19/02/2011 06:49 GMT+7

"Phải thay đổi từ công tác quản lý"

TRUNG DÂN
TRUNG DÂN

TT - Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu tham dự “Hội thảo chiến lược khôi phục - phát triển thể thao TP.HCM giai đoạn 2011-2020” diễn ra sáng 18-2 tại TP.HCM.

TT - Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu tham dự “Hội thảo chiến lược khôi phục - phát triển thể thao TP.HCM giai đoạn 2011-2020” diễn ra sáng 18-2 tại TP.HCM.

Theo phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM Nguyễn Hùng, thể thao đỉnh cao TP.HCM những năm gần đây sa sút là điều ai cũng nhìn thấy. Vì vậy, việc “nói thẳng và nói thật” để tìm ra nguyên nhân nhằm vực dậy là điều rất cần thiết...

Trong tất cả tám ý kiến đóng góp cho thể thao TP.HCM sáng 18-2, tham luận của trưởng bộ môn kiêm tổng thư ký Liên đoàn Thể thao TP.HCM Chung Tấn Phong được xem là thẳng thắn và thực tế hơn cả. Mở đầu bài tham luận, theo ông Phong, hiện TP.HCM đang gặp hai vấn nạn lớn trong công tác quản lý thể thao đỉnh cao:

1. Đó là việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư cho VĐV tuyến trọng điểm trong khi các VĐV này chưa có thành tích gì. Theo ông Phong, đây là một lãng phí lớn bởi trên thế giới hiện nay chỉ có VN còn duy trì chế độ này. Ngay cả chuyên gia Wuna (Trung Quốc) sau ba tháng huấn luyện cho bơi lội TP.HCM cũng tỏ ra bất ngờ khi biết mỗi năm ngân sách nhà nước VN cấp cho thể thao khá khiêm tốn, nhưng lại “đổ” một phần không nhỏ vào lứa tuổi năng khiếu.

2. TP.HCM vẫn còn bình quân trong việc đầu tư cho thể thao thể hiện qua việc cào bằng tất cả chế độ, người tập luyện nhiều cũng được hưởng chế độ ngang người tập luyện ít. Không chỉ VĐV mà đối với HLV cũng vậy. Ông Phong cho rằng cách làm bình quân này vừa gây lãng phí đồng thời ảnh hưởng đến những người tích cực, và bộ môn càng đông thì sự lãng phí càng lớn.

Ngoài ra, một ý kiến khác của ông Phong cũng được nhiều đại biểu đồng tình, đó là nếu so sánh với các tỉnh thành khác, “thể thao TP.HCM cái gì cũng có nhưng cái gì cũng thiếu, dẫn đến một mẫu số chung là... thiếu lửa”. Nguyên nhân của “thiếu lửa”, theo ông Phong, đầu tiên xuất phát “từ lãnh đạo thiếu khát vọng, HLV thiếu tâm huyết và VĐV thiếu đam mê”. Kết thúc phần tham luận của mình, ông Phong cho rằng để vực dậy một nền thể thao đang sa sút, TP.HCM không còn cách nào khác là phải thay đổi từ công tác quản lý và điều này quyết định đến 70% thành công.

Cùng suy nghĩ như ông Phong, ông Nguyễn Trọng Trúc - tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM - cho rằng thực tế cho thấy trong các môn thể thao của TP.HCM, nơi nào có người cầm trịch tốt, quản lý tốt sẽ có thành tích cao mà Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua là một minh chứng.

Bên cạnh các ý kiến đóng góp của các liên đoàn, bộ môn, các giám đốc trung tâm TDTT quận huyện, được xem là “người nhà”, buổi hội thảo đã lắng nghe góp ý của khách mời như ông Đặng Hà Việt - phó giám đốc Trung tâm huấn luyện quốc gia tại TP.HCM, ông Lê Duy Khánh - phó vụ trưởng, đại diện cơ quan đại diện tại TP.HCM thuộc Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch.

Trong đó, ý kiến của ông Khánh được các đại biểu rất tán thành khi cho rằng thể thao TP.HCM đừng bao giờ đặt mục tiêu trở lại vị trí số 1 Đại hội TDTT toàn quốc, mà phải đầu tư định hướng xa hơn cho Asiad hay Olympic. Nói điều này bởi có đạt 100 HCV quốc gia cũng không thể sánh với 1 HCV Olympic...

Là người chủ trì hội thảo thay phó giám đốc phụ trách thể thao Mai Bá Hùng vắng mặt với lý do bận đi họp, ông Nguyễn Hùng nhấn mạnh: “Từ những phân tích trên, băn khoăn nhất của tôi là ai làm, ai được làm, ai biết làm và ai dám làm mới là điều quan trọng?”. Câu hỏi của ông Hùng cho thấy việc vực dậy thể thao TP.HCM vẫn còn là con đường xa...

TRUNG DÂN

TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên