27/04/2015 00:10 GMT+7

​Phấn đấu có khoảng 160 cảng hàng hóa vào năm 2020

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải
Nguồn: Bộ Giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1385/QĐ-BGTVT phê duyệt đề án tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020.

Đề án nhằm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đảm bảo phù hợp với quy hoạch; huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển đồng bộ giữa luồng tuyến, cảng bến, số lượng và chủng loại phương tiện vận tải thủy theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Theo đề án, về phát triển vận tải sông pha biển (VR-SB): hiện tại có 284 phương tiện SB tham gia vận chuyển tuyến sông pha biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; phấn đấu năm 2020 có trên 1000 phương tiện SB tham gia hoạt động tuyến sông pha biển.

Đến năm 2020 tăng bình quân hàng năm từ 1% - 3% số lượng phương tiện vận tải thủy các loại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy nội địa tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam.

Đối với phát triển cảng hàng hóa, cảng hành khách, hiện có 123 cảng hoạt động với sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 35,4 triệu tấn; phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 160 cảng hàng hóa đưa vào khai thác, sản lượng hàng hóa đạt khoảng 92 triệu tấn.

QjgWfwbY.jpg

Hiện nay có 9 cảng hành khách đang hoạt động đạt 16 triệu lượt hành khách/năm; phấn đấu đến năm 2020 có trên 30 cảng đưa vào hoạt động, đạt trên 30 triệu lượt hành khách/năm.

Đồng thời, xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng Phù Đổng thành cảng đầu mối khai thác container vận tải bằng đường thủy nội địa trên tuyến Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội.

Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy gồm: tuyến vùng hồ Sơn La, tuyến Vũng Tàu-Thị Vải-Sài Gòn-Mỹ Tho-Cần Thơ, tuyến sông Đồng Nai, tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn II, sông Hàm Luông, sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc.

Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án đã đề ra nhiều giải pháp như: đổi mới thể chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với người kinh doanh vận tải đầu tư đóng mới tàu đẩy, kéo có trọng tải 600 tấn và công suất 135 sức ngựa trở lên; phương tiện tự hành có trọng tải 200 tấn và công suất 135 sức ngựa trở lên, tàu tự hành chở container từ 16 TEU trở lên tham gia vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa; hỗ trợ 30% lãi suất ngân hàng trong đầu tư mua phương tiện chở khách hiện đại tốc độ cao đưa vào hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.

Đồng thời, thí điểm triển khai xã hội hóa cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn II, sông Hàm Luông, sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc trong năm 2016 theo hình thức PPP.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm tra, giám sát: hoạt động vận tải hành khách, hoạt động khai thác cát sỏi, an toàn vận tải thủy, công tác đào tạo, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa…

Nguồn: Bộ Giao thông vận tải
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên