Cả hai bệnh này đều có triệu chứng khi khởi bệnh là có sốt và nổi ban dạng nốt phỏng nước. Bệnh thủy đậu và tay-chân-miệng đều có thể lây truyền nếu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc người lành mang mầm bệnh.
Tuy nhiên cần phân biệt rõ 2 bệnh này như sau:
- Về thời gian mắc bệnh: Bệnh thủy đậu có số ca bệnh tăng cao vào mùa đông xuân hàng năm và kéo dài cho tới hết mùa xuân. Bệnh tay-chân-miệng có hai đỉnh dịch trong năm là tháng 3-5 và tháng 9-11.
- Về lứa tuổi mắc bệnh: Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em từ 1-14 tuổi (90%), trong đó hay gặp nhất ở trẻ từ 2-8 tuổi. Bệnh tay-chân-miệng chủ yếu gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi.
- Về đường lây truyền:
+ Bệnh thủy đậu lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp, qua đường không khí từ các giọt nhỏ đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc chất dịch của nốt phỏng.
+ Bệnh tay-chân-miệng do các vi rút đường ruột gây ra, lây truyền qua đường phân miệng hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, đường hô hấp, từ các nốt phỏng, nước bọt. Hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà.
- Về nốt ban dạng phỏng nước:
+ Bệnh thủy đậu ban mọc nhiều giai đoạn, có thể ban đỏ, nốt sần, phỏng nước trong, phỏng nước đục, nốt có vảy mọc xen kẽ nhau. Ban mọc khởi điểm ở thân (thường là lưng), sau đó lan toàn thân, đầu mặt và tay chân. Nốt phỏng nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu.
+ Nốt phỏng nước trong bệnh tay-chân-miệng không ngứa không đau. Ban đỏ, có mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc.
Cả hai bệnh thủy đậu và tay-chân-miệng khi khỏi ban đều không để lại sẹo, chỉ xuất hiện sẹo trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn khác.
- Phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng và thủy đậu
+ Cần hạn chế đi đến nơi đông người trong thời điểm dịch bệnh tăng cao, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, nếu cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân. Vệ sinh nhà ở thông thoáng, sạch sẽ. Vệ sinh cá nhân thường xuyên và nâng cao ý thức rửa tay bằng xà phòng cho mọi người và cho trẻ. Vệ sinh đồ chơi của trẻ.
+ Để phòng bệnh tay-chân-miệng, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã; sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
+ Khi phát hiện trẻ bị bệnh tay-chân-miệng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Trong một lớp học, nếu phát hiện có từ 2 trẻ mắc bệnh trở lên, cần cho lớp nghỉ học 10 ngày, thông báo cho phụ huynh và cán bộ y tế, đồng thời thực hiện các biện pháp khử khuẩn phòng học, nền nhà, đồ dùng.
+ Để phòng bệnh thủy đậu cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ. Nếu trẻ bị thủy đậu cần cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn để tránh lây lan sang trẻ khác. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra bội nhiễm, biến chứng. Lưu ý giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận