Phóng to |
Theo dự thảo luật, muốn được cấp chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ phải có sáu loại văn bản, có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương và việc làm giấy này cũng mất phí. Đại biểu Triệu Đình Sinh (Quảng Ninh) cho rằng có trên 280.000 cán bộ y tế, vì vậy quy định cấp chứng chỉ hành nghề có thể gây lãng phí, tốn kém không nhỏ về tiền của, thời gian. Trong khi đó, để quản lý chất lượng chuyên môn của các bác sĩ, theo ông Sinh, việc cấp phép không phải là biện pháp duy nhất.
Đặt ra nhiều thủ tục rườm rà
Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng chỉ cần cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ nhân viên y tế thuộc khối tư nhân, bởi “cán bộ y tế công khi được tuyển chọn đã được quản lý đầy đủ các hồ sơ, thủ tục hành nghề”. Theo bà Sáng, nếu cán bộ y tế công có nhu cầu làm ngoài giờ, làm chuyên gia hay muốn có chứng chỉ hành nghề thì đăng ký nhưng cũng chỉ nên quy định trên tinh thần tự nguyện.
Đặt câu hỏi dự thảo luật do Bộ Y tế soạn thảo quy định người hành nghề y phải làm thủ tục xin gia hạn chứng chỉ hành nghề sau năm năm, đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) hỏi “mục đích để làm gì?”. Theo ông Hồng, thủ tục trên vừa gây tốn kém, vừa tạo cơ chế “xin cho” không cần thiết. Nếu có người vi phạm, cơ quan quản lý cứ thu hồi chứng chỉ thông qua thanh tra, kiểm tra chứ không nhất thiết phải định kỳ cấp lại.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề xuất chứng chỉ hành nghề y nên theo quy trình cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để đơn giản, nhanh gọn. Theo ông Nghĩa, nên quy định rõ thời hạn Sở Y tế, Bộ Y tế có trách nhiệm phải cấp chứng chỉ và chỉ cấp một lần, không xác định thời hạn. “Thực tế thương hiệu của bác sĩ là do xã hội thừa nhận chứ không phải do các giấy tờ của Nhà nước. Vì vậy, không nên quá đặt nặng thủ tục giấy tờ không phù hợp với thực tế và xu hướng cải cách hành chính hiện nay” - ông Nghĩa nói.
Về việc cho cán bộ y tế công hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, đại đa số đồng tình để đáp ứng nhu cầu của dân, tránh bác sĩ nghỉ việc nhà nước ra làm tư...
Luật cho thầy thuốc hay cho người bệnh?
Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định), tổng thư ký Hội Đông y, băn khoăn: “Dù dự luật lấy tên là Luật khám bệnh, chữa bệnh nhưng dự thảo nặng về thủ tục hành chính, các loại giấy phép mà ít đề cập quyền lợi của người bệnh, là vấn đề xã hội đang bức xúc”. Bà Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) phân tích kỹ hơn chỉ có 10 trong số 81 điều của dự thảo luật đề cập quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Trách nhiệm của bác sĩ, cơ sở y tế lại ít được đề cập cụ thể. Vì vậy, bà Hằng cho rằng “luật soạn thảo cho thầy thuốc hơn là cho người bệnh”.
Để tránh tình trạng hiện nay người bệnh đến bệnh viện phải đặt niềm tin vào bác sĩ nhưng bác sĩ lại khám bệnh qua loa, thiếu trách nhiệm, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị phải bổ sung vào luật một số nội dung liên quan đến điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho dân. Đại biểu Nguyễn Thị Sáng đồng tình và đề nghị dự luật phải quy định rõ cơ quan, tổ chức nào đứng ra giám định, giám sát chất lượng khám chữa bệnh, cả vấn đề y đức vì thực tế, theo bà Sáng, thanh tra y tế chưa đảm bảo việc kiểm soát toàn diện hoạt động của tất cả cơ sở y tế.
Dự thảo quy định người hành nghề khám chữa bệnh có nghĩa vụ thương yêu người bệnh, theo đại biểu Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận), là quá chung chung. Về quy định y bác sĩ không phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế, theo ông Tý, như vậy chưa đủ vì “có trường hợp chữa đúng chuyên môn nhưng săn sóc không chu đáo, hướng dẫn không cụ thể cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.
Cho rằng cử tri đang rất bức xúc việc quản lý giá thuốc hiện nay, đại biểu Cao Thành Văn (Bạc Liêu) đề nghị ban soạn thảo dự luật cần đưa quy định cụ thể: các sản phẩm thuốc phải có giá niêm yết bán lẻ trên bao bì.
Cần quy định cơ quan quản lý nhà nước về bức xạ vô tuyến điện Chiều 15-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tần số vô tuyến điện. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là các quy định liên quan đến việc bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện. Theo Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, thực tế Bộ Khoa học - công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về an toàn bức xạ điện từ (TCVN 3718-1:2005 - Quản lý an toàn bức xạ tần số radio), trong đó có quy định về quản lý an toàn bức xạ tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện. Đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm, vì vậy để phù hợp với quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo luật cần quy định cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận