![]() |
Ông Phạm Huỳnh Tam Lang |
Nỗi đau không nói nên lời
Ông vừa mới nhận giấy quyết định cho nghỉ hưu từ lãnh đạo CSG. Cũng đúng thôi, vì ông cũng đã đến tuổi nghỉ hưu theo qui định, và càng đúng hơn (trong cuộc chơi nghiệt ngã của huấn luyện viên bóng đá) khi đội CSG bị rớt hạng sau mùa bóng 2003. Nhưng tại sao ông không chia tay với đội CSG sau danh hiệu vô địch quốc gia 2002? Khi ấy, ông cũng đã 60, vừa đúng thời điểm để xin nghỉ hưu? Nếu làm như thế ông đã ra đi trong vinh quang, thậm chí có thể để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ?
Nhưng đi như thế thì quả thật không phải là Tam Lang! Ông không thể ra đi khi học trò Đặng Trần Chỉnh (cầu thủ mà ông tin tưởng truyền nghề để kế nghiệp ông làm “thuyền trưởng” lèo lái “con tàu” CSG) chưa đủ độ chín. Ông cũng không thể rũ áo ra đi trong vinh quang khi ông biết rõ hơn ai hết chức vô địch V-League 2002 là một chiến thắng không xứng đáng. Một danh hiệu vô địch “bay” đến với đội nhờ những tính toán của những đội khác. Đó là sự thật, ông Tam Lang nói: “Đội CSG không xứng đáng vô địch mùa bóng 2002”.
![]() |
Tận tình với học trò |
Ông Tam Lang từng trải cũng đã biết trước do bị trói buộc trong cơ chế nên CSG không đủ tiềm lực trụ vững trên mặt bằng bóng đá chuyên nghiệp VN: CSG sẽ bị “chảy máu” cầu thủ, CSG sẽ không có đủ tiền để “sắm” cầu thủ ngoại chất lượng cao, cũng như CSG không còn là miền đất hứa để giữ chân cầu thủ - hôm nay có quá nhiều cánh cửa xán lạn hơn luôn rộng mở chào đón các tài năng bóng đá…
Vậy Phạm Huỳnh Tam Lang còn ở lại CSG thêm một năm nữa để làm gì?
|
“Đất nước này, vùng đất này đã cho tôi cuộc sống bóng đá. Tất cả tạo điều kiện cho tôi nâng cao nghề nghiệp, trao cho tôi nhiệm vụ HLV đội CSG. Tôi nợ rất nhiều người, tôi nợ CSG và tôi không muốn làm điều gì trái lương tâm với CSG”.
Ấy vậy mà mới đây, khi trả lời giới truyền thông, ông Lê Quang Nhật - giám đốc Công ty Xếp dở Tân Thuận, nay là tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn (TMN - CSG) đã kết luận: “Ông Tam Lang là nguyên nhân chính đưa đội CSG xuống hạng”.
Chỉ một câu nói ấy cũng đủ để ông Tam Lang trọng tình nghĩa không nhận lời mời làm công tác đào tạo trẻ với mức lương 8- 10 triệu đồng/tháng của lãnh đạo TMN-CSG.
Tiền rất quan trọng, nhưng tiền không là tất cả, và với ông Tam Lang tiền lại không thể nặng hơn tình, cho nên ông từ chối nhẹ nhàng lời mời của TMN-CSG. Nói cách khác, ông Tam Lang chính thức chia tay với CSG, một cuộc chia tay đành đoạn khi “họ” trút mọi trách nhiệm lên ông, trong khi trách nhiệm để CSG xuống hạng không chỉ của riêng ông Tam Lang.
Cái giá của sự thủy chung
“Gần ¼ thế kỷ dẫn dắt đội bóng, còn gì để gọi là sáng tạo” lối đá CSG đã không còn được nhắc đến, vì còn gì để nhắc dù người chỉ huy vẫn là Tam Lang!”.
Thật cay đắng cho ông Tam Lang khi phải nghe và những nhận xét nghiệt ngã như vậy ngay lúc chấm dứt sự nghiệp HLV đỉnh cao. Nhưng đó là điều ông chấp nhận, chấp nhận như chính con người ông tự nguyện quyện chặt với cái tên CSG.
Ông Tam Lang chậm rãi nhớ lại: “Sau năm 1975, tôi và một số anh em cựu tuyển thủ miền Nam về đá cho CSG. Lối chơi phối hợp nhỏ, nhanh dựa trên nền tảng kỹ thuật phù hợp với thể hình và tính khéo léo của người VN đã hình thành nên phong cách CSG. Khi tôi nhận chức HLV đội CSG, tôi may mắn tiếp nhận một thế hệ tài năng: Phan Hữu Phát, Đặng Trần Chỉnh, Võ Hoàng Tân, Phạm Văn Tám, Nguyễn Hồng Phẩm, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thanh Tùng…

Ông Tam Lang nói thật tiếc cho đội CSG giàu truyền thống! Sân bãi không có, phải thuê sân tập, còn tiền lương cho các HLV đội trẻ thì quá thấp. Lãnh đạo CSG đã không có chiến lược để phát triển và tồn tại, dù rằng ban huấn luyện đội đã nhiều lần kiến nghị. Chính bản thân lãnh đạo CSG qua nhiều thế hệ cũng thấy rõ khiếm khuyết này. Song, tất cả đều thụ động.
Đây mới là bi kịch cho cuộc đời bóng đá của ông Tam Lang. Sau vòng loại World Cup 1994, ông đã xin rời Ban huấn luyện đội tuyển VN và từ chối không đến SEA Games 17 khi thấy đội tuyển không được đầu tư tốt. Với đội tuyển, ông có thể dứt khoát, nhưng với CSG thì không cho dù ông biết quá rõ tương lai không sáng sủa của nó. Nhưng biết sao được khi đó là quan niệm sống của ông!
Ông gắn chặt với CSG là thế, và ông chấp nhận chết cùng CSG.
Mãi mãi tình yêu bóng đá!
![]() |
Vui cười chiến thắng |
Ông cũng không muốn nhắc đến những chuyện buồn cũng như vui, nhưng ông tự hào mình là người ngay thẳng dù trong môi trường bóng đá VN không dễ có được một cuộc sống trung thực. Ông chỉ tiếc rằng thời của ông bóng đá chưa thật sự chuyên nghiệp và đời sống của HLV lẫn cầu thủ chưa được coi là nghề nghiệp. Chính vì vậy ông muốn thế hệ hôm nay, với đầy đủ điều kiện so với trước đây, hãy sống sao cho xứng đáng với những gì bóng đá dành cho họ, và đừng quên tích lũy cho mình khi giã từ sân cỏ.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận