18/12/2012 00:13 GMT+7

Phân luồng giao thông gây khó khăn cho người đi đường.

QUỐC DUY
QUỐC DUY

TT - “Trên quốc lộ 1 đoạn qua P.Bình An, thị xã Dĩ An (Bình Dương, gần ngã ba Tân Vạn), cơ quan chức năng đã thay đổi vị trí dải phân cách để phân luồng giao thông khiến mặt đường hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai bị thu hẹp lại nhưng không đặt biển báo gây khó khăn, nguy hiểm cho người đi đường, nhất là vào ban đêm” - một bạn đọc phản ảnh.

5zxGC9wP.jpgPhóng to
Đường từ TP.HCM đi Đồng Nai bị thắt cổ chai - Ảnh: Quốc DUy

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai cho biết công ty vừa phân luồng lại đoạn đường nói trên để di dời đường ống nước ra mặt đường và thi công cầu vượt Đồng Nai. Trong lúc phân luồng, công ty đảm bảo đủ ba làn xe và có đặt biển báo ở hai đầu. Hiện nay công ty tiếp tục phối hợp với CSGT để điều tiết giao thông qua khu vực này.

lbArW8Za.jpgPhóng to

Bảng giá ghi rõ thu 30.000 đồng/máy chụp hình, 60.000 đồng/máy quay phim - Ảnh: Q.D.

Chụp hình ở công viên Tao Đàn phải nộp 30.000 đồng.

Một bạn đọc phản ảnh: “Vừa qua, tôi đưa cháu đi công viên Tao Đàn (TP.HCM) chơi. Khi tôi chụp hình cho cháu ở tiểu cảnh trang trí phục vụ Noel và Tết dương lịch thì bị thu 30.000 đồng. Tôi không hiểu vì sao người dân chụp hình ở nơi công cộng lại bị thu phí cao như vậy?”.

Ông Nguyễn Trường Quang, đội trưởng đội nhiếp ảnh công viên Tao Đàn, cho biết công trình trang trí phục vụ Noel và Tết dương lịch do đội nhiếp ảnh bỏ tiền ra làm để kinh doanh chụp hình. Trong khi đó, hiện nay hầu như ai cũng có máy ảnh cá nhân nên khi mọi người chụp hình, đội phải thu tiền phụ thu để lấy lại chi phí đã bỏ ra.

dlHuB5Ot.jpgPhóng to
Vật liệu để xây chợ nổi Cà Mau phơi mưa nắng, ngâm nước nhiều năm nay - Ảnh: Tấn Thái

Dự án chợ nổi Cà Mau... “chìm”

Dự án chợ nổi Cà Mau ở P.7, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) triển khai gần năm năm qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Do dự án “chìm” lâu nên nguồn vốn phát sinh lên đến hàng chục tỉ đồng. Có mặt tại hiện trường dự án, chúng tôi thấy nhiều cống thoát nước tập kết ngổn ngang phía bờ sông và đoạn kè bằng cừ tràm hiện đã hư hỏng rất nhiều.

Ông Nguyễn Anh Thum - trưởng phòng bồi thường giải phóng mặt bằng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cà Mau - cho biết có 36 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chợ nổi Cà Mau. Đến nay có 29 hộ đã nhận tiền bồi thường. Các hộ không nhận tiền phần lớn khiếu nại về giá bồi thường và chính sách tái định cư. Ngoài ra còn có 17 hộ dân trước đây do sạt lở đã bỏ đi nơi khác, đến khi dự án triển khai thì quay lại đòi bồi thường. “Hiện hội đồng bồi thường đang xem xét các khiếu nại của dân để tiếp tục giải quyết” - ông Thum cho biết.

Theo ông Lưu Văn Quốc - trưởng Phòng quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh Cà Mau (chủ đầu tư), dự án chợ nổi Cà Mau có diện tích 4ha, tổng mức đầu tư trên 28 tỉ đồng. Năm 2008, khi đơn vị thi công làm bờ kè thì người dân ngăn cản và dự án này ngưng thi công đến nay. “Hiện đơn vị tư vấn đang điều chỉnh mức đầu tư, dù chưa có số liệu chính thức nhưng không dưới 40 tỉ đồng. Mới đây tỉnh đã chỉ đạo cuối năm nay phải bồi thường, giải tỏa xong để sang năm 2013 triển khai thi công lại” - ông Quốc nói.

gI7nShGz.jpgPhóng to
Bà Thùy Dung, ngụ 70D/5D Trần Quốc Tuấn, P.1, Q.Gò Vấp, phải chứa nước máy trong lu để dành nấu ăn - Ảnh: Đ.P.

* Hẻm nhỏ, không thể thi công lắp đặt ống nước. Các hộ dân sống trong hẻm trên đường Trần Quốc Tuấn, tổ 21, khu phố 4, P.1, Q.Gò Vấp (TP.HCM) phản ảnh nhiều năm nay khu vực này không có nước sạch, người dân phải đi xin từng thùng nước sạch về nấu ăn, còn mọi sinh hoạt phải dùng nước giếng.

Ông Phạm Long Châu, trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cho biết từ năm 2009 công ty đã khảo sát toàn bộ khu vực P.1, Q.Gò Vấp để lắp đặt mạng lưới nước sạch ở đây. Tuy nhiên, khu vực mà người dân phản ảnh hẻm quá nhỏ lại vướng hố ga choán gần hết hẻm nên công ty không thể thi công được. “Nếu chính quyền địa phương chịu thu hẹp hố ga, công ty sẽ đầu tư kinh phí lắp đặt đường ống nước tại hẻm nói trên để cấp nước sạch cho người dân”.

* Trên 100 cán bộ thú y chậm nhận thẻ BHYT. Nhiều cán bộ thú y đang công tác tại các xã thuộc tỉnh Sóc Trăng phản ảnh họ chậm nhận được thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Một cán bộ thú y xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết khoảng đầu tháng 5-2012 nhận được thông báo làm thẻ BHYT từ trạm thú y huyện, các cán bộ thú y xã đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, nhưng đến ngày 10-12 trạm thú y huyện mới phát thẻ BHYT cho cán bộ thú y các xã. Điều lạ lùng là thẻ BHYT ghi thời hạn sử dụng từ ngày 1-11-2012 đến ngày 31-12-2012, trong khi các cán bộ thú y ở xã bị trừ tiền BHYT vào lương từ tháng 5-2012.

Ông Quách Văn Tây, chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, cho biết thời gian triển khai làm thẻ BHYT cho cán bộ thú y các xã từ tháng 4 đến tháng 5-2012. Tuy nhiên do cán bộ thú y xã cung cấp thông tin sai, Bảo hiểm Xã hội Sóc Trăng yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần làm mất rất nhiều thời gian nên cán bộ thú y các xã chậm được nhận thẻ BHYT. Theo ông Tây, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 110 cán bộ thú y cấp xã.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thảo Nguyên - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Sóc Trăng, khẳng định: “Ngày 16-11-2012, chúng tôi mới nhận được hồ sơ của người tham gia BHYT từ Chi cục Thú y Sóc Trăng và giao thẻ BHYT ngày 30-11-2012 đúng thời gian theo quy định pháp luật. Việc chậm trễ như phản ảnh là do Chi cục Thú y Sóc Trăng chứ không phải lỗi của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

* Thu phí cầu tạm. Rất nhiều người dân ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) phản ảnh chính quyền địa phương cho tư nhân xây dựng cầu tạm bắc qua sông rồi thu phí trái quy định từ cuối tháng 11 đến nay. Theo đó, mỗi xe máy qua cầu tạm này để đi lại giữa các ấp phải nộp phí 2.000 đồng, xe máy chở người: 2.500 đồng/lượt, người đi bộ qua cầu 1.000 đồng/người. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe máy và người đi bộ qua cầu này. Chỉ riêng học sinh, công chức không phải trả phí qua cầu.

Cầu tạm này rộng khoảng 1m, dài khoảng 20m, kết cấu khung sắt, mặt cầu bằng gỗ. Cạnh cầu tạm là cầu Công Trường đang được xây dựng. Anh Nguyễn Minh Thuận ngụ tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè bức xúc: “Bước chân qua thu phí, quay về cũng thu phí. Ở đây là xứ vườn, người dân đem trái cây đi bán qua lại mỗi ngày gần 10 lần. Tính ra một tuần tốn cả trăm ngàn tiền qua cầu, gần bằng tiền mua xăng cho xe máy là quá vô lý”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, cho biết cầu Công Trường mới khởi công từ cuối tháng 11 và dự kiến hoàn thành sau 45 ngày. “Ấp Hòa, ấp Bình thuộc xã Hòa Hưng có khoảng 4.000 dân, nhu cầu đi lại rất lớn, vì thế UBND xã mới xây dựng cầu tạm. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí thực hiện nên xã mới cho đấu thầu và có quy định cụ thể mức phí qua cầu”.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND huyện Cái Bè cho biết việc xã tự ý cho thu phí qua cầu tạm là sai quy định. UBND huyện từng yêu cầu xã không được thu phí qua cầu của người dân. Huyện sẽ yêu cầu chấm dứt ngay việc làm trái pháp luật này.

QUỐC DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên