Không có kiểu phấn trắng bảng đen thầy đọc trò chép truyền thống mà là một “sân chơi thực thụ”. Giáo trình do WWF biên soạn, phương pháp truyền đạt hoàn toàn mới: Thầy là một quản trò, các học viên là thành viên của một chương trình, thậm chí một giám đốc, quản trị một dự án nào đó thoả sức trình bày ý tưởng, quan điểm của mình rồi kết luận, đánh giá rút ra được vấn đề cốt lõi, cái chính là nắm được mục tiêu truyền đạt của lớp học: Kỹ năng truyền thông cộng đồng.
Giáo cụ tuy chưa phải là hiện đại có Mutimedia như hiện nay mà chỉ có máy chiếu slide, còn lại là vài miếng xốp, tấm bìa, vài sợi dây, một tờ báo bị xé vụn… tất cả đều trực quan, sinh động, dễ hiểu. Vài nét vẽ nguệch ngoạc, vài nét chấm phá, điểm nhấn của thầy hoặc ý kiến của học viên nào đó làm sáng tỏ một vấn đề mà cả lớp tranh luận.
Về trình độ của học viên: một giáo viên người Anh, một học sinh phổ thông, một kiểm lâm viên, một bác ngư dân không biết chữ đến ông phó giám đốc chữ nghĩa đầy mình đều có một khả năng tiếp thu như nhau cả! Đó là nhờ phương pháp trực quan sinh động tác động vào tư duy vốn trừu tượng thành cụ thể. Tất cả đều hào hứng với nhiều trò chơi hấp dẫn, bổ ích mà ai cũng háo hức mong đến giờ vào học…
Nghĩ đến 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học và mấy lần tập huấn, đào tạo lại, bây giờ tôi vẫn nghĩ còn ớn lạnh cái cảnh đến trường, thầy đọc trò ghi, tối về làm bài, sáng kiểm tra miệng, một tiết, học kỳ, cả năm, tốt nghiệp, thi tuyển… Chúng tôi cũng tiếp thu được khá nhiều kiến thức qua những năm học đó nhưng đó là một sự khổ ải nhiều hơn hào hứng, thích thú.
Sự giáo dục áp đặt là chính, còn tính sáng tạo rất hạn chế. Nhìn vào kết quả thi đại học vừa qua và những thông tin về nền giáo dục của nước ta những năm gần đây thật đáng buồn. Phải có sự đổi thay nào đó, một cú hích nào đó chứ cứ kể thành tích, tìm nguyên nhân, khắc phục…. với lối giáo dục truyền thống quá cũ và lạc hậu rồi. Phải đổi mới thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận