04/10/2003 08:32 GMT+7

Phạm Sỹ Chiến thừa nhận sai nhưng do nhận thức

THỦY CÚC
THỦY CÚC

TT(TP.HCM) - Tòa đã dành trọn buổi sáng 3-10-2003 để xem xét kháng cáo của Phạm Sỹ Chiến, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), đã bị tòa sơ thẩm tuyên mức án 6 năm tù về tội nhận hối lộ. Tuy Phạm Sỹ Chiến luôn kêu oan, nhưng qua xét hỏi đã cho thấy những hành vi can thiệp của Chiến nhằm mục đích hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo Năm Cam.

OToIlE81.jpgPhóng to

Trần Văn Thuyết (trái) và Dương Ngọc Hiệp tỏ vẻ không đồng ý với lời khai của Phạm Sỹ Chiến

TT(TP.HCM) - Tòa đã dành trọn buổi sáng 3-10-2003 để xem xét kháng cáo của Phạm Sỹ Chiến, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), đã bị tòa sơ thẩm tuyên mức án 6 năm tù về tội nhận hối lộ. Tuy Phạm Sỹ Chiến luôn kêu oan, nhưng qua xét hỏi đã cho thấy những hành vi can thiệp của Chiến nhằm mục đích hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo Năm Cam.

Nhận thức có khoảng cách?

Phạm Sỹ Chiến chính là người mà theo án sơ thẩm, được Trần Mai Hạnh gửi liên tiếp các công văn thúc đẩy, và sau đó đã ký công văn số 1333 kiến nghị Bộ Nội vụ (BNV, nay là Bộ Công an) hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo Trương Văn Cam. Kiến nghị này nêu các lý do: việc tập trung cải tạo Năm Cam không đúng thủ tục vì không thông qua hội đồng tư vấn, Năm Cam không phải đối tượng lưu manh chuyên nghiệp...

jn7h1D34.jpg

Vào đầu phiên tòa, lúc điểm danh, thư ký cho biết ông Triệu Quốc Kế vắng mặt có đơn xin phép, nhưng đến cuối giờ, khi tòa gọi thì ông đã có mặt.

Thời điểm năm 1995-1996, ông Kế là cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra. Ông khai quen Trần Văn Thuyết trên dưới 10 năm, nhưng cũng như những mối quan hệ bình thường khác, chưa bao giờ Trần Văn Thuyết nhờ việc gì, kể cả nói về Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp. Tòa hỏi về việc Thuyết khai đưa ông 5.000 USD chia hai đợt: chúc tết đưa 2.000 USD, đi ăn cơm đưa 3.000 USD.

Ông Kế nói “không”, chưa bao giờ ông đi ăn cơm với Thuyết, cũng như không có việc Thuyết đưa tiền. Tòa cho gọi Trần Văn Thuyết, Thuyết nói ông Kế khai “có phần đúng, có phần không đúng”.

Theo Thuyết thì Thuyết chưa nhờ ông Kế việc gì, nhưng có việc đưa tiền, có ăn cơm với ông và có đến chúc tết ông kèm quà. Thuyết cũng nói bị cáo không có cơ sở nào để chứng minh mình có đưa tiền, việc đi thăm tặng quà là xuất phát từ tình cảm vào những dịp lễ tết, nên có thể ông Kế không nhớ.

Thẩm phán Huỳnh Lập Thành hỏi Phạm Sỹ Chiến có nhớ Cơ quan cảnh sát điều tra BNV có một công văn phúc đáp không? Phạm Sỹ Chiến đáp nhớ, công văn đó khẳng định việc tập trung cải tạo Năm Cam là có căn cứ, ngược lại với nhận định của VKSNDTC.

Thẩm phán Thành lại hỏi: “Còn một điểm cực kỳ quan trọng mà bị cáo không nhớ, đó là một báo cáo của quân báo gửi Thủ tướng Chính phủ mà trong đó nói lý do đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo không thông qua hội đồng tư vấn là vì Năm Cam có móc nối với một số cán bộ công an quan trọng, cầm đầu các băng đảng…”. Phạm Sỹ Chiến trả lời rằng ở thời điểm đó bị cáo hoàn toàn không biết. Thế nhưng thẩm phán Thành dẫn hồ sơ cho thấy chỉ 24 ngày sau BNV đã có phúc đáp cho Phạm Sỹ Chiến.

Thẩm phán Thành cũng công bố nhiều văn bản của cơ quan điều tra, trong đó phản đối rất mạnh ý kiến của VKSNDTC, nhấn mạnh lại Năm Cam là đối tượng rất nguy hiểm, có quan hệ rộng với nhiều cán bộ có chức quyền, sẽ sẵn sàng bỏ trốn nếu biết bị bắt… Phạm Sỹ Chiến cho là do “nhận thức pháp luật của bị cáo có khoảng cách chứ không có ý gì”.

Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa, chủ tọa phiên tòa, nói báo cáo của UBND TP.HCM thể hiện rất rõ, xác định băng đảng Năm Cam lôi kéo cán bộ, đe dọa nhân dân, không ai dám tố giác; còn về tổ chức đánh bạc, Năm Cam thuộc loại chuyên nghiệp, có ba lần bị bắt quả tang. Như vậy Năm Cam đâu phải vô tội mà Phạm Sỹ Chiến có công văn bênh vực? Phạm Sỹ Chiến cho rằng lúc đó thấy Năm Cam có “thành tích cộng tác cơ quan công an”.

Lập luận này của Phạm Sỹ Chiến đã bị chủ tọa “bắt”, ông nói: “Trong báo cáo của BNV có nêu rõ Năm Cam lợi dụng làm đặc tình, chỉ báo cho công an bắt những sòng bạc không do Năm Cam quản lý. Cho nên ở đây đâu có chuyện công - tội như bị cáo nói”.

Chủ tọa còn công bố những tài liệu cho thấy Phạm Sỹ Chiến có những quan tâm đặc biệt trong giải quyết trường hợp Năm Cam, như cử ngay cán bộ vào TP.HCM, họp liên tiếp để trả lời BNV. Phạm Sỹ Chiến cũng trả lời do bị cáo nhận thức đơn giản là trong phần việc mình thì mình làm, chứ không có ý gì.

Tòa cũng đã cho chiếu lại bức ảnh Phạm Sỹ Chiến ngồi giữa Trần Mai Hạnh và Trần Văn Thuyết, kế đó là vợ của Trần Mai Hạnh, Tôn Vĩnh Đắc, Dương Ngọc Hiệp, Nguyễn Thập Nhất… đang vui vẻ trong một bàn tiệc. Thẩm phán Thành nói cương vị bị cáo quan trọng như thế, khi đang giải quyết một vụ án tại sao cứ đi quan hệ ăn nhậu với đương sự. Nếu một kiểm sát viên, điều tra viên đi ăn nhậu thường xuyên với đương sự thì giải quyết công việc có khách quan, vô tư không? Phạm Sỹ Chiến lại trả lời: “Hội đồng xét xử đặt vấn đề rất đúng, nhưng bị cáo không nhận thức được”.

Có không việc nhận tiền?

QM60PNvS.jpgPhóng to

Bị cáo Phạm Sỹ Chiến

Dương Ngọc Hiệp khai đưa Trần Văn Thuyết hai lần tổng cộng 6.000 đô để đưa cho Phạm Sỹ Chiến, “cảm ơn” sau khi có kiến nghị 1333. Thuyết khai đã dùng 3.000 đô chuyển thành một dàn máy nghe nhạc, nhưng Phạm Sỹ Chiến phủ nhận, nói dàn máy là mua từ Trần Văn Thuyết giá khoảng 5 triệu đồng, đã thanh toán xong.

Tuy nhiên, tòa cho công bố ba lời khai của Phạm Sỹ Chiến, bà Phạm Thị Chức (vợ bị cáo) và con gái bị cáo khai hoàn toàn khác nhau. Lời khai của con Phạm Sỹ Chiến là “có nghe mẹ tôi nói những thứ trên là chú Thuyết mua cho, trị giá 7 triệu đồng”. Tòa hỏi bà Chức nghĩ chữ “mua cho” là như thế nào? Bà Chức lại nói “dù mua cho hay mua hộ thì cũng là trả tiền”. Bà Chức trình bày vội vã đến nỗi thường cắt ngang lời tòa, chủ tọa phải yêu cầu bà giữ trật tự phiên tòa, khi nào tòa hỏi mới nói.

Trần Văn Thuyết được gọi đối chất, Thuyết khai rõ Nguyễn Thập Nhất dắt Thuyết tới nhà Phạm Sỹ Chiến để nhờ Phạm Sỹ Chiến xem xét giúp vụ Năm Cam bị đưa đi tập trung cải tạo. Dương Ngọc Hiệp cũng xác nhận chuyện này, khoảng 27, 28 tết Thuyết có đến nhà Phạm Sỹ Chiến tặng quà, chai rượu, trái cây, phong bì 5-10 triệu đồng không nhớ chính xác. Phạm Sỹ Chiến được gọi lên, vẫn cam đoan không có nói chuyện gì về việc giúp đỡ Năm Cam cả.

Buổi chiều phiên tòa tạm nghỉ. Thứ hai, 6-10-2003, tòa sẽ tiếp tục xem xét kháng cáo của các bị cáo Bùi Quốc Huy, Dương Minh Ngọc, Võ Quang Thắng, Hoàng Linh. Có đến 35 người được triệu tập, gồm 15 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và nhân chứng, trong đó có các ông Võ Văn Măng và Thân Thành Huyện - nguyên phó giám đốc Công an TP.HCM, ông Quang Hữu Dũng - nguyên phó Phòng cảnh sát hình sự, ông Trần Thanh Tùng - nguyên chánh văn phòng Công an TP.HCM, ông Tống Viết Hòa - chủ vũ trường Phi Thuyền…, và sáu nhà báo. Ngoài ra còn có 11 người bị hại và chín bị cáo, phạm nhân cũng được triệu tập để xét hỏi, trong đó có Trương Văn Cam, Nguyễn Mạnh Trung, Phan Thị Trúc, Hồ Việt Sử…

THỦY CÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên