xem nhất. Chiến tích bất ngờ của Leicester mùa giải vừa rồi sẽ càng kích thích những đội bóng yếu hơn.
* Cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận