Phóng to |
Ông Hòa giới thiệu chiếc áo phao cứu sinh mới. Ảnh: Khoa học & Đời sống |
Trải qua đủ thứ nghề, từ hợp tác lao động tại Hàn Quốc, chủ nhà máy xay xát lúa đến kinh doanh trò chơi điện tử, hiện ông Hòa đã tạm dừng mọi việc làm ăn và dồn hết số vốn còn lại để thực hiện các ý tưởng của mình. Những sáng tạo của ông đều rất gần gũi và hữu ích cho người dân.
Phao cứu sinh hữu dụng
Qua tìm hiểu, ông Hòa biết áo phao cứu sinh mà người đi biển đang dùng phổ biến có nhiều nhược điểm: phần miệng, mũi của người mang phao rất gần với mặt nước dù ở tư thế nằm ngang hoặc thẳng đứng khiến họ khó thở khi sóng to, gió lớn đập vào liên tục. Mặt khác, khi bị sóng vùi, cơ chế tự nổi của áo phao hiện nay không hỗ trợ tốt cho người sử dụng. Họ vẫn phải vận động liên tục để ngoi đầu lên hít thở nên rất dễ đuối sức khi gặp bão lớn.
Ông Hòa nảy ra ý tưởng: Thiết kế loại áo phao cứu sinh mới khắc phục những nhược điểm trên. Áo có bề mặt hình bầu dục, kích thước phù hợp cho người đưa thân vào, hai bên nách rộng khoảng 10-12 cm, phía trước mặt và sau lưng khoảng 18 cm. Phao có hai dây đeo to bản, mềm, choàng kéo qua cổ người mang để khỏi tuột. Chất liệu làm phao là cao su xốp mềm, bao bên trong một lớp cao su đặc biệt và đàn hồi tốt.
Theo ông Hòa, lợi ích của loại áo kiểu mới này là nhanh chóng giúp nạn nhân ngóc đầu lên cao để thở. Trong lúc nổi lên mặt nước, người mang phao có thể dùng hai tay làm vòm che, hoặc mang thêm kính che tránh nước tạt vào mũi, miệng.
Cột buồm đối trọng giữ thăng bằng cho tàu khi gặp bão
Một ý tưởng khác nhằm hạn chế những rủi ro cho người đi biển đang được ông Hòa kêu gọi đầu tư để biến thành hiện thực là chống lật cho tàu đánh bắt bằng cột buồm đối trọng giữ thăng bằng.
Các tàu đánh bắt xa bờ đến ngư trường gặp thời tiết xấu thường tìm chỗ trú an toàn hoặc neo đậu lại chờ lúc bình yên thì đi tiếp. Khi đó, ngư dân trên tàu phải chịu sự chao lắc, rất khó nghỉ ngơi và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. "Thiết kế thêm cột buồm đối trọng để giữ thăng bằng cho tàu sẽ khắc phục được những điểm trên", ông Hòa giải thích.
Sau khi thực hiện mô hình thu nhỏ với hai chiếc tàu, một chiếc có gắn cột buồm đối trọng, một chiếc không, ông càng chứng minh được điều này.
"Trong thực tế, khi gặp giông bão, tàu bị chìm không phải do nước tràn vào mà vì bị sóng đánh lật úp. Thiết bị trên không những giảm chao lắc cho tàu mà còn ngăn chặn việc tàu bị đánh úp", ông khẳng định.
Phanh an toàn cho ôtô đi đường trơn ướt
Hiện nay, nhiều loại ôtô chưa có hệ thống phanh thích hợp dùng trong điều kiện đường ướt. Những khi trời mưa, tai nạn ôtô thường xảy ra do xe bị "rê" khi thắng gấp.
Để khắc phục điều này, ông Hòa đã tạo ra hệ thống phanh có bánh trước nhận tín hiệu chậm hơn bánh sau một khoảng thời gian nhất định, khoảng 0,4-0,5 giây, giúp ôtô giữ được thăng bằng khi phanh (hệ thống phanh hiện nay bánh trước và bánh sau gần như nhận tín hiệu phanh đồng thời). Ý tưởng này đã được phó giáo sư Nguyễn Lê Ninh, Hội ôtô và thiết bị động lực TP.HCM, đánh giá cao. Theo giáo sư, trong điều kiện đường giao thông nước ta thường thoát nước mưa chậm, ý tưởng này rất hay và cần được tính toán kỹ hơn các chỉ tiêu kỹ thuật để triển khai vào thực tế.
Đến nay, ông Hòa đã có gần 10 ý tưởng sáng tạo, hầu hết đã đăng ký tham gia Sàn giao dịch Ý tưởng Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của ông là gặp được các nhà đầu tư, nhà chuyên môn kỹ thuật để cùng triển khai, đưa các ý tưởng vào cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận