17/10/2022 16:10 GMT+7

Phải trị được bệnh nghĩ 'nghèo là đương nhiên'

HÀ QUÂN thực hiện
HÀ QUÂN thực hiện

TTO - Để xóa bỏ tâm lý “nghèo từ tư tưởng”, người làm kinh tế giỏi sẽ dẫn dắt và cùng làm với người dân địa phương để thoát nghèo, đồng thời trách nhiệm của cán bộ địa phương sẽ lớn hơn trong phân bổ nguồn lực.

Phải trị được bệnh nghĩ nghèo là đương nhiên - Ảnh 1.

Ông Tô Đức - vụ trưởng, chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong Ngày Quốc tế giảm nghèo 17-10, ông Tô Đức - vụ trưởng, chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam.

Thưa ông, những khó khăn và thách thức khi áp chuẩn nghèo mới là gì?

Đến năm 2022, tổng tỉ lệ nghèo đa chiều cả nước là 9,35%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 5,2% và tỉ lệ hộ cận nghèo là 4,15%. Khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có tỉ lệ nghèo cao nhất. Phần lớn nằm ở nhóm đồng bào dân tộc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đa phần người nghèo thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu việc làm, thậm chí có vốn nhưng không biết cách làm ăn. Ngoài ra, nguồn lực bố trí dàn trải, manh mún không tạo lực đẩy, đột phá mới mẻ để người dân thực sự thoát nghèo.

Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân dưới 2 triệu đồng/người/tháng ở thành thị; dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và thiếu hụt 3/6 dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh và thông tin).

Những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có tiêu chí thu nhập riêng, cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia. Một số nơi như TP.HCM còn quyết định thêm đặc thù về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, người nghèo tại vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có bị "thiệt thòi" khi phải đáp ứng chuẩn cao hơn chuẩn chung quốc gia?

Như ở Hà Nội, tỉ lệ người nghèo, hộ nghèo ở huyện Ba Vì sẽ cao hơn so với các quận trung tâm. Do đó, cơ chế, chính sách hướng tới hỗ trợ người nghèo vùng ven đô, vùng xa, vùng khó khăn sẽ nhiều hơn khu vực trung tâm. 

Nếu xác định là người nghèo thì được hỗ trợ, bất kể vùng miền, thời điểm, dịch vụ xã hội thiếu hụt, để không ai bị bỏ lại phía sau, không sót lọt đối tượng. 

Phải trị được bệnh nghĩ nghèo là đương nhiên - Ảnh 2.

Mô hình sản xuất dâu tây đem lại thu nhập cao, thoát nghèo bền vững - Ảnh: HÀ QUÂN

Vậy chúng ta cần làm gì để hóa giải các khó khăn?

Đầu tiên, chúng ta cần giải quyết là thay đổi suy nghĩ "nghèo từ tư tưởng". Nghĩa là đời ông nghèo, đời bố nghèo cho đến đời mình vẫn nghèo nên nghĩ "nghèo là đương nhiên" và sinh ra suy nghĩ "nghèo không có gì lạ do xung quanh nhiều người cũng vậy". 

Do vậy, chính sách khuyến khích người có kinh nghiệm sản xuất, làm kinh tế giỏi dẫn dắt mô hình, cộng đồng thông qua tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa. Người giỏi cùng làm với người nghèo chứ không để người nghèo tự làm với nhau. Người dân muốn thoát nghèo phải góp ngày công lao động, hiện vật, thậm chí là kinh phí.

Các mô hình, dự án giảm nghèo quy định rõ việc hỗ trợ người nghèo tối thiểu 50%. Chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ con giống, vật nuôi, công cụ, phương tiện, quy hoạch đất đai. Doanh nghiệp hỗ trợ quy trình sản xuất, bao tiêu đầu ra. 

Chúng ta cũng tập trung trọng tâm, trọng điểm ở vùng "lõi nghèo". Đó là 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển theo quyết định 353 của Thủ tướng. Mục tiêu đến năm 2025 là 30% vùng "lõi nghèo" thoát nghèo.

Chiến lược chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư để hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nguyên liệu. Trách nhiệm gắn với cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền hay tập thể rõ ràng. Không vì lý do này lý do kia biện minh khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Quốc tế khuyến nghị Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, rà soát, lập kế hoạch hỗ trợ người nghèo minh bạch, cập nhật từng năm. Chính phủ cần hỗ trợ khoảng 20% dân số có thu nhập thấp nhất như đối tượng bảo trợ xã hội, nhóm người dân gặp hoàn cảnh khó khăn...

Việc phân bổ nguồn lực ra sao để tránh chồng chéo, thưa ông?

Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững hướng tới người nghèo ở mọi nơi, không phân biệt người đồng bào dân tộc hay người Kinh. Còn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng tới thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong khi, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp cận theo địa bàn xây dựng chuẩn nông thôn mới - nông thôn mới nâng cao.

Để không trùng lặp, từ Chính phủ đến địa phương chỉ có một ban chỉ đạo chung nên kế hoạch bảo đảm xác định rõ nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng, kinh phí. Người dân được lựa chọn nhận hỗ trợ cao nhất nếu trùng chính sách từ các chương trình. Do đó, địa phương nào để một đối tượng mà hưởng hỗ trợ giống hệt nhau từ hai chương trình khác nhau thì vi phạm pháp luật và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý.

UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo

TTO - Ngày 28-2, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết thỏa thuận hợp tác giảm nghèo tại Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), với tổng kinh phí hàng trăm ngàn USD.

HÀ QUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên