29/09/2010 07:26 GMT+7

Phải bỏ thói quen đón xe dọc đường

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TT - Thông tư 14 của Bộ GTVT (có hiệu lực từ 8-8-2010) về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô quy định xe khách không được đón trả khách dọc đường. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về quy định này, trong đó nhiều doanh nghiệp vận tải không đồng tình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Thành - vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) - cho biết:

t9OFgD2K.jpgPhóng to

Theo quy định mới, xe khách không được đón trả khách dọc đường. Trong ảnh: xe bắt khách dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) - Ảnh: Tuấn Phùng

- Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp ủng hộ nội dung thông tư 14. Tại hội nghị tập huấn vừa qua, chỉ 2/18 ý kiến doanh nghiệp không đồng tình với quy định trên.

Trong cuộc sống, để có cái “được” thì bao giờ cũng có những cái “mất”. Nếu chúng ta thấy cái “được” lớn hơn cho xã hội thì phải làm. Xuất phát điểm để sửa Luật giao thông đường bộ năm 2008 là lúc đó tai nạn xe khách nghiêm trọng xảy ra nhiều, xe khách vi phạm từ lấn làn, phóng nhanh vượt ẩu đến tranh nhau bắt khách.

Việc tổ chức đón khách dọc đường khiến các xe tranh nhau chạy, dừng đỗ tùy tiện để bắt khách, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội. Luật giao thông đường bộ ra đời nhằm tổ chức lại vận tải để khắc phục hậu quả đó, đưa ra nhiều quy định về điều kiện của doanh nghiệp, phương tiện vận tải.

Xin khẳng định là Bộ GTVT không cấm xe chạy dọc tuyến được đón trả khách trên các hành trình nhất định. Ví dụ xe từ Hà Nội đi TP.HCM có thể đăng ký đón trả khách ở Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, nhưng tất cả trong hành trình đó phải đăng ký với cơ quan quản lý tuyến. Nếu dọc đường ai vẫy cũng đón, ai xuống cũng trả thì cấm là đúng.

* Các điểm đăng ký đón trả khách là các bến xe hay các điểm của doanh nghiệp đăng ký? Doanh nghiệp có các điểm nghỉ và đón trả khách riêng thì có được sử dụng để đón trả khách?

- Các điểm đó là hệ thống bến xe dọc hành trình của tuyến. Nếu chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM mà có lượng khách tại các điểm thì đăng ký tổ chức bán vé ở các bến dọc tuyến, nhưng phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM mà đăng ký đón trả khách tại Đà Nẵng thì phải xây dựng vé chặng đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng là bao nhiêu tiền, không tùy ý thu trên cơ sở vé tuyến rồi thích lấy bao nhiêu thì lấy. Trong phương án kinh doanh phải xây dựng, đăng ký giá vé chặng.

Không cho phép doanh nghiệp có trạm riêng tự đón trả khách, trừ khi điểm đó hoạt động và có bộ máy quản lý như bến xe (đơn vị kinh doanh có điều kiện) thì mới được phép.

* Các điểm dừng xe khách dọc quốc lộ hiện nay được Bộ GTVT và các địa phương lập ra có thể sử dụng cho xe khách đón trả khách?

- Ngành giao thông đã triển khai trên 500 điểm nhưng tổ chức quản lý không được nên dẫn đến gây mất ổn định. Đó là giai đoạn 1 - cho đón khách tại một số điểm, sau đó sẽ tổ chức quản lý lại.

Bây giờ những tuyến nào có khách, có nhu cầu thì tổ chức chạy đường dài. Thật ra doanh nghiệp chủ yếu lấy đường ngắn nuôi đường dài (xe đón trả khách từng chặng ngắn trên dọc hành trình đường dài). Vậy tuyến đường dài có cần số lượng xe đông như hiện nay không? Nếu một tuyến chỉ cần 50 xe thì chỉ chạy đủ từng đó. Với lượng khách đi đường ngắn sẽ tổ chức tăng cường xe đường ngắn, như vậy sẽ đảm bảo cung và hợp lý, an toàn hơn.

Nghị định 91 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng nêu rõ xe chạy tuyến cố định phải đón trả khách đúng nơi quy định, hệ số khách một tuyến đạt trên 50% số ghế thì mới được phép tăng xe, tăng tuyến, tăng doanh nghiệp.

* Thói quen của hành khách là muốn lên xuống tại nơi thuận tiện nhất cho họ, nhà xe cũng muốn như vậy để tăng khách. Với thông tư 14, ít nhiều hành khách và nhà xe thấy bất tiện?

- Tôi nghĩ những thói quen không tốt thì phải bỏ để lập lại trật tự vận tải vì quyền lợi của xã hội và mọi người dân. Hành khách muốn lên xuống xe nơi thuận tiện cho họ nên không vào bến, vì vậy xe từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) xuất phát một tiếng rưỡi chưa ra khỏi Hà Nội do tài xế phải chạy chậm gom khách. Như vậy có hợp lý không? Nếu tất cả mọi người tập trung ở bến lên xe, tài xế chạy thẳng từ Hà Nội lên Phú Thọ cũng chỉ hết một tiếng rưỡi.

* Nhưng hệ thống vận tải công cộng chuyển tiếp khách từ khu vực họ ở đến bến xe và ngược lại chưa đáp ứng được. Ông nghĩ sao về thực tế này?

- Trên đường bộ hiện nay có hệ thống vận tải nhiều phương thức như: vận tải tuyến cố định, vận tải du lịch, hợp đồng, taxi, xe buýt, xe ôm. Khách thắc mắc đáng lẽ tôi xuống ngay cửa nhà nhưng lại phải về bến xe rồi đi ngược lại nhà 2km thì phiền phức quá. Lập luận như vậy là không được, vì xe đưa một người đến cửa nhà lại làm hàng chục người chờ đợi, không ai muốn điều đó.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bố trí phương tiện đưa đón khách từ bến xe đến các điểm hành khách muốn xuống. Việc này tạo thuận lợi cho hành khách thì không ai cấm doanh nghiệp làm.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên