06/05/2009 08:58 GMT+7

Phá rừng ngập mặn, trả giá rất đắt

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Bão Washi đổ bộ vào Hải Phòng ngày 31-7-2005 đã phá vỡ đê biển bằng bêtông kiên cố ở huyện Cát Hải, nhưng tuyến đê làm bằng đất ở xã Bằng La (huyện Đồ Sơn) vẫn an toàn nhờ có rừng trang - một loại cây ngập mặn. Nhưng những cánh rừng này đang mất đi.

doreBS20.jpgPhóng to

Rừng ngập mặn Cần Giờ, lá phổi xanh được Unesco công nhận là khu sinh quyển rừng thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan - Ảnh: N.C.T.

Rừng trang được trồng dọc 650m bờ biển ở Bằng La là một bằng chứng sống động cho thấy hiệu quả của rừng ngập mặn (RNM). TS Vũ Đoàn Thái (ĐH Hải Phòng) chứng minh qua thực tế “cùng một cơn bão, tuyến đê có RNM bảo vệ được an toàn bởi năng lượng sóng khi vượt qua rừng đã giảm 70-80%”...

“Bức tường xanh” bảo vệ môi trường

Theo GS Phan Nguyên Hồng - người đã có 40 năm nghiên cứu về RNM và được coi là một chuyên gia hàng đầu châu Á về lĩnh vực này, RNM chỉ có ở các nước nhiệt đới, á nhiệt đới và có nhiều tác dụng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt..., RNM được đánh giá là một bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy cacbon, giảm khí CO2...

Còn PGS.TS Mai Sỹ Tuấn (chủ nhiệm khoa sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho biết một khả năng khác của rừng này. Đó là RNM có tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, RNM có tác dụng cản sóng và tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại chỗ nên chúng có tác dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mức nước biển dâng.

RNM còn có tác dụng giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường. Khi RNM tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng sẽ tạo thành những bức tường xanh vững chắc. Những loài cây ngập mặn với tầng tán dày có tác dụng to lớn trong việc giảm cường độ của sóng. Hệ thống rễ chằng chịt giảm tác hại của sóng lừng, nhờ đó bảo vệ bờ biển và những con đê biển khỏi bị xói lở do triều cường và nước biển dâng.

Đổi rừng ngập mặn lấy những đầm tôm

Thế nhưng, bất chấp những vai trò, tác dụng to lớn kể trên, “những khu RNM ở VN đang bị mất dần do các mục tiêu kinh tế ngắn hạn - GS Phan Nguyên Hồng cảnh báo - Chúng ta chỉ còn trên 150.000ha, bằng 1/3 so với ban đầu, chủ yếu là diện tích rừng trồng lại và rừng thứ sinh”. RNM bị tàn phá bởi nhiều lý do làm củi, lấy than, làm đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., trong đó diện tích RNM mất nhiều nhất, mỗi năm hàng chục ngàn hecta, là để làm đầm nuôi tôm.

“Tôi rất đau xót khi người ta phá bỏ RNM vô tội vạ để nuôi tôm mà không thấy tác hại của việc này. Việc nuôi tôm như hiện nay sẽ phá vỡ hệ sinh thái ven biển. Sau vài ba năm nuôi với phương thức như hiện nay, tôm cũng như các loại thủy sản khác sẽ mắc nhiều bệnh do môi trường ô nhiễm.

Diện tích đất nuôi tôm đang bị thoái hóa biến thành đất chua, mặn, rất khó cho việc trồng lại rừng - GS Phan Nguyên Hồng bày tỏ - Cách đây mười năm, chúng tôi đã đưa ra mô hình canh tác bền vững đối với các vùng ven biển có RNM. Theo tính toán hợp lý nhất là sử dụng 30% diện tích để nuôi tôm, 70% diện tích để trồng rừng. Theo đó, tại các khu RNM người ta tạo ra những con mương, nước được dẫn vào mương hoặc tận dụng các kênh rạch tự nhiên trong vùng để nuôi tôm, cách này vừa giúp bà con có đất nuôi tôm, vừa bảo vệ được rừng. Nếu biết kết hợp dùng thức ăn là mùn bã của RNM để nuôi tôm thì rất tốt.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên