24/10/2007 13:02 GMT+7

Paul Gauguin dấu chân địa đàng

Theo NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Chiều ngày 7-11 tới đây tại New York, nhà Sotheby’s sẽ đưa ra đấu giá bức Buổi sáng (Te Poipoi (*)) - một trong những tranh vẽ phong cảnh Tahiti lớn nhất của Paul Gauguin hiện còn thuộc sưu tập tư nhân. Ước tính bức tranh sẽ được bán với giá rất cao. Nhưng đằng sau nó còn là một cuộc đời huyền thoại.

X9A2grd4.jpgPhóng to
Hai phụ nữ Tahiti
Chiều ngày 7-11 tới đây tại New York, nhà Sotheby’s sẽ đưa ra đấu giá bức Buổi sáng (Te Poipoi(*)) - một trong những tranh vẽ phong cảnh Tahiti lớn nhất của Paul Gauguin hiện còn thuộc sưu tập tư nhân. Ước tính bức tranh sẽ được bán với giá rất cao. Nhưng đằng sau nó còn là một cuộc đời huyền thoại.

Trong suốt 62 năm qua, bức tranh phong cảnh tuyệt vời này thể hiện một cõi địa đàng trần thế lạ kỳ, đã được treo bên cạnh tác phẩm của Vincent van Gogh, Pablo Picasso cùng nhiều bậc thầy khác tại nhà của gia đình bà Joan Whitney Payson; vốn trước đó đã từng giao cho nhà Sotheby’s bán đấu giá các kiệt tác của Auguste Renoir, Picasso và đặc biệt là bức Hoa diên vỹ của Vincent van Gogh.

Trước khi thuộc về sở hữu của người khác, Buổi sáng được trưng bày tại văn phòng Sotheby’s ở London từ 7 đến 12-10 và ở New York từ 2 đến 7-11. Được Paul Gauguin vẽ vào tháng 10-1892, Te Poipoi có thể sẽ mang về cho gia đình Payson một số tiền khổng lồ.

Trong Buổi sáng, Gauguin mô tả một vùng địa đàng được ông lý tưởng hóa cao độ, chưa hề nhiễm văn minh phương Tây. Gauguin vẽ tranh tại vùng bờ biển Mataiea phía nam Tahiti, khoảng một năm sau khi ông rời Paris đến sống ẩn cư trên đảo. Tên tranh thể hiện những thời khắc tĩnh mịch và yên ắng khi người dân bản xứ bắt đầu một ngày của họ, và có thể hình dung tác giả đã thật hồn nhiên nhìn ngắm cảnh các phụ nữ Tahiti tiến hành một nghi thức cổ truyền là tắm rửa và làm vệ sinh buổi sáng dưới vòm lá những cây đa và xoài - trong lịch sử mỹ thuật phương Tây, đây là lần đầu tiên có một chủ đề mang tính biểu tượng đặc biệt như thế được thể hiện trong tranh.

Trước đó, Edgar Degas cũng sáng tác một bức tranh nổi tiếng với cùng chủ đề nhưng với các nhân vật nữ ngồi trong các bồn vệ sinh bằng kim loại. Gauguin đã quá quen thuộc với hình ảnh đó bởi ông đã từng triển lãm chung với Degas vào năm 1887 trong triển lãm nhóm cuối cùng của các họa sĩ Ấn tượng tại Paris.

Với Tahiti, Gauguin có cả một thiên đàng để sống và vẽ, sau khi ông rời bỏ Paris như một kẻ trốn chạy khỏi thế giới văn minh vật chất. Với Tahiti, Gauguin không chỉ là nơi ẩn cư và làm mới mình như một cách trở về với cội nguồn, mà hòn đảo này còn cung cấp cho ông những chủ đề mới trong sáng tác và bởi cuộc sống ở đây hoàn toàn giúp ông không bị ám ảnh bởi đồng tiền - nơi “người ta không chỉ lo kiếm miếng ăn” như ông đã viết.

JnPLkEii.jpgPhóng to
Mặt trăng và Trái đất
Thật ra, buổi đầu đến với Tahiti, Gauguin hết sức thất vọng. Ở quần đảo thuộc địa này của Pháp, ông lại thấy những hình thái trưởng giả phương Tây mà ông đã chán ghét, ghê sợ. Sau vài tháng ở Papeete, thủ phủ của Tahiti, Gauguin chuyển đến sống trên đảo Marquise cách đó vài chục cây số, ở trong một túp lều bằng tre, ăn mặc và sinh hoạt như người bản xứ, làm quen với các tập tục và cả cách nghĩ của họ.

Chính cuộc sống mới mẻ như thuở còn hồng hoang đó đã mang đến cho ông những cảm xúc lớn lao để vẽ cảnh và người trên đảo; xa hơn nữa các tác phẩm của Gauguin thời kỳ này còn mang những thông điệp bí ẩn và linh thiêng, chạm tới cõi vô cùng, chẳng hạn như bức tranh nổi tiếng Tôi từ đâu đến? Tôi là ai? Tôi sẽ đi về đâu?, nhưng tất cả đều được bày tỏ thật giản dị bằng ngôn ngữ hội họa hậu Ấn tượng mà Gauguin và người bạn đồng nghiệp cũng muốn xa lánh cõi trần đầy tục lụy Vincent van Gogh là hai đại biểu ưu tú nhất. Chính cái sắc màu của thiên nhiên vùng đảo nhiệt đới và văn hóa sơ khai của người bản địa đã cho Gauguin một cõi địa đàng sáng tạo.

Trong một vài bức của “Thời kỳ Tahiti” này của Gauguin, người ta còn thấy chủ đề Thiên Chúa giáo dù các nhân vật trong Kinh Thánh mà ông thể hiện trong tranh đều đã được Tahiti hóa; song có nhiều tác phẩm ông vẽ hoàn toàn dưới ảnh hưởng của các đức tin tôn giáo truyền thống bản địa vùng Polynesia, chẳng hạn bức Mặt trăng và Trái đất được lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền kỳ về cuộc đối thoại bất tận giữa hai vị thần Fatoo và Hina, tượng trưng cho Trái đất và Mặt trăng, của người Polynesia. Gauguin còn khai thác cả nỗi luyến tiếc quá khứ của người Tahiti khi vùng đảo xinh đẹp này bị người Maori xâm lấn và cai trị hơn nửa thế kỷ trước đó.

Những huyền thoại bản địa cứ thế tuôn trào dưới những nét cọ của Gauguin và làm nên một mảng quan trọng không chỉ trong sự nghiệp sáng tác của ông mà còn với cả lịch sử hội họa hiện đại. Và tuyệt nhiên, Tahiti trong tranh Gauguin không hề có dấu vết dù nhỏ nhoi của văn minh phương Tây.

GVaPGbfr.jpgPhóng to tvvnCQA6.jpg
Buổi sáng Chân dung tự họa

Khi Gauguin trở về Paris vào tháng 9-1893, ông mang theo hơn 60 tác phẩm vẽ tại Tahiti và chọn những bức ưng ý nhất, trong đó có bức Buổi sáng, để tổ chức một triển lãm cá nhân tại phòng tranh Durand-Ruel. Dù Gauguin nhận được rất nhiều lời ca ngợi của bè bạn, đồng nghiệp nhưng cũng chỉ có 11 bức tranh được mua vì người thưởng ngoạn vẫn còn bối rối trước một phong cách và những chủ đề còn quá mới với họ. Với nhiều người, lịch sử, tôn giáo và các tập tục Tahiti còn hết sức xa lạ huống hồ là tranh về các chủ đề ấy.

Sau một thời gian chịu đựng cuộc sống Paris và những chuyến đi cùng gia đình tới Copenhagen, lại bị tai nạn gãy chân, Gauguin quyết định trở lại địa đàng của ông. Để có tiền cho chuyến trở lại thiên đường, ông đem bán đấu giá một số tác phẩm, trong đó có bức Buổi sáng, và vào tháng 6-1895, sau chuyến hải hành, ông về đến Tahiti và sống ở đó đến giây phút cuối của đời mình.

Người ta kể rằng, mỗi sáng ở Tahiti, Gauguin dậy từ sớm và vẽ trong cái xưởng vẽ dưới tán cây rừng cho tới khi trời tắt nắng. Ông làm việc chăm chỉ, cần mẫn như một người thợ còn vì phải trả nợ cuộc sống: mỗi tháng, ông nhận được 150 quan từ một nhà buôn tranh ở Paris để giao cho ông ta những bức tranh với giá rẻ như biếu không!

h9hBUw1Q.jpgPhóng to

Tôi từ đâu đến? Tôi là ai? Tôi sẽ đi về đâu?

Cạnh xưởng vẽ của ông là một chuồng ngựa và một chiếc xe ngựa - phương tiện di chuyển của Gauguin cùng chiếc ghế và giá vẽ, màu cọ đi cùng mỗi khi ông muốn đến đâu đó xa để vẽ. Bấy giờ ông đang bệnh, khi không chịu nổi cơn đau, Gauguin lại phải dùng đến morphin và rượu để tiếp tục vẽ, ngay cả trong cơn say. Khi đêm xuống, ông ngồi trước chiếc đàn organ trong xưởng vẽ và tấu lên những khúc nhạc có thể khiến người nghe trào nước mắt.

Ông vẽ và sống một mình, chỉ có một cậu bé giúp việc nấu nướng và giặt giũ. Cho đến một sớm, khi người giúp việc đến thì thấy Gauguin đã chết với một nụ cười thỏa nguyện trên môi. Thi thể ông được bốn người bản xứ khiêng đến huyệt mộ, không có thân nhân và cũng chẳng có nghi thức tôn giáo vì nhà thờ đã không còn chấp nhận ông. Nhưng đảo Marquise mãi mãi trở thành chốn hành hương của những người yêu mến Paul Gauguin, bởi nó đã in những dấu chân của một trong những nghệ sĩ tạo hình lớn nhất mọi thời đại, một người đã “trở thành huyền thoại ngay khi ông đang còn sống” như lời một tác giả đã viết về ông.

(*) Các tác phẩm của Gauguin còn được ông đặt tên bằng ngôn ngữ Polynesia

Theo NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên