![]() |
Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học 2004, một con đập ngăn dòng chảy... - Ảnh: T.T.D. |
Bộ GD-ĐT chưa có hướng ra
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới QH, trưởng Ban Dân nguyện Lê Quang Bình đã thống kê hàng loạt dẫn chứng cho thấy mức độ quan tâm và bức xúc của người dân trước thực trạng nền giáo dục nước nhà. Trước hết, chất lượng giáo dục đại học của ta đang bị tụt hậu ngay cả so với các nước trong khu vực (thấp hơn Thái Lan 50 bậc). Một giáo sư chỉ ra rằng bằng cấp phổ thông VN không được thế giới công nhận, bằng đại học không được ai khen,...
Ông Bình dẫn một số liệu đã cũ nhưng vẫn mang tính thời sự: cơ cấu đào tạo thật bất hợp lý với tỉ trọng 1-1,13-0,92 tương ứng các bậc đại học, trên đại học-cao đẳng, trung học chuyên nghiệp- công nhân kỹ thuật (trong khi chuẩn quốc tế phải là 1-4-10).
Thực tế thời gian qua cho thấy việc xử lý vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đã không được xem xét, nghiên cứu một cách đồng bộ, hợp lý khiến một số chủ trương, chính sách đưa ra không đi vào cuộc sống hoặc vận hành không theo ý muốn của chúng ta. Tôi chỉ xin đơn cử hai việc. Thứ nhất, chế độ cử tuyển mặc dù rất ưu việt nhưng tôi đi nhiều nơi thì thấy chỉ nắm được đầu vào, còn đầu ra lại nắm lơ mơ. Các em diện cử tuyển ra trường về lại địa phương phục vụ là bao nhiêu? Chẳng đâu có câu trả lời chính xác. Thứ hai, chính sách ưu tiên học phí cho sinh viên sư phạm nhằm khuyến khích, thu hút học sinh theo nghề giáo song có một tình trạng là các em ra trường lại chuyển sang công tác ngành khác.Việc chậm đánh giá, tổng kết các chính sách giáo dục để tìm hướng điều chỉnh cho phù hợp sẽ dẫn đến hiện tượng quá tả hoặc quá hữu trong nhận thức, thực hiện. Không ai khác, ngành GD-ĐT phải khắc phục điều này. |
Những vấn đề nóng bỏng đó, theo GS Trân, chúng ta ai cũng biết: chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học, còn hạn chế, học thêm dạy thêm tràn lan, thi tuyển vào đại học năm nào cũng có chuyện, tình trạng gian lận trong thi cử phổ biến... Trong khi báo cáo do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn thảo lại quá chung và vĩ mô, hướng ra cho những bức xúc vừa nêu chưa rõ.
Đặc biệt quan tâm các nhóm giải pháp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho rằng việc xây dựng chiến lược giáo dục cần phải được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ dễ gây “hẫng” cho QH. “Cá nhân tôi rất tâm huyết với việc này. Và đúng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã đề cập: không như kinh tế có thể xây dựng chiến lược 5-10 năm, giáo dục là ngành đào tạo con người nên chiến lược phải có tác dụng ít nhất một thế hệ (20-30 năm).
Hơn nữa giáo dục phải dự báo được tương lai xa hơn kinh tế, phải đi trước một bước và đón đầu sự phát triển kinh tế - xã hội để chuẩn bị nguồn nhân lực”- ông Yểu nhấn mạnh.
Dòng sông giáo dục bị chặn bởi con đập
Trong phần trình bày tóm tắt dài 15 trang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cho rằng: giáo dục nước nhà những năm qua đã có những thành tựu quan trọng trên cả ba mặt là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Nhưng lẽ ra giáo dục có thể đạt được những thành tựu to lớn hơn, thực hiện có kết quả hơn việc khắc phục những yếu kém và khuyết điểm, nếu chúng ta đổi mới tư duy giáo dục mạnh mẽ hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc thực hiện các chủ trương, các biện pháp giáo dục tích cực đã được quyết định và ngăn chặn các tác động tiêu cực xã hội xâm nhập vào nhà trường, làm giảm sút ý nghĩa cao cả của sứ mạng giáo dục.
Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã hơn một lần “cắt ngang” khi nghe báo cáo này. Ông hỏi: “Tại sao chúng ta không mở rộng đầu vào ở bậc đại học?”. Bộ trưởng Hiển: “Muốn mở rộng đầu vào thì phải quản lý chặt chẽ đầu ra, không như kiểu hình ống hiện nay vào bao nhiêu ra bấy nhiêu. Đây là chủ trương lớn, Chính phủ đã bàn từ lâu, nay trình QH cho ý kiến vì nếu không có sự đồng thuận, khả năng sẽ bị phản ứng gay gắt”.
Nhưng “khả năng bị phản ứng” lại đã trở thành hiện thực đối với chính cách làm... hiện nay. GS Nguyễn Ngọc Trân nói thẳng: mô hình đại học của ta lỗi thời, chậm biến đổi và vá víu. Ở các nước, anh cứ đỗ tú tài là có thể ghi tên vào đại học và anh chỉ phải thi đầu vào nếu muốn trở thành kỹ sư.
Còn ở ta, GS Trân ví von, chẳng khác nào một dòng sông chảy từ tiểu học lên trung học cơ sở đến trung học phổ thông và bị chặn họng bởi một con đập đại học. Mười người chọn một để qua cái họng ấy, cho nên dòng sông bị tắc và dồn ngược lại thượng nguồn: phải học thêm từ bậc trung học phổ thông, học thêm từ trung học cơ sở, học thêm từ tiểu học với hi vọng lách được qua khe cửa hẹp.
“Vì là người trong ngành tôi xin phát biểu chân thành. Nếu không xử lý chỗ này, anh Hiển khó lòng giải quyết được nạn dạy thêm học thêm hay nạn gian lận trong thi cử - những vấn đề mà anh không thể nào giải quyết bằng biện pháp hành chính” - GS Trân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận