Nếu phân luồng để tận dụng mặt đường hiệu quả hơn thì chắc chắn sẽ được người dân ủng hộ, còn phân luồng một cách vội vã nhằm xử lý tình huống thì trước sau gì cũng dẫn tới bất cập và bị phê bình.
Thực tế hiện nay là ở TP. HCM khu vực nào cũng có một vài đường quá tải. Việc quá tải đã xảy ra trong một thời gian dài nên đã tạo cho người dân vùng đó ý thức "sinh tồn" tìm đường khác để đi trong những giờ cao điểm, kẹt xe. Việc tự điều chỉnh luồng tuy mang tính tự phát nhưng được những người am hiểu về hệ thống đường (những người hàng ngày vẫn đi lại trên con đường đó) thực hiện nên rất hiệu quả, vậy mà còn bị kẹt - thì việc phân luồng một cách cưỡng ép tất sẽ làm gia tăng thêm tình trạng kẹt xe mà thôi.
Ở các nước tiên tiến, có hệ thống đường sá phát triển người ta cũng phân luồng giao thông, tuy nhiên mục đích không phải chống kẹt xe. Họ phân luồng là để tăng tốc độ xe nhằm làm giảm thiểu thời gian lưu thông của xe dẫn đến giảm sự hiện diện của phương tiện giao thông trên đường. Còn ở ta phân luồng không phải là để tăng vận tốc xe, vì vậy càng phân luồng thì lượng phương tiện có mặt trên đường càng nhiều.
Nếu không phân luồng thì khi muốn đi từ A qua B người dân chỉ mất 10', nhưng do phân luồng phải đi vòng nên phải mất 15' điều này đã làm cho thời gian hiện diện trên đường của người dân tăng thêm 5'. Đó là lý do làm tăng mật độ giao thông và làm trầm trọng thêm việc tắc đường.
Do việc phân luồng khó mang lại hiệu quả, tôi đề nghị Sở GTCC nên tập trung vào việc tháo các nút cổ chai. Theo nguyên lý "tổng lưu lượng giao thông trên đường được quyết định bằng tổng lưu lượng giao thông qua khúc hẹp nhất", chúng ta phải tăng tổng lưu lượng bằng cách tăng tốc độ lưu thông qua các giao lộ và khúc đường hẹp.
Đơn cử đường Lê Trọng Tần, một con đường vừa được mở rộng khang trang rộng rãi lại không phát huy được hiệu quả do bị thắt chặt ở hai đầu: một đầu là Tân Kỳ Tân Quý, đầu kia là khúc đường cũ. Liên quan đến chuyện thắt nút cổ chai, tôi xin kể một chuyện đùa nhưng rất thật của một người bạn "Ở TP HCM hiện nay, khi đi làm thấy đường vắng là lo, vì sao ư? vì đường vắng có nghĩa là phía trước đang kẹt xe rất nặng, xe không qua được nên đường mới vắng"
Tôi muốn nêu lên một số thực tế và bức xúc
1. Con đường Nguyễn Kiệm là trục đường chính nay phân luồng thành một chiều, mọi ngã đường đi về Nguyễn Oanh và Quang Trung đều đổ dồn vào con đường Phạm Ngũ Lão, là một con đường vốn đã nhỏ nay càng nhỏ hơn với lượng xe đổ về nhiều. Việc ùn tắc không thể nào là không tránh khỏi.
Hẻm 790 ăn thông giữa hai con đường Nguyễn Kiệm - Phạm Ngũ Lão vốn yên tĩnh thế mà nay hỗn độn tiếng còi xe, tiếng la hét, tiếng động cơ xe. Từ đầu hẻm đến cuối hẻm kẹt cứng xe ô tô và xe máy di chuyển. Tôi không hiểu việc phân luồng này đúng hay sai lại làm tình trạng kẹt xe trên diện rộng ở nhiều con đường hơn.
2. Bình thường đường Hồ Văn Huê cũng thỉnh thoảng bị kẹt xe nay phân luồng tình trạng này xảy ra thường xuyên, ngày nào tôi đi làm buổi sáng cũng bị kẹt xe từ đầu đường đền cuối đường giao điểm ngã ba với đường Hoàng Văn Thụ.
3. Công trình đang thi công trên đường Hồ Văn Huề tiến hành đã lâu vậy mà với một đoạn đường dài khoảng gần hơn một cây số (ước chừng) vẫn chưa thực hiện xong. Vì sao làm một con đường mà khó và kéo dài đến vậy? Việc này đã làm cản trở việc lưu thông của người dân và dẫn đến tình trạng kẹt xe khi đi qua khúc đường này.
Tôi rất mong các cơ quan chính quyền có những biện pháp cụ thể và đúng đắn để gỡ rối tình trạng kẹt xe. Đừng đưa ra những biện pháp chỉ để "thử", không ai khác là những người dân ngày ngày lưu thông trên những tuyến đường này phải hứng chịu . Bên cạnh đó cũng cần có sự giám sát công trình ở đường Hồ Văn Huê và những công trình đang thi công ở những con đường khác trong TPHCM để thúc đẩy công trình tiến hành đúng thời gian hoạch định không làm hao tốn tiền bạc thời gian của Nhà Nước.
Cảnh kẹt xe trầm trọng ở giao lộ ngã tư Phú Nhuận từ 3 ngày qua (3/11 đến 5/11) sau khi thực hiện phân luồng xe chạy 1 chiều tại các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Đào Duy Anh, Hồ Văn Huê cho thấy bộ phận chịu trách nhiệm phân luồng xe để giải quyết ách tắc giao thông đã không hề nghiên cứu kỹ các tình huống và đưa ra giải pháp phân luồng không đúng.
Vậy phân luồng không đúng ở chỗ nào?
Những đường Hồ Văn Huê và Đào Duy Anh là những đường nhánh giúp giải tỏa bớt áp lực đổ về ngã tư Phú Nhuận thì nay do phân luồng đã tăng áp lực đổ dồn các phương tiện xe cộ về ngã tư.
Đơn cử hai ví dụ : một người ở đường Hồ Văn Huê đi ra khỏi nhà bằng bất kì phương tiện xe cộ nào để đến 1 điểm dịch vụ trên đường Hồ Văn Huê cách nhà chừng 50m, thì để trở về nhà người đó phải đánh một đường vòng qua ngã tư Phú Nhuận theo đường Nguyễn Kiệm vì không còn con đường nào khác gần hơn.
2. Cũng một người ở trên đường Hồ Văn Huê (đoạn từ ngã 3 Hồ Văn Huê -Đào Duy Anh) muốn đi siêu thị Co-op Mart Nguyễn Kiệm hoặc một điểm nào đó trên đường Nguyễn Kiệm (đoạn Hồ Văn Huê đến ngã 3 Chú Ía) phải đánh một vòng xe chạy qua ngã tư Phú Nhuận mới đến được điểm cần. Chứng tỏ gia tăng lưu lượng xe đổ về ngã tư Phú Nhuận nhiều lần thay vì giảm bớt áp lực như mục tiêu phân luồng ban đầu.
Về nguyên tắc trong phân luồng xe thì giữa các đường trục chính một chiều phải có các đường nhánh hai chiều để giải tỏa áp lực và cũng là phù hợp cho bài toán kinh tế khi chủ thể không có nhu cầu đi quá xa, khiến vừa mất thời gian, tốn nhiên liệu và gây quá tải giao thông ở những điểm đã thường xuyên bị quá tải như ngã tư Phú Nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận