19/11/2007 04:36 GMT+7

Phân biệt tả và rối loạn tiêu hóa

Đ.NAM thực hiện
Đ.NAM thực hiện

TT - Ở vùng lũ lụt rất dễ mắc bệnh tả hay nhẹ hơn là rối loạn tiêu hóa. Làm thế nào để phân biệt dịch tả với rối loạn tiêu hóa thông thường? Ông TRẦN VĂN NHẬT - phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết:

fNedCQ6f.jpgPhóng to
Bác sĩ khám bệnh cho bà con vùng lũ Quảng Nam - Ảnh: v.hùng
Phân biệt tả và rối loạn tiêu hóa
Nghe đọc nội dung toàn bài:

- Khi người bệnh mắc bệnh dịch tả do nhiễm vi khuẩn tả từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh thì bệnh sẽ diễn tiến cấp tính. Bệnh sẽ ủ và bùng phát trong vài giờ hoặc trong vài ngày tùy thể trạng mỗi người.

Những biểu hiện của người bị bệnh tả sẽ là: bụng đau quặn thắt, đi cầu xối xả, liên tục 10-15 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Đặc biệt phân rất tanh có màu trắng đục như nước vo gạo, phân thải ra không kèm máu và chất nhầy, miệng nôn thốc. Sau khi đi vệ sinh nhiều lần, người bị bệnh tả sẽ bị mất nước, có dấu hiệu trụy mạch và sẽ tử vong ngay sau đó nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời. Nếu không tử vong, người bệnh sẽ có biến chứng là suy thận.

* Vậy còn bệnh tiêu chảy thông thường (hay còn gọi là rối loạn tiêu hóa) biểu hiện như thế nào?

- Sống trong tình cảnh ngập lụt nên cả nguồn nước lẫn thức ăn sẽ không đảm bảo, vì vậy người dân rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa. Căn bệnh này thường xảy ra với những người có tiền sử bị bệnh viêm dạ dày, ruột. Sau khi ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh, bụng sẽ đau quặn, đi cầu lỏng nhưng không phải đi xối xả, đi nhiều lần như dịch tả. Đặc biệt phân sẽ có mùi hôi và kèm theo máu và chất nhầy.

Nếu thức ăn hay nước uống bị nhiễm các loại vi sinh vật như thương hàn, lỵ trực khuẩn, lỵ amíp thì người bệnh sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, bụng, đi cầu phân có máu, chất nhầy. Trong trường hợp này khả năng tử vong thấp nhưng sẽ có những biến chứng khác như viêm đường ruột, thậm chí sẽ bị thủng ruột.

* Trong trường hợp người dân vùng lũ mắc các bệnh trên thì phải làm thế nào?

- Trong hoàn cảnh hiện nay, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là phải ăn chín, uống sôi. Nếu thấy người thân có những biểu hiện của các bệnh như trên phải nhanh chóng đưa họ đến trung tâm y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do hiện dịch tả đang kháng với phác đồ điều trị (kháng thuốc), nên nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời kể cả từ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong là rất cao. Hiện các trung tâm y tế xã, phường đều được cấp phát hơn hai cơ số thuốc (mỗi cơ số thuốc có thể điều trị 10-15 người). Quan trọng là sau khi phát hiện phải đưa đi cấp cứu kịp thời.

Đ.NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên